Xin trích đăng phần "Họ đặt hy vọng vào một sự nghiệp chung" trong cuốn sách "Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng bằng mọi giá" của giáo sư sử học người Mỹ Cecil B. Currey.
Đây là phần nói về tình yêu và sự hy sinh của bà Nguyễn Thị Quang Thái đối với chồng và sự nghiệp cách mạng chung.
Suốt một thời gian dài, ông chểnh mảng với cuộc sống riêng của mình. Tranh thủ lúc bớt bận rộn, ông đã nghĩ đến chuyện xây dựng hạnh phúc riêng cho mình. Đó là khi ông 24 tuổi, Võ Nguyên Giáp trở lại Vinh và xin cưới Quang Thái làm vợ. Trên nhiều phương diện họ tìm hiểu và yêu nhau vì có chung một lý tưởng. Theo Võ Nguyên Giáp kể lại “cả hai cùng chung nhau một niềm tin, cùng đặt hy vọng vào một sự nghiệp chung”. Giáo sư Đặng Thai Mai, ân nhân của Võ Nguyên Giáp tán thành việc hôn nhân này.
Năm 1934 hai người làm lễ thành hôn. Cô dâu Quang Thái, người nhỏ nhắn, trong ngày cưới mặc chiếc áo dài màu đỏ thêu, chiếc quần dài trắng, đầu vấn khăn vành dây truyền thống gắn vòng kim tuyến vàng óng. Ở thời đó cũng như bất cứ thời nào về sau, Võ Nguyên Giáp không nói ra ngoài với ai cuộc sống của ông với Quang Thái ra sao. Cũng giống như mọi người khác, thường dè dặt ít kể về công việc riêng tư của mình.
Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Quang Thái. Ảnh tư liệu. |
Tuy nhiên, các bạn thân của ông trong những năm sau đó thường nhận xét rằng thời kỳ tiếp theo cuộc hôn nhân đó là thời kỳ hạnh phúc nhất trong đời ông. Không kể những ngày dạy học ở trường tư thục Thăng Long, ông gắn bó cuộc sống của mình với Đảng cũng như với Quang Thái.
Ngôi nhà riêng của đôi vợ chồng trẻ ở ngay cạnh trường Thăng Long, thường là nơi gặp gỡ chung của các đồng chí trong Đảng để bàn công việc của Đảng. Giáp và vợ thường đóng vai trò chủ tiệc mỗi khi có cuộc gặp gỡ các đồng chí phụ trách của Đảng. Các điều kiện hoạt động chính trị cũng không phải lúc nào cũng như thế.
Khi Leon Blum làm Thủ tướng cùng với Mặt trận Bình dân nắm quyền ở Pháp, những người yêu nước có xu hướng quốc gia đủ các màu sắc đều có nhiều thuận lợi để hoạt động. Jules Brévré được Leon Blum cử làm Toàn quyền ở Đông Dương (1937 -1939) đã thả chính trị phạm, tự do hóa luật báo chí và cho các đảng quốc gia được hoạt động hợp pháp hoặc ít nhất cũng là bán hợp pháp. Đầu năm 1939 nhiều người chống lại chính quyền thuộc địa khấp khởi hy vọng tương lai sẽ còn đem lại cho họ nhiều cơ hội khác để thúc đẩy sự nghiệp của họ tiến lên. Nhưng họ sẽ thất vọng.
Mùa hè năm 1939, Chính phủ Blum đổ, Daladier lên thay và tại Đông Dương Georges Catroux, một sĩ quan nhà nghề thay Brévié từ tháng 8/1939. Ngày 1/9, Đức chiếm Ba Lan và những ngày hòa bình ở châu Âu nhường chỗ cho cuộc chiến tranh kéo dài sáu năm và lan rộng khắp thế giới. 25 ngày sau, ngày 26/9 chính phủ Pháp cấm Đảng Cộng sản hoạt động ở Pháp cũng như ở hải ngoại và phát lệnh bắt giữ hầu hết những người lãnh đạo quan trọng nhất của đảng. Tại Việt Nam trên một nghìn Đảng viên cộng sản, không kịp rút vào bí mật, bị bắt trở lại nhà tù.
Bức ảnh hiếm về vợ và con gái đầu lòng của Đại tướng. Ảnh tư liệu. |
Võ Nguyên Giáp, Quang Thái, Phạm Văn Đồng tự hỏi một cách đáng lo ngại rằng chính họ có thoát được cuộc vây ráp của cảnh sát không? Họ cố không làm gì để mật thám khỏi để ý.
Võ Nguyên Giáp kể lại: “Mỗi một động thái của tôi đều bị mật thám giám sát chặt chẽ như hồi trước đây khi chúng tôi còn hoạt động báo chí công khai cho Đảng ở Hà Nội”.
Có thể cặp vợ chồng mới cưới này phải tạm lánh xa Hà Nội hoặc quay về Trung Kỳ để tránh mọi sự dò xét của cảnh sát...
... Võ Nguyên Giáp và Quang Thái tỏ ra kín đáo, thận trọng,cố gắng sống bình thường như mọi người. Tháng 5/1939, bốn tháng trước khi chiến tranh nổ ra trên cánh đồng Ba Lan, Quang Thái có thai. Càng gần đến ngày sinh, vào mùa xuân năm 1939 hai vợ chồng thường nói với nhau về đứa con sắp sinh và về tương lai của nó sau này.
Ngày 4/1/1940, Quang Thái sinh hạ một bé gái và họ đặt cho con cái tên xinh đẹp là Hồng Anh. Như mọi cặp vợ chồng trẻ khác, cả hai đều rất hài lòng và hạnh phúc.