Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp François Hollande mở ra nhiều cơ hội hợp tác với cả hai bên trên nhiều lĩnh vực quan trọng như kinh tế, quốc phòng, giáo dục... Ảnh: Tiến Tuấn |
Trong cuộc hội đàm tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định quyết tâm chung đưa Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp hướng tới một tầm nhìn hợp tác dài hạn, đáp ứng lợi ích và quan tâm chung của hai nước.
Hai nhà Lãnh đạo đánh giá quan hệ Việt Nam - Pháp đang phát triển tích cực trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, khoa học – công nghệ, văn hóa, giáo dục – đào tạo. Trong đó, hợp tác kinh tế tiếp tục là trụ cột ưu tiên trong quan hệ song phương và cần tăng cường hợp tác trong các dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng, năng lượng, hàng không, y tế - dược phẩm, môi trường, nông nghiệp và chế biến thực phẩm.
Duy trì ODA cho Việt Nam
Tổng thống Pháp khẳng định cam kết của Pháp duy trì ODA cho Việt Nam. Hai bên đồng lòng tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hợp tác, đầu tư và kinh doanh, hướng tới xây dựng các mối quan hệ đối tác trên cơ sở cùng có lợi.
Bên cạnh đó, hai nước thúc đẩy hợp tác khoa học - công nghệ giữa Việt Nam và Pháp, chú trọng lĩnh vực năng lượng tái tạo, ứng dụng vệ tinh. Việt Nam đánh giá cao vai trò của Pháp trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sau thành công của Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) tại Paris. Hai nước sẽ thắt chặt hợp tác trong ứng phó với thách thức toàn cầu, đặc biệt là ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Francois Hollande chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác. Khoảng 20 thỏa thuận sẽ được ký kết trong chuyến thăm này. Ảnh: Hoàng Hà |
Tăng cường hợp tác quốc phòng, ủng hộ phán quyết Biển Đông
Tổng thống Pháp cho biết, phía Pháp mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Việt Nam, nhất là hợp tác trang thiết bị, thăm viếng tàu quân sự, hỗ trợ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Việt Nam và Pháp cũng sẽ tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN - EU, ASEM, Pháp ngữ; tiếp tục ủng hộ lẫn nhau nhằm phát triển quan hệ của Pháp với châu Á - Thái Bình Dương và tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu.
Hai nhà Lãnh đạo nêu rõ tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế, tái khẳng định cam kết duy trì tự do hàng hải, hàng không; nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực ngày 12/7, hai bên khẳng định nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Ngày 5/9, Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ông cũng có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng thống Pháp có bài phát biểu trước các sinh viên và người dân Việt Nam tại Đại học Quốc gia Hà Nội và tham quan phố cổ. Sau đó, ông rời đi TP HCM vào cuối buổi chiều cùng ngày và sẽ có cuộc hội kiến với Bí thư thành ủy TP HCM Đinh La Thăng vào trưa 7/9.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, hai bên đã ký kết, trao đổi các văn kiện, thỏa thuận hợp tác trên lĩnh vực tương trợ tư pháp, dẫn độ, đào tạo cán bộ, nông nghiệp, giảng dạy tiếng Pháp, ứng phó với biến đổi khí hậu, cung cấp máy bay chở khách Airbus, viễn thông, vệ tinh, phát triển cơ sở hạ tầng…