Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Mọi sự chịu đựng đều có giới hạn'

"Chúng tôi sẽ tiếp tục bám trụ và giải quyết mọi việc trên biển. Nhưng mọi sự chịu đựng đều có giới hạn", Đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam tuyên bố.

Phòng họp báo quốc tế của Nhà khách Chính phủ (Hà Nội) chiều 7/5 chật cứng phóng viên trong và ngoài nước.

Dưới sự đồng chủ trì của Người phát ngôn Bộ ngoại giao và 4 đại diện của Ủy ban Biên giới quốc gia, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Tập đoàn dầu khí, các hình ảnh, bằng chứng về sự xâm phạm trái phép, bất chấp luật pháp quốc tế cũng như ứng xử bạo lực của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan HD-981 trong vùng biển Việt Nam đã được công bố.

Theo đại tá Ngô Ngọc Thu (Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam), cho đến thời điểm này, giàn khoan HD-981 đã được định vị ở các vị trí đã xác định trên bản đồ. Hiện, sau khi định vị, giàn khoan đang tiến hành tác nghiệp làm chuẩn bị để tiến tới khoan thăm dò.  

Tàu Trung Quốc đâm, phun vòi rồng vào tàu Việt Nam

Trung Quốc huy động 80 tàu được trang bị nhiều vũ khí hiện đại uy hiếp các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của Việt Nam.

- Việt Nam có bất ngờ không khi Trung Quốc đưa giàn khoan này vào vị trí hiện tại trong thềm lục địa của Việt Nam?

- Đại tá Ngô Ngọc Thu: Việc di chuyển của giàn khoan 981 chúng tôi đã theo dõi và nắm bắt rất chặt.

Nhưng theo Công ước quốc tế về Luật biển thì các tàu thuyền, phương tiện nổi được quyền di chuyển bình thường trên các vùng đặc quyền kinh tế. Chỉ khi nào giàn khoan hạ đặt và tiến hành khoan thăm dò thì lúc đó mới vi phạm pháp luật của nước có chủ quyền và quyền chủ quyền.

Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chúng ta kiên quyết đấu tranh, sử dụng mọi biện pháp trên cơ sở đảm bảo hòa bình ổn định ở khu vực, đảm bảo an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông, đảm bảo cho mục tiêu của chúng ta và các nước mong muốn. 

Đại tá Ngô Ngọc Thu. Ảnh: Tùng Lê.
Đại tá Ngô Ngọc Thu. Ảnh: Tùng Lê.

- Các clip trình chiếu cho thấy tàu Trung Quốc chủ động đâm vào tàu Việt Nam. Liệu tàu Việt Nam có đâm vào tàu Trung Quốc để bảo vệ tàu thuyền của mình hay các hoạt động này chỉ có tàu Trung Quốc thực hiện?

- Đại tá Ngô Ngọc Thu: Tình hình thực địa những ngày qua càng lúc càng căng thẳng, Trung Quốc chủ động đâm va, sử dụng trang bị trên tàu để phun nước vào tàu VN. Nhưng đến giờ phút này tôi khẳng định, chưa có người nào bị chết trên biển. Có 6 kiểm ngư viên Việt Nam bị mảnh kính văng vào gây thương tích phần mềm.

Đại tá Ngô Ngọc Thu: "Lực lượng hải quân Việt Nam chưa tham gia và hiện nay không có mặt ở khu vực giàn khoan 981 hạ đặt".

Các clip chiếu cho thấy các tàu hải cảnh, tàu bảo vệ của Trung Quốc chủ động đâm va, gây hư hỏng, ảnh hưởng đến trang thiết bị tàu của Việt Nam. Lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư hết sức kiên trì kiềm chế. Chúng tôi tiếp tục bám trụ và giải quyết mọi việc trên biển. Nhưng mọi sự chịu đựng đều có giới hạn.

Nếu tàu Trung Quốc tiếp tục đâm vào chúng tôi, chúng tôi cũng sẽ có tự vệ tương tự để đáp lại.

- Những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam những ngày qua cho thấy Việt Nam muốn giải quyết vấn đề theo con đường ngoại giao. Nếu trong trường hợp các yêu cầu chính đáng đó tiếp tục bị Trung Quốc phớt lờ, Việt Nam tính tới các kịch bản ứng phó thế nào?

- Ông Trần Duy Hải (Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao): Vấn đề chủ quyền rất thiêng liêng, cho nên chúng ta sẽ sử dụng tất cả những biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích của mình. Chính sách nhất quán của Việt Nam là thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp thì chúng ta kiên trì thực hiện theo.

Sau khi xảy ra sự việc, chúng ta đã sử dụng tới các đường dây nóng, đó là đường dây nóng giữa  ở Bộ Ngoại giao 2 nước  cũng như ở cấp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Ủy viên Quốc vụ. Chúng ta cũng đã nêu với phía Trung Quốc là sẵn sàng điện đàm ở lãnh đạo cấp cao và chúng ta đang chờ đợi ở phía Trung Quốc.

Thứ hai là thông báo cho các nước. Do tính chất nghiêm trọng của vấn đề và thấy rằng là nó sẽ đe dọa hòa bình ổn định và an ninh toàn hàng hải ở Biển Đông cho nên chúng tôi đã thông báo cho các nước ASEAN và các nước liên quan khác có quan tâm, có lợi ích ở khu vực này.

Hầu hết các nước đều bày tỏ lo ngại trước hành vi của Trung Quốc.

Tàu Trung Quốc chủ động đâm va vào các tàu Việt Nam đang hoạt động chấp pháp trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Cảnh sát biển.
Tàu Trung Quốc chủ động đâm va vào các tàu Việt Nam đang hoạt động chấp pháp trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Cảnh sát biển.

- Việt Nam sẽ có những biện pháp gì để ngăn chặn Trung Quốc lặp lại các hoạt động tương tự trong tương lai?

- Ông Trần Duy Hải: Trước đây Trung Quốc cũng đã nhiều lần tiến hành thăm dò ở khu vực này và chúng ta đã kiên quyết đấu tranh và Trung Quốc đã rút khỏi. Trung Quốc cũng từng thuê các giàn khoan của các nhà thầu nước ngoài để dự tính khoan thăm dò trên thềm lục địa của Việt Nam.

Nhưng chúng ta đã đấu tranh quyết liệt, kể cả gặp nhà thầu đó để đấu tranh, cho nên cũng chưa xảy ra trường hợp Trung Quốc khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam.

Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Đỗ Văn Hậu: "Vùng biển giàn khoan HD-981 được hạ đặt có độ sâu 1.000 mét. Tại khu vực này, Việt Nam đã từng khảo sát, thậm chí từ thời Việt Nam Cộng hòa. Từ khoan thăm dò tới khai thác là hai câu chuyện khác nhau, vì còn phải xây dưng hàng loạt công trình trên biển... Tôi không tin trong tương lai gần có thể khai thác dầu ở khu vực này

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng tàu của chính họ để khoan thăm dò trên các thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta.

Như tôi đã khẳng định nhiều lần là chúng ta sẽ phải tiếp tục đấu tranh bằng mọi biện pháp để mà bảo vệ các quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông với chủ trương nhất quán. Việt Nam sẽ sử dụng biện pháp hòa bình, trong đó trước hết ưu tiên là đàm phán thương lượng với các nước liên quan. 

- Dư luận cho rằng Việt Nam đang nín nhịn trước hành động của Trung Quốc. Báo chí Trung Quốc thậm chí còn tiếp cận điều này và cho rằng Việt Nam "gây hấn". Ủy ban Biên giới quốc gia bình luận gì về điều này?

- Ông Trần Duy Hải: Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên chúng ta mong muốn hòa bình và chúng ta kiên trì dùng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp.

Tất nhiên tôi đã nói nhiều, vấn đề chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng với các dân tộc, cũng như Việt Nam. Vì thế, Việt Nam sẽ sử dụng tất cả các biện pháp được quy định bởi Hiến chương LHQ để bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của mình. Việc làm của Trung Quốc rất nguy hiểm, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải tại Biển Đông.

- Việt Nam dự định như thế nào về khả năng theo gương Philippines tiến hành các thủ tục kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế?

- Ông Trần Duy Hải: Việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại các cơ quan tài phán quốc tế là một biện pháp hòa bình được quy định trong Hiến chương LHQ cũng như luật pháp quốc tế. Tất cả những biện pháp hòa bình đều có thể được sử dụng để bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam.

Quan điểm nhất quán của Việt Nam là thông qua các biện pháp hòa bình, trong đó ưu tiên đàm phán thương lượng giải quyết các vấn đề tranh chấp với các nước láng giềng. Tuy nhiên chúng ta không thể loại trừ một biện pháp nào cả. 

Ông Trần Duy Hải. Ảnh: Tùng Lê.
Ông Trần Duy Hải. Ảnh: Tùng Lê.

- Xin cho biết câu trả lời Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì trong cuộc điện đàm hôm 6/5 với Phó thủ tướng Phạm Bình Minh như thế nào?

- Ông Trần Duy Hải: Trong cuộc điện đàm giữa Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và ông Dương Khiết Trì, phía Trung Quốc đã nhắc lại lập trường của họ, cho rằng khu vực giàn khoan HD-981 hoạt động thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã bác bỏ quan điểm đó, khẳng định chủ quyền của chúng ta với quần đảo Hoàng Sa, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển.

Phó thủ tướng đã nhấn mạnh các hoạt động của giàn khoan HD-981 là vi phạm, xâm phạm vùng biển Việt Nam và Việt Nam kiên quyết phản đối.

Ông Đỗ Văn Hậu: "Hoạt động của giàn khoan HD-981 ở khu vực lô 143, 142 của chúng ta là hoạt động khoan, tìm kiếm thăm dò dầu khí. Nhưng hiện chưa có phát hiện thương mại nào để có thể khai thác. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tiến hành nhiều đợt khảo sát tìm kiếm, thăm dò ở khu vực này nhưng chưa khoan. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa giàn khoan vào khu vực, vi phạm quyền chủ quyền ở thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tập đoàn đã gửi thư cho Chủ tịch và Tổng giám đốc Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc chính thức phản đối việc làm này và yêu cầu công ty này chấm dứt hoạt động dầu khí tại đây.

Tất cả các khu vực đang khai thác dầu khí của Việt Nam hiện nay đều nằm trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chúng tôi tin rằng với lực lượng bảo vệ của chúng ta, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không cho phép phía Trung Quốc tiếp cận.".

Nguyễn Hưng ghi

Bạn có thể quan tâm