Xin trích đăng phần tiếp theo của kỳ "Võ Nguyên Giáp đã có một tuổi thơ như thế" trong cuốn sách "Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng bằng mọi giá" của giáo sư sử học người Mỹ Cecil B. Currey
Cũng như bọn trẻ tinh nghịch trong làng, cậu bé Giáp rất ham chơi, đi chân đất chạy khắp làng để đánh đáo, đánh bi, chơi quay, đánh lộn nhau, đi theo đàn ngỗng, đàn vịt rồi lấy sỏi ném vào chúng cho chúng chạy tán loạn rồi reo ầm lên và cười ngặt nghẽo…
Những đứa trẻ lớn hơn thì chơi đá bóng, nhưng trò chơi phổ biến nhất là đá cầu, đòi hỏi cả kỹ năng và sự kiên nhẫn. Các cậu bé dùng chân, cả ngón lẫn gót và mắt cá chuyền cho nhau quả cầu làm bằng đồng xu nhỏ, có lỗ vuông ở giữa được buộc vài túm lông hay túm dây, ai không đỡ kịp hoặc đá trượt để cầu rơi xuống đất là thua cuộc. Chỉ cần hai cậu bé cũng có thể chơi được trò này, chúng đá qua đá lại cho nhau. Chúng còn tổ chức thi đấu bóng đá với số lượng người chơi không hạn chế, càng đông càng vui, luật chơi đơn giản, quả bóng chỉ là quả bưởi xanh, to, bọc ngoài bằng những mụn vải hay manh áo rách.
Tướng Giáp năm 20 tuổi. Ảnh tư liệu. |
Mỗi tuổi mỗi lớn chúng tham gia công việc đồng áng với cha mẹ, anh chị lớn trong gia đình. Giáp cũng vậy, cậu đi chăn vịt ngoài ruộng, cưỡi trâu gặm cỏ quanh gốc đa, đến mùa gặt thì đập lúa, hát “hò giã gạo” để giữ nhịp đập cho đều. Từ 5 đến 8 tuổi, Giáp đi học ở trường làng An Xá. Tuy đã già nhưng mỗi khi nhắc lại những ngày đầu đến trường, ông hạ giọng nhẹ nhàng nói: “Đó là lần đầu tiên xa mẹ, cả hai mẹ con đều khóc".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu. |
Quần áo mặc đi học là chiếc áo dài, dài quá đầu gối, mùa nóng là màu trắng, còn thu đông là áo thâm, bên trong áo dài là chiếc quần trắng chỉ dài đến mắt cá chân quanh năm xuân hạ thu đông đều màu trắng, đi giày đen, đầu quấn khen đen. Buổi sáng lớp học bắt đầu từ 7h30 và tan học lúc 11h30 để đến chiều lại học từ 2h20 đến 5h. Buổi trưa Giáp trở về nhà ăn cơm với gia đình và mặc dù còn bé, nhưng cậu cũng làm một giấc ngủ trưa trước khi đi học buổi chiều. Hôm nào không thuộc bài, thầy giáo dùng roi tre dài lúc nào cũng lăm lăm trên tay quật vào mông, vào lưng hoặc bàn tay úp sấp của học trò. Lớn hơn một chút, sau giờ học, Giáp cũng chơi nhiều hơn với bọn trẻ trong làng.
Ở trường tiểu học mặc dù người Pháp giám sát kỹ chương trình học nhưng các bài giảng đều được dạy bằng tiếng Việt, bắt đầu lên lớp ba trẻ mới bắt đầu học tiếng Pháp mỗi tuần vài giờ.
Trong nhiều thể kỷ, xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng của Nho học. Nền tảng học vấn cơ bản của Giáp là theo tinh thần Khổng giáo. Các bài học mà cậu bé Giáp được học đều tập trung dạy về cách xử thế trong gia đình và xã hội: kính trọng ông bà cha mẹ, trên kính dưới nhường, em đối với anh, nhất là con trưởng đối với cha mẹ, gia đình đối với làng nước và xã thôn, đối với vua, vua đối với Trời. Trong thế giới quan người Việt, cá nhân và gia đình hoà quyện với nhau. Đồng thời Giáp cũng học lịch sử, địa lý, văn chương, số học và vạn vật. Ban đầu học địa lý chủ yếu là địa lý Việt Nam, sau đó lên lớp 3 mới dần dần học địa lý các nước bên ngoài biên giới Việt Nam.
Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp (năm 1963). |
Về lịch sử Giáp thấm nhuần các bài học về cuộc đời các anh hùng trong quá khứ: Lê Lợi chống quân Minh năm 1428, Trần Hưng Đạo đánh quân Mông - Nguyên năm 1283 và 1287, Phan Đình Phùng tham gia phong trào Cần Vương, Lý Thường Kiệt dẫn quân đánh Chiêm Thành năm 1069 mở mang bờ cõi rồi tiến hành chiến tranh chống Tống, Nguyễn Huệ chống nhà Thanh xâm lược miền Bắc rồi lên ngôi lấy hiệu là Quang Trung…. Từ bậc tiểu học cậu bé Giáp đã biết và rất tự hào về các câu chuyện của cha ông trong quá khứ. Cậu biết được có nhiều hoàng đế Việt Nam đã kêu gọi toàn dân dốc lòng, dốc sức chống giặc ngoại xâm. Cậu rất am hiểu những bài học đó.
Lên 8 tuổi học xong bậc tiểu học ở trường làng An Xá, Giáp được ông Cửu Nghiêm xin cho vào học trường tổng trong thị trấn Đại Phong gần làng. Giáp học ở trường tổng hai năm, tương đương với lớp 4, lớp 5 sau này. Lên 9 tuổi Giáp học trường huyện đến năm 11 tuổi bắt đầu vào trường tỉnh.
Năm 1923, 12 tuổi Giáp thi lấy chứng chỉ tốt nghiệp bậc tiểu học. Đối với một thiếu niên Việt Nam hồi ấy đạt đến trình độ học vấn đó không dễ dàng chút nào, vì các nhà cầm quyền Pháp hạn chế việc mở trường học và muốn duy trì nạn mù chữ để họ dễ cai trị. Năm sau, Giáp dự thi vào trường học tại Huế nhưng bị trượt. Những ngày tháng tiếp theo, Giáp miệt mài học ôn hy vọng đỗ vào kỳ thi tuyển thứ hai. Quả nhiên trong kỳ thi thứ hai năm 1925 Giáp đỗ với kết quả xuất sắc, xếp hạng nhì trong tổng số thí sinh trúng tuyển.
Ông Cửu Nghiêm được một người bạn là cố đạo René Morinot, một cha xứ rất được kính trọng trong vùng, nhiệt tình giúp đỡ Giáp trong những ngày xa nhà học tại Huế. Hai ông bà Cửu Nghiêm rất sung sướng có con học trường Quốc học Huế, trường học bằng tiếng Pháp và là vườn ươm những hạt giống cách mạng. Giáp đã sớm bộc lộ tư chất của một nhà lãnh đạo. Được học trường Quốc học là một vinh dự và cũng là phù hợp với khả năng của Giáp. Ông tỏ ra rất thông minh và đặc biệt xuất sắc về văn chương và lịch sử. Cuối mỗi tháng ban giám hiệu nhà trường công bố trên bảng kết quả học tập của học sinh. Trong hai năm học trường Quốc học Huế, Giáp luôn luôn đứng đầu trong lớp chỉ trừ có một tháng rớt xuống hạng nhì.
Ở Trung Kỳ chỉ có ba trường cùng một loại như thế là Quốc học Huế, trường Vinh (Nghệ An) và Quy Nhơn (Bình Định). Ngô Đình Khả quan đại thần triều Nguyễn và là thân sinh ra Tổng thống Ngô Đình Diệm, đã có công lập ra Trường Quốc học Huế năm 1909. Ông muốn lập ra một trường học đào tạo theo cả lối giáo dục truyền thống và giáo dục hiện tại đồng thời mong muốn thoát ra khỏi ảnh hưởng của Pháp. Nhà trường nhận học sinh học xong bậc tiểu học sau khi qua được kỳ thi tuyển.
Rất nhiều nhà giáo dạy trong trường Quốc học Huế là những nhà trí thức nổi tiếng. Ưng Quả dạy văn học Pháp cũng là người giám hộ Thái tử Bảo Long, con trai vua Bảo Đại, Phạm Đình Ái dạy vật lý và hoá học sau này là chuyên gia về đạn dược trong quân đội của Võ Nguyên Giáp những năm kháng chiến chống Pháp từ 1948 đến 1954. Sau đó ông vào Nam và từng được bầu là Thượng nghị sĩ Quốc hội đứng đầu nhóm xã hội đối lập tại Quốc hội Sài Gòn 1966-1975. Nguyễn Dương Đôn, dạy toán và hình học sau này là Bộ trưởng giáo dục thời Ngô Đình Diệm từ 1954 đến 1963, Nguyễn Huy Bảo dạy triết học, sau này là Trưởng khoa Mỹ thuật Đại học Sài Gòn, Mai Trung Thứ dạy vẽ là một nghệ sĩ tài danh đã có nhiều tác phẩm được trưng bày nhiều lần ở Paris trong những năm 1930, Nguyễn Thiệu Lâu dạy lịch sử và địa lý, là tác tác giả của nhiều công trình nghiên cứu lịch sử đã được xuất bản. Một giáo sư sử học nữa là Nguyễn Lân người biên soạn từ điển các tác phẩm kinh điển của Việt Nam
Những giáo sư xuất sắc đã đào tạo nên những người học trò đặc biệt. Một số sau này là những nhân vật quan trọng trong lịch sử Việt Nam, trong số đó có Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng (sau này là Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ 1958 đến 1968) và Ngô Đình Diệm.
