Hemingway (trái) và Faulkner - hai tên tuổi của văn chương thế kỷ 20. Ảnh: Bookriot. |
Vào giữa thế kỷ 20, hai "ông lớn" trong nền văn học Mỹ là William Faulkner và Ernest Hemingway. Cả hai đều được thế giới tôn vinh, là bậc thầy về tiểu thuyết và truyện ngắn.
Faulkner ưa thích viết những đoạn vô tận, giữ kỷ lục là người có câu dài nhất trong văn học. Trong khi đó, Hemingway nổi tiếng với phong cách ngắn gọn, súc tích.
Mối quan hệ căng thẳng từ một câu nói
Vào tháng 4/1947, William Faulkner đến thăm Đại học Mississippi (Mỹ). Trong phần hỏi đáp của lớp viết sáng tạo, Faulkner được yêu cầu kể tên 5 nhà văn đương đại quan trọng nhất. Ông liệt kê theo thứ tự các tiểu thuyết gia người Mỹ: Thomas Wolfe, John Dos Passos, Ernest Hemingway, Willa Cather và John Steinbeck.
Khi nhận yêu cầu xếp hạng bản thân với những người cùng thời, Faulkner trả lời: “1-Thomas Wolfe: Ông ấy rất can đảm và viết như thể không còn sống được bao lâu nữa; 2-William Faulkner; 3-Dos Passos; 4-Ernest Hemingway: Ông ấy không can đảm, không dám mạo hiểm, chưa bao giờ sử dụng một từ có thể khiến người đọc phải kiểm tra từ điển để xem từ đó có được sử dụng đúng cách hay không; 5-John Steinbeck: đã có lúc tôi rất hy vọng vào ông ấy - bây giờ tôi không biết nữa”.
Như vậy, Faulkner tự xếp mình lên số một trong các nhà văn còn sống. Vào thời điểm xếp hạng, Wolfe đã mất được gần 9 năm. Nhận xét của Faulkner cuối cùng được ghi lại và xuất bản. Marvin Black, Giám đốc Quan hệ công chúng của Đại học Mississippi, đã viết một thông cáo báo chí tóm tắt những bình luận của ông, bao gồm cả tuyên bố về Hemingway “không có can đảm, chưa bao giờ dám mạo hiểm”. Thông tin được đăng trên tờ New York Herald Tribune vào tháng 5/1947.
Không rõ liệu Faulkner có cố ý đưa ra các bình luận mang tính khiêu khích hay không. Trên thực tế, ông được thông báo rằng sinh viên sẽ không ghi chép và các giảng viên cũng không có mặt trong buổi hỏi đáp.
Hemingway không để yên chuyện này. Theo Britannica, Hemingway được cho đã đáp trả: “Faulkner tội nghiệp. Ông ấy thực sự nghĩ rằng cảm xúc lớn lao đến từ những lời nói 'đao to búa lớn'? Ông ấy nghĩ tôi không biết những từ ngữ có giá trị. Tôi biết mà. Nhưng có những từ cũ hơn, đơn giản hơn và hay hơn và đó là những từ tôi sử dụng”.
Hemingway tiếp tục bóng gió rằng Faulkner là một kẻ nghiện rượu và tài năng đang lụi tàn.
Mối quan hệ của hai nhà văn là sự cạnh tranh, so sánh và chỉ trích. Họ có thể từng tiếp xúc nhau một lần, vào khoảng thời gian từ tháng 11/1931 đến tháng 7/1952. Năm 1951, Hemingway ám chỉ đến cuộc gặp duy nhất với Faulkner.
Hai tác giả danh tiếng đưa ra lời bình luận chủ yếu gián tiếp, thông qua các nhà văn và nhà phê bình khác. Từ năm 1945 đến năm 1949, Hemingway đã đề cập đến Faulkner trong ít nhất ba bức thư gửi nhà sử học Malcolm Cowley.
Trong bức thư đề ngày 17/10/1945, Hemingway cho rằng Faulkner thiếu kỷ luật nghệ thuật và bày tỏ mong muốn “đào tạo” Faulkner. Ông viết: “Faulkner có tài năng nhất so với bất kỳ ai và ông ấy chỉ cần một sự dốc lòng hết sức còn đang thiếu”.
Faulkner cũng từng viết về Hemingway. Khi một biên tập viên cấp cao của nhà xuất bản Random House đề nghị Hemingway viết lời giới thiệu cho tác phẩm The Portable Faulkner (1946), Faulkner không đồng ý.
Trong bức thư gửi người biên tập, ông viết: “Tôi phản đối đề nghị Hemingway viết lời tựa. Đối với tôi, thật tệ khi yêu cầu ông ấy viết lời tựa cho tác phẩm của tôi. Điều đó giống như yêu cầu một con ngựa đua giới thiệu về một con ngựa khác trên cùng đường chạy”. Cuối cùng, nhà phê bình Malcolm Cowley viết lời giới thiệu.
Vẫn dành lời khen ngợi cho nhau
Faulkner không bao giờ rút lại tuyên bố của mình tại Đại học Mississippi nhưng rất tiếc vì thông tin đã được công bố rộng rãi và “trích dẫn sai”. Ông vẫn khẳng định mình là nhà văn giỏi nhất còn sống vào giữa thế kỷ 20.
Faulkner khẳng định ông không nghi ngờ về lòng dũng cảm của Hemingway với tư cách một người đàn ông mà đề cập về tư cách nghệ sĩ.
Phản hồi lại, Hemingway đã xin lỗi về phản ứng của mình và cho biết rằng ông sẽ cởi mở hơn với những lời chỉ trích mang tính xây dựng của Faulkner. Hemingway viết, mặc dù Chuông nguyện hồn ai của ông “có lẽ sẽ khiến” Faulkner chán nản khi đọc lại nhưng ông vẫn muốn biết Faulkner nghĩ gì về cuốn sách đó, “với tư cách là người anh em”. Hemingway đề nghị họ “tiếp tục trao đổi”.
Cả hai đều nhận thức sâu sắc về tài năng của nhau và cạnh tranh với nhau, đặc biệt là Hemingway, người thấy bất an hơn nhiều. Hemingway thường xuyên gọi Faulkner là “người giỏi nhất trong số chúng ta”, ngạc nhiên trước khả năng thiên bẩm của đối thủ.
Trong khi đó, Faulkner từng nói: "Tôi nghĩ ông ta là người giỏi nhất mà chúng ta có”. Lần đầu được đề nghị viết phê bình cuốn Ông già và biển cả, Faulkner từ chối. Nhưng sau đó vài tháng, ông lại nhận lời với tạp chí văn học Shenandoah và bày tỏ sự khen ngợi: “Thời gian có thể cho thấy đây là tác phẩm hay nhất của bất kỳ ai trong chúng ta, ý tôi là của ông ấy và những người cùng thời với tôi”.
Năm 1949, Faulkner đoạt giải Nobel Văn học vì “đóng góp mạnh mẽ và độc đáo về mặt nghệ thuật cho tiểu thuyết hiện đại của Mỹ”. Hemingway giành giải Nobel vào năm 1954, vì “nghệ thuật kể chuyện của ông, gần đây nhất được thể hiện trong Ông già và biển cả và ảnh hưởng với phong cách đương đại”. Năm 1953, Hemingway đoạt giải Pulitzer cho Ông già và biển cả (1952). Hai năm sau Faulkner được trao giải Pulitzer cho Một truyện ngụ ngôn (1954).
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.