Câu chuyện thường bắt đầu với hy vọng về tình yêu, sau đó nhanh chóng chuyển sang lời hứa về vàng bạc. Trong một trường hợp bi thảm, nó đã kết thúc bằng cái chết.
Một người phụ nữ đã vướng vào chuyện tình lãng mạn trên trang web hẹn hò với một người đàn ông nói rằng anh ta là lính Mỹ đóng quân ở nước ngoài. Anh ta tuyên bố sở hữu số vàng trị giá 12 triệu USD từ Syria nhưng cần giúp đỡ mang nó đến Mỹ. Vì vậy, cô đã gửi cho anh ta 93.000 USD.
Anh ta gửi lại bức ảnh bức ảnh của một nhà ngoại giao Israel mà cô sẽ gặp ở sân bay Baltimore, người sẽ mang cho cô "hai thùng chứa 'kho báu gia đình'", theo đơn kiện hình sự. Nhưng người này không bao giờ xuất hiện. Ngày hôm sau, cô tự tử.
Giả làm quân nhân Mỹ để tán tỉnh mục tiêu
Luật sư Mỹ tại New Jersey nói rằng cái chết của người phụ nữ là một phần của vụ lừa đảo phức tạp và táo tợn, khiến hơn 30 người liên quan mất khoảng 2,1 triệu USD.
Các quan chức cho biết đường dây này được điều hành bởi hai người ở New Jersey và các đồng phạm ở Ghana. Chúng thường đóng giả quân nhân Mỹ trên trang web hẹn hò và "tán tỉnh" mục tiêu "với lời lẽ yêu đương", theo đơn kiện.
Trong khi lừa đảo trên Internet đã tồn tại trong nhiều năm, quy mô của vụ việc này vẫn gây chú ý và đã dẫn đến những vụ bắt giữ.
Hôm 4/9, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã bắt giữ một người đàn ông ở New Jersey, Rubbin Sarpong, vì âm mưu lừa đảo qua đường dây. Nếu bị kết án, anh ta có thể phải đối mặt với án tù lên tới 20 năm và số tiền phạt 250.000 USD.
Rubbin Sarpong, trong một bức ảnh được đăng lên tài khoản Instagram của mình, @rksmullateam. |
Vụ việc diễn ra trong bối cảnh các công ty công nghệ và quân đội tăng cường giám sát và ngăn chặn loại tội phạm lừa đảo này.
Hồi tháng 7, New York Times đưa tin những vụ lừa đảo tương tự đang lan tràn trên Facebook, Instagram và các nền tảng khác. Hàng trăm hồ sơ quân nhân và cựu chiến binh mạo danh đã được tìm thấy, bao gồm các tướng lĩnh hàng đầu của đất nước.
Hạ nghị sĩ Adam Kinzinger cho biết ông đang xem xét dự luật buộc Facebook và các công ty khác làm nhiều hơn để ngăn chặn các hành vi gian lận đó.
Ông Kinzinger, người cũng thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia, cho biết những kẻ lừa đảo đã mạo danh ông trong nhiều năm để lừa gạt mọi người trên mạng.
Hôm 5/9, ông Kinzinger đã chỉ trích Facebook vì thông báo rằng người dùng ở Mỹ hiện có thể tạo hồ sơ hẹn hò trên nền tảng của mình. Facebook cho biết dịch vụ Facebook Dating, đã có mặt ở 19 quốc gia - bao gồm Brazil, Canada và Việt Nam - và đang hướng tới việc phát hành tại châu Âu vào năm tới.
"Thay vì làm phức tạp thêm vấn đề với nền tảng hẹn hò, Facebook nên tập trung sự chú ý và nguồn lực của mình vào việc ngăn chặn các vụ lừa đảo và tài khoản giả mạo", ông tuyên bố.
Facebook, công ty sở hữu Instagram, cho biết họ yêu cầu mọi người sử dụng danh tính thực của họ trên các trang của mình, mặc dù không yêu cầu bằng chứng.