Chương trình học ở Trường Quốc học Huế cũng giống như ở các trường khác do người Pháp làm hiệu trưởng và cũng gần giống với các trường của Pháp đào tạo tú tài. Tất cả các môn học đều học bằng tiếng Pháp trừ các môn ngoại ngữ. Tiếng Việt là “ngoại ngữ” thứ nhất bắt buộc, tiếng Anh là ngoại ngữ thứ hai. Học sinh học văn học Pháp từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20, lịch sử nước Pháp từ thời thượng cổ đến hết Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Môn địa lý dạy địa dư các “quận” của nước Pháp (tương đương với tỉnh ở Việt Nam), học sinh học toán, vật lý, hoá học. Đó là chương trình học khá nặng.
Sau bốn năm học, học sinh sẽ thi lấy bằng tốt nghiệp cao đẳng tiểu học Đông Dương gọi tắt là DEPSI (Diplôme d’Etudes Primaires Supérieures Indochinoises). Những học sinh nào hoàn tất bảy năm học sẽ thi lấy bằng tú tài. Trường có cả học sinh nam và học sinh nữ nhưng học sinh nữ chiếm số đông, cứ sáu nữ mới có một nam. Đa số các nữ sinh Quốc học Huế đều đã tốt nghiệp trường kế bên là trường nữ học Đồng Khánh và chỉ dự lớp vào ba năm cuối ở Quốc học (bậc trung học). Khi Võ Nguyên Giáp đỗ vào trường năm 1925, Quốc học Huế đã có khoảng 1200 học sinh.
Sau khi lấy bằng cử nhân luật, ông dạy học ở trường. |
Tại Huế, Giáp thuê phòng trọ ở một ký túc xá tư nhân, chỉ nhận năm, sáu học sinh Quốc học. Giáp rất háo hức bắt đầu kỳ học của mình. Giáp nhận ra rằng đội ngũ giáo sư phần lớn là người Việt, chỉ có một vài giáo sư là người Pháp. Một người bạn học với Giáp, Lê Sĩ Ngạc nhớ lại: “Đó là một thanh niên tốt bụng, sáng sủa, thông minh, học rất giỏi. Chúng tôi học cùng một lớp. Cậu là một học sinh xuất sắc. Có thời gian chúng tôi đã ở chung với nhau trong ký túc xá tư nhân nhỏ bé ấy”.
Lê Sĩ Ngạc, một người đã có tuổi, hiện đang sống cùng con trai ở McLean, bang Virgina kể lại: “Người ta dạy chúng tôi bằng tiếp Pháp, trừ có một môn. Chúng tôi được học nhiều về lịch sử Pháp, còn lịch sử Việt Nam thì được học rất ít. Thời đó khi đỗ tốt nghiệp DEPSI rồi, bọn tôi hiểu về lịch sử Pháp nhiều hơn lịch sử Việt Nam”.
Có thể không được học chính thức trên lớp nhưng có nhiều cách khác nhau để thanh nhiên thời đó biết những câu chuyện và truyền thuyết về quá khứ của đất nước mình. Sau một thời gian ngắn vào học Trường Quốc học Huế, Giáp chịu ảnh hưởng của một nhà cách mạng quốc gia nổi tiếng là chí sĩ Phan Bội Châu bị giam lỏng ở Huế. Giáp không phải là người duy nhất trong số học sinh Trường Quốc học coi cụ Phan Bội Châu là người anh hùng của mình. Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Học sinh Quốc học Huế ngoài việc học tập chăm chỉ và nghiêm túc, còn rất quan tâm đến chính trị.”
Lê Sĩ Ngạc, ở cùng phòng trọ với Giáp kể lại: “Hôm đó Phan Bội Châu đến thăm Trường Quốc học, sau khi được Pháp thả tự do. Ông đọc một bài diễn văn công kích hệ thống thuộc địa Pháp nên về mặt chính trị ông đã ảnh hưởng lớn đến chúng tôi. Khi các anh buộc phải sống dưới chính thể Pháp thì các anh hãy căm ghét chế độ đó, hãy biết căm thù. Nước Việt Nam nào khác một con rối do người Pháp giật dây điều khiển. Mọi người ai cũng biết điều đó và các anh phải biết căm thù bọn xâm lược. Giáp cũng như nhiều học sinh khác chăm chú nghe… Giáp quyết định phải làm điều gì đó”.