Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kỷ niệm một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Câu chuyện nhỏ này đã xảy ra cách đây 15 năm nhưng luôn khiến PGS.TS Phạm Xanh nhớ mãi.

Cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang tên “Ở với người, ở với đời" của nhà xuất bản Thời đại tập hợp 20 bài viết của các tác giả là các tướng lĩnh, nhà sử học, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu… trong và ngoài nước. Xin trích đăng bài viết "Một kỷ niệm không thể nào quên" của nhà sử học Phạm Xanh trong cuốn sách này.

Thực hiện Nghị quyết số 06-NGTW ngày 23/10/1993 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về kỷ niệm những ngày lịch sử lớn trong hai năm 1994 - 1995, Tỉnh ủy Cao Bằng phối hợp với Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn: “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Cao Bằng, nhân dân các dân tộc Cao Bằng với Bác Hồ” tại Cao Bằng. Tôi nhận được giấy mời viết bài cho hội thảo, sẽ được tổ chức tại thị xã Cao Bằng vào giữa tháng 12 năm 199, dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tôi dốc hết tâm sức trong một tuần cho luận bài tham luận với tựa đề “Cao Bằng trong tầm nhìn chiến lược Hồ Chí Minh”.

Hội thảo được tổ chức trang trọng trong hai ngày 14 và 15/12/1994 tại hội trường Tỉnh ủy Cao Bằng với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử từ các trung tâm nghiên cứu lớn như Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử quân sự, Khoa Lịch sử (trường ĐH Tổng hợp Hà Nội), Khoa Sử (trường ĐH Sư phạm Hà Nội). Các vị tướng lĩnh, các vị lão thành cách mạng - những người đã làm nên lịch sử thời đó và các nhà nghiên cứu lịch sử địa phương Cao Bằng. Hội thảo nhiệt liệt chào mừng sự hiện diện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân - Giáo sư Sử học Đặng Bích Hà, Giáo sư Đặng Xuân Kỳ, Viện trưởng Viện Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí Nông Hồng Thái - Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng.

Nhà sử học Phạm Xanh.

Sau “Lời chào mừng” của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, “Báo cáo đề dẫn” hội thảo của Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cả hội trường xúc động lắng nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư cách một nhân chứng lịch sử. Hơn thế nữa, ông là một người làm nên lịch sử trong thời kỳ đầy biến động và chuyển biến mau lẹ của đất nước và thế giới, về việc chuẩn bị về nước, về những quyết định sáng suốt của Bác Hồ, về tình cảm nồng ấm của bà con Pác Bó với Bác và cả những vấn đề cụ thể như nơi nằm của Bác trong hang…

Chắc chắn, những người tham dự hội thảo không thể nào quên chất giọng Quảng Bình ấm áp, trí nhớ tuyệt vời của Đại tướng. Trong cuốn sổ ghi chép của tôi hồi đó còn lưu giữ những dòng về bài nói của Đại tướng.

Ở một trang, tôi ghi được: “Chúng tôi trở về Cao Bằng, ở bên Bác. Có những đêm ngồi lại quanh bếp lửa nói chuyện, bàn vấn đề chuẩn bị võ trang khởi nghĩa, chúng tôi mấy người nói: “Bây giờ thiếu súng, làm sao đây?” Bác rất bình tĩnh nói: “Không lo đâu, có dân thì có tất cả, người trước, súng sau”. Một câu ngắn gọn, nhưng chứa đựng cả một vấn đề lý luận, nó khác với lý luận chính quyền trên miệng súng…”.

Ở một chỗ khác, tôi ghi được lời của Đại tướng như tâm sự của một người đồng nghiệp, như lời nhắc nhở chân tình về nghề nghiệp với các nhà sử học, các nhà bảo tàng học: “Tôi muốn nói một vài điểm về vấn đề cụ thể thuộc thực tế lịch sử. Như cái giường Bác nằm chẳng hạn, cần sửa lại cho đúng với thực tế lịch sử. Bởi vì, lịch sử là lịch sử, khoa học là khoa học, phải khách quan. Sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần và nó tồn tại khách quan, mãi mãi, còn viết lịch sử thì viết đi viết lại, viết nhiều lần khi nào đúng mới thôi”.

