Mối nguy mất trắng vệ tinh bởi rác vũ trụ
Mọi vệ tinh lớn nhỏ, đắt rẻ hay thậm chí là Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đều có thể trở thành đống phế liệu nếu chẳng may va chạm với các mảnh rác vũ trụ từ chính hoạt động trong không gian của con người.
Rác vũ trụ là thuật ngữ đang ngày càng được nhắc đến bởi số lượng lớn các vệ tinh và chương trình chinh phục không gian mà con người đã và đang tiến hành. Vệ tinh hết hạn sử dụng, mảnh tên lửa bị loại bỏ trong quá trình phóng tàu vũ trụ hay thậm chí là mảnh vỡ các vệ tinh mục tiêu trong các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo đều có thể gây ra mối họa lớn trong không gian.
Mô phỏng toàn cảnh rác vũ trụ và vệ tinh bao quanh trái đất. |
Mới chỉ cuối tuần trước, Đài Tiếng nói nước Nga đưa tin, một vệ tinh của Moscow bị hư hại nghiêm trọng sau vụ va chạm với mảnh vỡ vệ tinh Trung Quốc, bị phá hủy trong vụ thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh mà Bắc Kinh tiến hành năm 2007. Đây cũng là vụ va chạm giữa các mảnh rác vũ trụ và vệ tinh đang hoạt động thứ 2 kể từ năm 2009.
Thực chất, vệ tinh khí tượng Phong Vân 1C là nạn nhân của một hoạt động quân sự mà Bắc Kinh tiến hành năm 2007. Yêu cầu thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh khiến Trung Quốc chọn Phong Vân 1C, hoạt động ở độ cao 800 km, làm mục tiêu cho tên lửa. Vụ thử nghiệm thành công là tín hiệu tốt đối với giới quân sự Bắc Kinh nhưng hơn 3.000 mảnh vỡ mà nó để lại trong không gian là mối họa khôn lường đối với các vệ tinh khác.
Ngoài 3.000 mảnh vỡ mà vụ thử vũ khí của Trung Quốc "đóng góp", các chuyên gia Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) còn ước tính, có 500.000 đối tượng kích cỡ nhỏ và 22.000 kích cỡ lớn, tương đương một quả bóng chày đang lơ lửng trong không gian. Dù kích thước nhỏ nhưng lợi thế về tốc độ, với vận tốc di chuyển lên tới 28.000 km/h có thể khiến những mảnh rác này trở thành kẻ phá hoại khổng lồ.
Số lượng ngày càng nhiều các vệ tinh và rác vũ trụ khiến nguy cơ va chạm trở nên rất cao. |
Trong khi đó, 70% các đối tượng này được xếp vào danh mục rác vũ trụ hoạt động ở quỹ đạo thấp của trái đất, ở độ cao 2.000 km trở xuống. Trớ trêu thay, đây cũng chính là quỹ đạo mà phần lớn các vệ tinh do thám, liên lạc hay truyền thông… đang hoạt động.
Với vận tốc di chuyển tương đương hoặc thậm chí là cao hơn, vụ va chạm trực diện giữa vệ tinh và các mảnh rác vũ trụ có thể phá hủy các chi tiết kỹ thuật, thậm chí là toàn bộ vệ tinh, trong đó có Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), nơi sống và làm việc ngoài vũ trụ của các phi hành gia.
Chưa hết, các mảnh rác này còn là nguy cơ thường trực đối với đội tàu vũ trụ đưa người, hàng hóa hay các thiết bị lên làm việc bên ngoài không gian. Không chỉ dừng lại ở những thiệt hại về của, các vụ va chạm tiềm năng còn đe dọa trực tiếp tới tính mạng của các phi hành gia và con người dưới mặt đất bởi "sự trở về" không mong muốn các vệ tinh và tàu vũ trụ bị phá hủy.
Các vệ tinh trên không gian. |
Tính tới thời điểm hiện tại, có hơn 900 vệ tinh các loại đang làm việc trong không gian. Với số lượng lớn các mảnh vỡ, các nhà khoa học tính toán tần suất va chạm giữa các vệ tinh và rác vũ trụ sẽ xảy ra trung bình 2-3 năm/lần trong thập kỷ tới. Dù tất cả các vệ tinh đều được thiết kế để tránh va chạm với rác vũ trụ hoặc các vệ tinh khác nhưng nếu “kẻ lang thang” được phát hiện quá muộn, hệ thống phản lực đẩy trên các vệ tinh cũng không kịp giúp nó tránh được thảm họa.
Thực tế cho thấy, mảnh rác vũ trụ chỉ được phát hiện 10 giây trước khi va chạm với vệ tinh Blitz của Nga khiến các chuyên gia dưới mặt đất không kịp thay đổi quỹ. Không chỉ vệ tinh nhỏ như Blitz mà cả các phi hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS cũng phải sơ tán nhiều lần sau khi phát hiện mảnh vỡ đang lao tới nhưng không kịp tránh nó.
Tính tới thời điểm hiện tại, các phi hành gia trên ISS đã phải di chuyển tới khoang trú ẩn ít nhất 3 lần vì các mảnh rác không gian trong 13 năm qua, trong đó có các lần sơ tán trong 2 năm liên tiếp 2011 và 2012. Dù sở hữu những công nghệ tiên tiến nhất nhưng chúng cũng không giúp ISS được an toàn tuyệt đối trước những mối nguy từ rác thải của con người trong không gian.
Trịnh Duy
Theo Infonet