Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Mỗi tuần cô gặp tôi hai lần, tôi sẽ cho cô 20.000 USD'

Đó là lời của "cậu ấm" trong một gia đình giàu có ở Ả Rập Xê Út đề nghị cô giúp việc ngoài 40 tuổi.

Đừng chết ở Ả Rập Xê Út là tự truyện của một người phụ nữ đi xuất khẩu lao động với mong muốn đổi đời qua lời hứa hẹn từ trung tâm. Chỉ đến khi đặt chân đến đất Tây Á cô mới nhận ra mình bị lừa, phải làm giúp việc cho những gia đình đông người, bị bóc lột đến mức lao lực. Được sự đồng ý của Sống - đơn vị giữ bản quyền sách - Zing.vn trích đăng một phần nội dung tự truyện.

Bất thình lình cửa bếp mở ra, một thanh niên khoảng 23-24 tuổi ào vào. Mùi nước hoa đắt tiền trên bộ quần áo dài trắng tinh cùng khuôn mặt cực kỳ điển trai cũng nói lên cậu ta là ai. Cậu chào mọi người bằng một nụ cười sáng lóa. Rồi đi lướt qua tôi, cậu biến mất sau cánh cửa dẫn ra sân sau.

Tôi hỏi Helen, đang mải miết xắt hành và không ngẩng mặt lên khi nghe cậu chủ chào: “Ai vậy chị?”, Helen lẩm bẩm: “Kupal”. Tôi không hiểu, “Kupal là ai?”. Chị nhìn lên, đôi mắt chảy nước vì hơi hành, “Đừng gọi như vậy trước mặt Mama nhé, Kupal là Mặt Dày theo tiếng Philippines. Cậu ta không để ý đâu nhưng Mama mà nghe thấy thì em rắc rối to đấy. Em cứ ở vài hôm là rõ”.

Chuyen ga tinh nguoi giup viec o Arab Saudi anh 1
Sách Đừng chết ở Ả Rập Xê Út.

Tôi không hiểu vì sao cậu ta phải ra vào bằng đường bếp trong khi có những cánh cửa khác dành cho cậu ở nhà trên cũng dẫn ra cái sân tuyệt đẹp ấy?

[...]

Sáng hôm ấy, Kupal xuống bếp, chỉ đích danh tôi bê đồ ăn sáng lên cho cậu ta. Helen liếc tôi một cái. Tôi bê khay bánh mì mới nướng nóng hổi, trứng chiên, các loại mứt, chà là, phomai và nước sốt lên cho cậu chàng. Cậu đích thân ra mở cửa.

Tôi định đặt cái khay ở sảnh ngoài cạnh phòng khách nhưng cậu bảo bê vào bên trong. Căn phòng rộng thênh thang, ngoài sảnh chờ, phòng khách, phòng tắm thì phòng ngủ với cái giường mênh mông là nơi cậu ta chỉ tôi đặt đồ ăn lên. Tôi quay ra thì Kupal đứng chặn ở cửa. Cậu chỉ cái ghế bành cạnh bàn trà bảo tôi ngồi xuống. Không nghe lời, tôi đứng yên hỏi cậu ta muốn gì.

Kupal cười, điệu cười của Rhett Butler trước Scarlet. Cậu nói sau khi thăm dò tôi: “Tôi nhờ Helen nói với cô là tôi thích cô. Helen có nói lại không?”. Tôi sửng sốt một cách rất thành thật: “Không hề, nhưng vì sao cậu lại thích tôi? Cậu thậm chí còn chưa biết tôi”.

Chuyen ga tinh nguoi giup viec o Arab Saudi anh 2
"Cô muốn iphone? Tôi sẽ mua cho cô". Ảnh minh họa

Cậu ta đáp lại rất nhanh, ánh mắt nhìn xoáy vào tôi: “Tôi đã thấy cô đi qua cửa buổi tối hôm mẹ tôi đưa cô về. Tôi đã nhìn thấy dáng vẻ cô chuyển động qua lớp áo choàng. Tôi đã đi ngang qua bếp để nhìn cô lần nữa. Cô ở đây hai năm, còn tôi ở đây cả đời. Tôi sẽ cho cô một đề nghị. Mỗi tuần cô sẽ lên phòng này gặp tôi hai lần. Tôi sẽ định ngày và nhắn tin cho cô. Đổi lại tôi sẽ cho cô ngay lập tức 20.000$. Dollar chứ không phải đồng Riyah. Cô muốn iphone? Tôi sẽ mua cho cô. Nhưng mẹ tôi và mọi người tuyệt đối không được biết. Nếu mẹ tôi biết, tôi không cứu được cô đâu”.

Tôi hỏi cậu ta: “Cậu biết tôi bao nhiêu tuổi rồi không?”. Cậu ta trả lời: “Khoảng 31 tuổi, không quan trọng. Hơn gần 10 tuổi không sao cả”. Tôi cười vì cậu ta đoán sai khiến tôi trẻ hơn đến 10 tuổi, thực ra tôi đã qua 40 rồi, “Cái giá của tôi rẻ vậy sao?”. Kupal hỏi tới luôn: “Cô muốn gì nữa thì nói đi, tôi sẽ đáp ứng”. Tôi nhìn cậu: “Tôi muốn cậu mở cửa để tôi xuống làm việc, thế thôi. Cậu chỉ đáng tuổi con rể tôi thôi nên đừng đòi hỏi kiểu trẻ con nữa”.

Cậu ta chưng hửng, mở cửa cho tôi bước ra ngoài.



Trích sách "Đừng chết ở Ả Rập Xê Út"

Bạn có thể quan tâm