Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến ở Việt Nam?

5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu ở nước ta tăng đột biến, gấp gần 2 lần so với cả năm 2017.

Chiều 17/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức họp báo thường kỳ quý II. Tại buổi họp báo, lãnh đạo bộ đã có những phản hồi về vấn đề phế liệu nhập khẩu tổn đọng tại các cảng biển. 

Ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết qua kiểm tra, lượng phế liệu đang tồn đọng chủ yếu tại các cảng của TP.HCM, cảng Hải Phòng, cảng Cái Mép "nhưng số lượng không nhiều".

Phe lieu nhap khau ton dong anh 1

Ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. Ảnh: Trà My.

Đến ngày 26/6, tại Tân Cảng Sài Gòn, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại tất cả các cảng là 4.480 container. Trong đó, riêng tại Cảng Cát Lái là 3.464 container, chiếm phần lớn lượng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển phía Nam. Hơn 2.060 container lưu lại quá 90 ngày. 

Bên cạnh đó, Cục Hải Quan Hải Phòng báo cáo số container tồn đọng quá hạn trên 90 ngày là 737 chiếc và 507 container có thời hạn từ 30-90 ngày.

"Ước tính khoảng 20% là phế liệu giấy và 80% còn lại là phế liệu nhựa và loại khác", ông nói.

Theo ông Thức, riêng trong 5 tháng đầu năm, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến, gấp gần 2 lần so với cả năm 2017. "Tình trạng này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cảng, làm chậm lưu thông hàng hoá, giảm dung lượng bãi chứa container và gia tăng chi phí cho doanh nghiệp", Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhấn mạnh. 

Chỉ ra các nguyên nhân của thực trạng này, ông Thức phân tích từ cuối năm 2017, chính phủ Trung Quốc ban hành quy định dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu phục vụ tái chế. Việc này khiến một số lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Thức cho rằng nhiều doanh nghiệp nhập khẩu chậm trễ, không đến làm thủ tục thông quan do chưa có giấy xác nhận, hoặc một số tổ chức nhập phế liệu gian lận thương mại, đăng ký địa chỉ ma. 

Cũng theo ông Thức, hàng được dỡ xuống cảng là phế liệu, không trùng với chủng loại được khai trước đó. Hơn nữa, các cơ quan chức năng đang bị động đối phó với chủ tàu vi phạm hoặc gian lận nhập phế liệu không đúng.

Phe lieu nhap khau ton dong anh 2

Các container tồn đọng khiến công suất thực của cảng Cát Lái giảm 8%. Ảnh: Lao động.

 

Đưa ra giải pháp trước mắt, ông Hoàng Văn Thức cho biết bộ sẽ rút ngắn thời gian cấp giấy xác nhận đối với các cơ sở sản xuất đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Đồng thời tăng cường áp dụng cơ chế hải quan ASEAN một cửa trên môi trường mạng nhằm giải phóng hàng hóa nhanh gọn, đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, bộ này cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan, các địa phương để giải quyết, tăng cường xử lý phế liệu nhập khẩu trong thời gian tới. 

Trước đó, ngày 12/7, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành liên quan để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với việc tồn đọng phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển. Bộ trưởng Hà kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai giải pháp để xử lý dứt điểm vụ việc.

Việt Nam 'hứng đủ' hàng nghìn container phế liệu

Với hàng nghìn container bị tồn, một số cảng biển Việt Nam có nguy cơ thành “bãi rác phế liệu” của thế giới sau khi Trung Quốc ngưng nhập khẩu 24 mặt hàng phế thải.



Trà My

Bạn có thể quan tâm