Bài nói của Đại tướng khá dài. Kết thúc bài nói, Đại tướng, một trong những “người khai quốc” còn lại bày tỏ lòng mong muốn cháy bỏng đối với Cao Bằng. Tôi còn nhớ, trước khi nói những lời sau đây, đôi mắt Đại tướng lướt nhanh khắp hội trường, rồi dừng lại ở Bí thư Tỉnh ủy Nông Hồng Thái như muốn qua ông truyền đến với đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng: “Cao Bằng đã là ngôi sao sáng trong cách mạng giải phóng dân tộc thì mong rằng đồng bào Cao Bằng vận dụng tinh thần và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tính năng động sáng tạo của nhân dân các dân tộc, kể cả ở những nơi rẻo cao, để làm sao trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước, làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh, Cao Bằng cũng trở thành một trong những…”. Đại tướng nói mấy tiếng dân tộc. Cả hội trường ồ lên, râm ran những tràng vỗ tay tán thưởng, khoái chí, còn tôi không hiểu Đại tướng nói gì. Tôi quay sang hỏi ông Nông Hải Pín, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, vốn là sinh viên Khoa Sử, ĐH Tổng Hợp, Hà Nội. Anh giảng giải cho tôi nghe bốn chữ mà Đại tướng vừa nói là “đao đí rủng lai”, tiếng Tày - Nùng, có nghĩa là “ngôi sao sáng”. Một liên tưởng, một hình dung đã diễn ra trong đầu tôi. Có lẽ, hơn nửa thế kỷ trước, một chàng trai mới ngoài 30 tuổi, người Kinh, trắng trẻo, đẹp trai đã sử dụng thành công ngôn ngữ đó như một phương tiện hữu hiệu để hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ Bác giao. Từ đó rút ra một bài học là muốn hoàn thành xuất sắc công tác trong đồng bào dân tộc, trước hết phải thông thạo tiếng nói của đồng bào, mới có thể nắm bắt được tâm tư, tình cảm của họ để từ đó đề ra những quyết sách đúng đắn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thị sát thị xã Cao Bằng vừa được giải phóng (1950).
Đến lượt mình, tôi trình bày bản tham luận một cách rõ ràng, khúc chiết và kết thúc bằng những câu ngắn gọn:

“Cao Bằng với

Ba mặt Tam giang trôi cuồn cuộn

Bốn bề Tứ trụ đứng chon von”

 Đã trở thành điểm dừng chân đầu tiên khi Nguyễn Ái Quốc về nước sau 30 năm hoạt động ở nơi góc bể chân trời. Từ đó mà đến tháng 6/1945 ta có Khu Giải phóng quân gồm 6 tỉnh (Cao - Bắc - Lạng, Hà – Tuyên - Thái) để đến tháng 8/1945 ta được cả nước Việt nam từ Mục Quan đến mũi Cà Mau, được tất cả những điều đó thực sự bắt đầu từ lúc chọn đúng đột phá khẩu - Cao Bằng”.

Cả hội trường vỗ tay hồi lâu. Tôi nhìn về phía những nhân chứng lịch sử. Đại tướng cùng phu nhân vỗ tay và cười rất phấn khởi. Với Đại tướng không chỉ đơn giản là trong bài tham luận có nhắc tên ông mà lúc đó mang bí danh là Dương Hoài Nam cùng với Lâm Bá Kiệt (tức Phạm Văn Đồng), đang trên đường đến Diên An học tập, nhận chỉ thị của Bác, quay lại chuẩn bị về nước, mà chắc chắn tham luận của tôi gợi mở những điều mới mẻ trên phương diện khoa học.

Kết thúc tham luận cùng là lúc giải lao phiên buổi sáng ngày 14/12. Những người tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi đứng ở hàng thứ ba, hàng cuối cùng, bởi lẽ lúc đó tôi đã 51 tuổi, không còn trẻ nữa, nhưng so với “ông Bành vẫn còn trẻ con”.

Tưởng rằng thế là xong, nhưng bỗng đâu ra một bất ngờ lớn đến với tôi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho gọi tôi đến chụp ảnh chung với ông và nói to trước sự ngỡ ngàng của đông đảo những người tham dự hội thảo: “Xin được chụp ảnh với nhà khoa học Phạm Xanh có bài tham luận hay tại Hội thảo hoa học - thực tiễn Cao Bằng”. Tôi hiểu đó là lời nói lịch sự của một người lịch thiệp, nhưng thực ra đó là một vinh dự lớn, một phần thưởng vô giá của Đại tướng giành cho tôi, những người hậu thế, người đi khôi phục quá khứ. Các phóng viên hướng mảy ảnh vào Đại tướng và tôi, đứng bên tay phải Đại tướng, ghi lại khoảnh khắc lịch sử đó (đối với tôi).

Khi về Hà Nội, anh Nghiệp, phóng viên nhiếp ảnh của Tạp chí “Lịch sử Quân sự” cho tôi một bộ ảnh về hội thảo Cao Bằng, trong đó có bức hình ghi lại khoảnh khắc có một không hai trong cuộc đời tôi chụp riêng với Đại tướng. Đó là một bức ảnh đẹp, theo đúng nghĩa đen của từ đó. Cả hai, Đại tướng Võ Nguyên Giáp 83 tuổi, thế hệ cha bác, tôi 51 tuổi, thế hệ con cháu, đều tươi vui.

Tôi rất hài lòng và biết ơn anh Nghiệp đã chụp được khoảnh khắc đó và tặng tôi để tôi lưu giữ như một vật quý báu trong cuộc đời của mình. Đến tháng 8 này, Đại tướng sẽ tròn 100 tuổi. Tôi rất vui mừng được là đồng hương cùng Đại tướng. Nhân dịp về thăm quê, tôi rất vinh dự khi đến thắp nén hương tri ân trên bàn thờ gia tộc Đại tướng ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu.

Trở lại hội trường, tôi miên man nghĩ về lời khen của Đại tướng về bản tham luận khoa học của tôi, mặc dù cô Đặng Bích Hà với tư cách là một giáo sư Sử học, trong cuộc trò chuyện khi giải lao, có nhận xét là bản báo cáo của tôi ngắn gọn, nhưng đã đi trúng vào những vấn đề mấu chốt của cuộc hội thảo lần này.

Trích "Ở với người, ở với đời"

Bạn có thể quan tâm