Chiều nay (30/7), Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo chuyên đề về công tác quản lý hải quan đối với phế liệu nhập khẩu. Thông tin với báo chí, Hải quan cho biết trong nửa đầu năm 2018, cả nước đã nhập khoảng 4 triệu tấn phế liệu các loại.
Phế liệu Nhật, Hàn, Mỹ về Việt Nam
Trong đó, lượng nhập khẩu nhựa phế liệu là 277.000 tấn, giấy phế liệu là 1,06 triệu tấn, sắt thép phế liệu là 2,7 triệu tấn. Tổng giá trị nhập khẩu khẩu phế liệu trong 6 tháng đầu năm là 1,2 tỷ USD, nghĩa là mỗi tháng người Việt nhập khẩu 200 triệu USD phế liệu.
Trước đó, trong năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 5,5 triệu tấn phế liệu với trị giá 1,8 tỷ USD; năm 2016 là 4,9 triệu tấn với trị giá gần 1 tỷ USD.
Trong các quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu nhiều phế liệu nhất, nổi bật là Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc. Các mặt hàng phế liệu nhập khẩu là nhựa phế liệu, giấy phế liệu và sắt thép phế liệu.
Trong mặt hàng nhựa phế liệu, 24,8% có xuất xứ từ Nhật Bản; 14% từ Mỹ; 12,6% từ Hàn Quốc; 9,3% có xuất xứ từ Thái Lan; 7,2% từ Hàn Quốc…
Về mặt hàng phế liệu giấy, nguồn nhập khẩu lớn nhất cũng là Nhật Bản (39,6%), Anh (17,3%), Hà Lan (4,3%), Hàn Quốc (3,6%)…
Trong 2,7 triệu tấn sắt thép phế liệu, nguồn nhập khẩu lớn nhất là Nhật Bản (29,7%), Mỹ (18,7%), Hong Kong (12,2%), Australia (7,7%), Trung Quốc (7,3%)…
Như vậy, tính chung cả 3 loại phế liệu, nguồn nhập khẩu nhiều nhất của Việt Nam là Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc. Mỗi tháng, trung bình người Việt bỏ ra khoảng 97,7 triệu USD để nhập khẩu phế liệu từ 3 nước này.
Khó kiểm soát phế liệu nhập về Việt Nam
Chia sẻ tại buổi họp báo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành nhấn mạnh tình trạng nhập khẩu phế liệu gia tăng tại các cảng biển tại Việt Nam. Nhiều container nhập khẩu phế liệu về cảng như vô chủ, không ai đến nhận, gây khó khăn trong công tác tập kết. Số lượng container phế liệu đang tồn đọng tại cảng Hải Phòng và Cát Lái (TP.HCM) lên khoảng 5.000 chiếc.
Số container tồn tại Cát Lái tính đến ngày 25/7 là 3.579 container. Trong đó có 594 container tồn 30-90 ngày; 2.423 container tồn quá 90 ngày; còn lại là dưới 30 ngày.
Tại Hải Phòng, tính đến 5/7, tổng số container phế liệu còn tồn là 1.495 container, trong đó 1.342 container phế liệu nhựa.
Trả lời báo chí về trách nhiệm của cơ quan hải quan trong việc để xảy ra tình trạng nhập lậu phế liệu tràn lan vào Việt Nam, ông Mai Xuân Thành cho rằng cơ quan này chỉ là đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm soát thông quan. Trong khi việc cấp phép nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam là thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).
Thủ tục nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam còn nhiều kẽ hở khiến cho doanh nghiệp lợi dụng, trong khi cơ quan chức năng rất khó điều tra, xử lý.
Giấy là một trong những loại phế liệu được nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất. Ảnh: Báo Hải quan. |
Ông Nguyễn Khánh Quang, Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), cho biết danh sách doanh nghiệp được chứng nhận nhập khẩu phế liệu về làm nguyên liệu sản xuất được cấp bởi Bộ TN&MT. Danh sách này chưa hề được đăng lên cổng thông tin một cửa quốc gia, do đó hải quan và các cảng biển khó có thể biết được doanh nghiệp nào được cấp phép, doanh nghiệp nào không.
Ngoài ra, thủ tục thông quan khi doanh nghiệp nhập khẩu cũng có kẽ hở, hoàn toàn có thể giả mạo khiến việc quản lý rất khó khăn. Chưa kể, Sở TN&MT các địa phương cũng có thẩm quyền cấp phép nhập khẩu phế liệu.
Với các container tồn đọng tại cảng, cơ quan chống buôn lậu cũng khó có thể tìm được chủ nhân thực sự.
“Chúng tôi mời họ không tới nhận, đến trụ sở thì lại không có thật. Ngoài ra còn phải đối chiếu giấy chứng nhận bản gốc bên Bộ TN&MT cấp. Quy trình điều tra một doanh nghiệp nhập lậu phế liệu hay bỏ tại cảng rất khó khăn”, ông Khánh nói.
Ông Mai Xuân Thành thì nhấn mạnh thêm hải quan sẽ siết chặt việc nhập khẩu phế liệu trong thời gian tới. Ngoài ra, các container phế liệu nhập khẩu trái phép sẽ cương quyết bị yêu cầu phải tái xuất.