Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mòn mỏi chờ tái định cư

Hàng chục hộ dân dựng chòi tạm bợ bằng tấm bạt lót ao tôm mòn mỏi chờ tái định cư. Ngôi làng kỳ lạ nằm nép bên chân đê biển Bạc Liêu khiến nhiều người xót xa.

Dự án tái định cư và di dân ra khỏi rừng của tỉnh Bạc Liêu được triển khai từ năm 2016, đến nay vẫn chưa xong. Hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng, chờ tái định cư phải dựng chòi sống tạm bên cạnh dự án.

Ngôi làng không có nhà

Có hàng trăm hộ dân sống lang bạt trong rừng phòng hộ Bạc Liêu hàng chục năm qua. Khi các dự án điện gió ven biển Bạc Liêu hình thành, họ không còn nơi để ở, phải sống tạm bợ chờ được tái định cư.

Hằng ngày, họ lên rừng, xuống biển mò cua bắt ốc mưu sinh. Từ khi các dự án điện gió hình thành, nguồn sinh kế ven biển không còn, thậm chí các hộ dân bị buộc phải di dời khỏi rừng nhưng các dự án tái định cư chưa biết bao giờ mới hoàn thành.

Không đất, không nhà, hàng chục hộ dân phải đi xin những tấm bạt mà các chủ ao tôm bỏ đi để che chòi ở tạm ven đê thuộc ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, chờ tái định cư. Từ đó, hình thành nên một ngôi làng chỉ toàn là chòi, lay lắt bên bờ biển đầy nắng gió.

Gia đình ông Nguyễn Văn Trọng cũng dựng lên căn chòi như hàng chục hộ dân được mấy tháng nay. Không còn nguồn sinh kế ven biển, hằng ngày ông Trọng đi làm phụ hồ để nuôi vợ cùng 2 con nhỏ. Căn chòi của ông Trọng chỉ có một chiếc giường, không có bàn ghế, thậm chí không có nhà vệ sinh.

cho tai dinh cu o lang khong co nha anh 1

Cái chòi của gia đình ông Thạch Đuôl.

Gần đó, ông Thạch Đuôl bị bệnh đau khớp hơn một năm nay, không thể ra biển mưu sinh. Ngày ngày, ông Đuôl lủi thủi một mình trong căn chòi tối om, rộng chưa tới 10 m2. Căn chòi được dựng từ cây tạp và che bạt cũ màu đen - loại dùng lót ao tôm. "Vợ con phải về sống nương nhờ nhà mẹ để đi làm thuê. Tôi ở đây giữ chòi và chờ tái định cư. Chưa biết khi nào gió sẽ thổi bay mất căn chòi", ông Đuôl lo lắng.

Ở trong xóm, có lẽ nhà ông Tăng Thol là khá nhất, vì được lợp lá dừa nước và rộng hơn nhưng cũng chưa thể gọi đúng nghĩa là nhà. Từ lúc ra khỏi rừng, gia đình ông Thol cất nhà này trên phần đất của nhà nước quản lý, buôn bán tạp hóa, bánh trái cho người trong xóm.

"Chỉ sống qua ngày thôi. Cả 3 đứa con của tôi đều học chưa qua tiểu học đã nghỉ hết, tương lai mờ mịt lắm!", ông Thol buồn bã.

Mới tái định cư chưa đến 100 hộ

Dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, tái định cư rừng phòng hộ tỉnh Bạc Liêu sẽ bố trí cho 895 hộ/3.582 khẩu. Dự án có từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn bố trí chưa đến 100 hộ, số còn lại phải sống lay lắt chờ được tái định cư.

Trong khi đó, khu tái định cư ấp 13 - Thống Nhất - Vĩnh Mẫu (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) thuộc dự án khu dân cư, tái định cư rừng phòng hộ tỉnh Bạc Liêu được cho là đã hoàn thành toàn bộ các hạng mục công trình theo nội dung được duyệt. Các hạng mục cơ bản của dự án đã đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2018, bảo đảm đủ điều kiện bố trí tái định cư nhưng người dân vẫn chưa vào ở.

Lý do được các hộ dân đưa ra là đường của dự án quá nhỏ, trong khi mặt bằng nền quá thấp, cỏ mọc đầy hai bên; nguyên tuyến đường đã có điện nhưng chưa có nước sạch, không có chợ, nằm cách xa những thôn, xóm trong xã.

cho tai dinh cu o lang khong co nha anh 2

Những đứa trẻ trong xóm đều bỏ học sớm.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết dự án tái định cư và di dân ra khỏi rừng được thực hiện chậm tiến độ. "UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ đôn đốc, sớm hoàn thành dự án, đồng thời sớm di dân vào nơi ở an toàn", ông Thiều khẳng định.

Ông Phạm Văn Thiều cũng cho biết người dân sống tại rừng phòng hộ đã được địa phương lên danh sách để di dời vào nơi ở an toàn, không liên quan các dự án điện gió tại tỉnh Bạc Liêu. Bởi các dự án điện gió ngoài khơi không ảnh hưởng đến rừng phòng hộ, đến mưu sinh của người dân tại các bãi bồi ven biển.

Đi làm thuê khắp nơi

Theo người dân sống trong xóm tạm cư ở xã Vĩnh Trạch Đông, nhiều hộ dân không chịu nổi cảnh mưa tạt gió lùa, không còn sinh kế nên sau khi dựng chòi thì bỏ trống, đi làm thuê khắp nơi.

"Gia đình Thạch Hiếu ở cạnh nhà tôi là một trong những trường hợp như vậy. Ven biển bây giờ không kiếm ăn được, 2 vợ chồng không biết làm gì, dựng chòi xong được mấy ngày thì dắt 2 con nhỏ bỏ đi", chỉ tay vào căn chòi đóng cửa, ông Thol nói.

https://nld.com.vn/thoi-su/mon-moi-cho-tai-dinh-cu-20220410193019876.htm

Duy Nhân/Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm