Sáng 4/4, khu vực bến Nội đô thuyền Sài Gòn (đối diện 672 Hoàng Sa, gần cầu Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM) không có một bóng khách dù cuối tuần. Các con thuyền đậu tại bến bị xác cá bủa vây xung quanh. Cả bến thuyền trắng xóa xác cá, công nhân vớt không nghỉ tay từ sáng sớm. Dọc con kênh, mùi hôi nồng nặc.
Từ 5h sáng, đội vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tất bật thu gom xác cá. Riêng hơn 2,5 km đoạn kênh khu vực quận 3 và Phú Nhuận, công nhân vất vả hơn mọi ngày.
Cá chết sau cơn mưa lớn
Ông Nguyễn Trí Thượng, người dân sống hơn 40 năm tại khu vực này, cho biết cá chết xuất hiện từ sáng 3/4, sau trận mưa lớn trái mùa. Lúc đầu, ông chỉ thấy lác đác xác vài con cá. Đến sáng nay, xác cá theo dòng nước chảy xuống, tập trung nhiều ở khu bến thuyền, đoạn gần cầu Lê Văn Sỹ.
"Mỗi năm, lúc chuyển mùa mưa thường xảy ra hiện tượng này, so với mọi năm thì lượng cá chết chưa nhiều", ông Thượng nói.
Xác cá nổi trắng một đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: Thu Hằng. |
Theo Đội trưởng Đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè Phan Ngọc Hải, công nhân của đội thấy tình trạng cá chết từ sáng 3/4. Xác cá tập trung nhiều ở đoạn từ cầu số 1 đến cầu số 7-8, dài khoảng 2,5 km. Đây cũng là khu vực liên tục xuất hiện cá chết nhiều năm qua.
Ông Hải nhận định thời gian qua, trời quá nóng nên khi xuất hiện trận mưa lớn, cá thiếu oxy dẫn đến chết ngạt. Đội trưởng Đội vớt rác cho biết sau khi nước triều rút thấp, công nhân sẽ được huy động tổng lực để dọn xác cá, làm sạch con kênh hôm nay.
Theo ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng Phòng dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trận mưa trái mùa đêm 2/4 dù không bất thường nhưng khá hiếm.
Số liệu thống kê cho thấy lượng mưa tại trạm đo Lê Minh Xuân - Bình Chánh lên đến 138,6 mm. Chuyên gia đánh giá lượng mưa trên 100 mm chỉ đạt vài cơn mỗi năm. Đây là trường hợp hiếm xuất hiện ngay cả trong mùa mưa.
Xáo trộn môi trường nước
Trao đổi với Zing, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM (NNPTNT) Đinh Minh Hiệp cho biết hiện tượng cá chết tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè xảy ra từ nhiều năm nay. Nguyên nhân chủ yếu là xáo trộn trong môi trường nước khiến cá bị thiếu oxy.
Cụ thể, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có lượng bùn lớn, trong bùn này có chứa nhiều khí độc. Trong quá trình dòng nước lưu chuyển, nếu có sự thay đổi đột ngột như mưa lớn khiến bùn bị xới lên, khí độc này sẽ thoát ra khiến cá bị thiếu oxy và chết.
Cá chết nhiều tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau trận mưa lớn đêm 2/4. Ảnh: Thu Hằng. |
Bên cạnh đó, ông Hiệp cho biết cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè khá đặc thù, hầu hết là cá phóng sinh hoặc được thả nuôi như cá trê, rô phi... không phải cá tự nhiên, nên khả năng thích nghi thấp.
"Giống như ở nhà, nuôi cá cảnh, nếu xáo trộn oxy nhiều thì cá sẽ bị ảnh hưởng", ông Hiệp lấy ví dụ.
Ngoài nguyên nhân về thời tiết và bùn trên kênh, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết lượng cá trên kênh cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến môi trường sống của cá.
Ông Hiệp cho biết mới đây, Chi cục Thủy sản TP.HCM đã làm việc với Công ty Môi trường Đô thị TP.HCM về các phương án dự phòng đầu mùa mưa để hạn chế tình trạng cá chết. Phương án này sẽ cụ thể hóa các việc phải làm với từng lượng mưa, lượng rác bùn... để Công ty Môi trường Đô thị thực hiện nạo vét bùn, vớt rác.
Tình trạng cá chết tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau mưa đã xảy ra nhiều năm qua, nghiêm trọng nhất là giữa năm 2016 với khoảng 75 tấn cá chết. Sau đó, cơ quan chức năng thành phố đã rải gần 20 tấn hóa chất để xử lý môi trường.
Năm 2018, Chi cục Thủy sản phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị đã hai lần giảm đàn trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nhằm hạn chế cá chết, năm 2019, Sở NNPTNT tiếp tục giảm đàn cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.