Để loại bỏ các tài khoản mạo danh, công ty cho biết họ đã đầu tư vào các nhân viên đánh giá và phần mềm mới để tự động phát hiện giả mạo. Facebook cho biết họ đã chặn hàng tỷ tài khoản giả trong năm qua, mặc dù số lượng tài khoản giả đang hoạt động ước tính tiếp tục tăng lên khoảng 120 triệu.
Mạng lưới tội phạm ở Tây Phi
Vụ bắt giữ Sarpong trong tuần này nối tiếp một vụ việc khác vào tháng trước. Khi đó, chính quyền liên bang buộc tội 80 người liên quan đến đường dây tội phạm ở Nigeria đã đánh cắp ít nhất 6 triệu USD qua email, lừa tình và các mánh khóe khác qua mạng. 14 người đã bị bắt giữ ở Mỹ nhưng rất nhiều nghi phạm khác không ở trong nước.
Patrick Peterson, Giám đốc Điều hành của Agari, một công ty an ninh mạng theo dõi gian lận Internet, cho biết, hai trường hợp gần đây là bất thường vì những kẻ lừa đảo thường có thể vượt ngoài tầm với của các cơ quan hành pháp Mỹ. Họ đặt trụ sở ở nước ngoài, thường là Tây Phi.
"Điều làm cho vụ việc trở nên đặc biệt là Sarpong sống ở New Jersey còn những kẻ đồng phạm vẫn an toàn ở Ghana, chuẩn bị thu về hàng trăm nghìn USD", ông nói.
Trang Instagram của Sarpong chứa đầy hình ảnh và video khoe tiền. |
Ông Peterson cho biết hai trường hợp này cho thấy chính quyền Mỹ đang cố gắng làm nhiều hơn để chống lại những vụ lừa tình như vậy.
FBI cho biết họ đã nhận được gần 18.500 khiếu nại từ các nạn nhân bị lừa tình hoặc các vụ lừa đảo tương tự trên Internet vào năm ngoái, với thiệt hại được báo cáo vượt quá 362 triệu USD, tăng 71% so với năm 2017.
Ở New Jersey, các mối quan hệ giả mạo diễn ra nhanh chóng và không kéo dài. Nhiều người có câu chuyện tương tự: giới thiệu thông qua một trang web hẹn hò; một người lính ở nước ngoài; vàng miếng trị giá hàng triệu USD; vài hóa đơn phiền phức phải được thanh toán trước khi cả người cầu hôn và kho báu tới được với nạn nhân.
Các quan chức cho biết hình thức lừa đảo này bắt đầu vào khoảng đầu năm 2016. Hầu hết những kẻ lừa đảo đều mạo danh làm binh sĩ. Một số thì không.
Ví dụ, vào tháng 2, một nạn nhân nhận được liên lạc của một người nói rằng cô ta đang sống ở Florida và đang chờ khoản thừa kế lớn, chủ yếu bằng vàng, từ cha của cô.
Để có được tài sản thừa kế, nạn nhân được yêu cầu đưa tiền cho người thứ hai, một luật sư ở Ghana, để trả "chi phí tòa án, hóa đơn hàng không, phí tài liệu, phí xuất khẩu và thuế", theo đơn khiếu nại. Giữa tháng tư và tháng sáu, nạn nhân đã trả hơn 300.000 USD.
Các quan chức cho biết trong số 2,1 triệu USD thu được, khoảng 40% rơi vào tay Sarpong. Dù đứng sau đường dây lừa đảo hàng triệu USD qua mạng, Sarpong vẫn khoe khoang về tài chính của mình trên Instagram, dưới tên thật.
Các quan chức cho biết Sarpong đã sử dụng mạng xã hội "để trao đổi về âm mưu và cách thức tiến hành". Một số hình ảnh trên Instagram cho thấy Sarpong cầm hàng xấp tiền USD. Nhiều bài đăng bao gồm hashtag #RichLifeStyle (Phong cách sống giàu có).