Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỗi ngày họp Quốc hội chi phí 1 tỷ đồng

Một chuyên gia cho biết 1 phút họp của các đại biểu tại hội trường là Nhà nước phải bỏ ra 2 triệu đồng. Như vậy, bình quân một ngày họp mất 1 tỷ đồng.

Phát biểu tại phiên họp Quốc hội về dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sáng 4/11, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) đã “phê” các kỳ họp Quốc hội còn kéo dài, gây lãng phí thời gian và ngân sách. Ông cho rằng dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí chưa đề cập được trách nhiệm của Quốc hội về vấn đề này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thừa nhận “đề nghị của đại biểu về rút ngắn thời gian họp của Quốc hội rất đúng” và phù hợp với Đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội.

Kỳ họp Quốc hội lần này có thể rút ngắn từ 5-10 ngày

“Tôi đã tiếp cận với nhiều đại biểu Quốc hội và họ cho rằng Quốc hội còn nhiều vấn đề cần xem xét để có thể chống lãng phí”, ông Trần Quốc Tuấn nói. Đại biểu này nêu ví dụ, kỳ họp Quốc hội hằng năm “kéo dài hơn so với nội dung thực chất cần giải quyết”, đặc biệt là kỳ họp cuối năm.

“Điển hình như kỳ họp này, qua nghiên cứu nội dung cho thấy có thể thấy rút ngắn thời gian kỳ họp từ 5-10 ngày. Thay vì 41 ngày thì có thể rút còn trên dưới 30 ngày. Có như vậy, chúng ta vừa tiết kiệm được thời gian, vừa tiết kiệm ngân sách nhà nước”, ông Tuấn nói.

Theo đại biểu này, trước mỗi kỳ họp, Quốc hội nên phát huy quyền và trách nhiệm của các cơ quan tham mưu. Như với các dự án luật được nêu hoặc các vấn đề không quan trọng lắm thì có thể giao quyền mạnh hơn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bàn giữa các kỳ họp Quốc hội, hoặc nâng cao quyền của đại biểu chuyên trách địa phương.

“Các kỳ họp Quốc hội chỉ nên thảo luận những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, hoặc những vấn đề cực kỳ quan trọng, có tầm ảnh hưởng quốc gia. Như vậy sẽ rút ngắn thời gian tại mỗi kỳ họp”, ông đề xuất

2 triệu đồng cho mỗi phút họp Quốc hội tại hội trường

Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho biết, trong buổi tập huấn cách đây 1 năm, một chuyên gia cho biết 1 phút họp của các đại biểu tại hội trường là Nhà nước phải bỏ ra 2 triệu đồng. Như vậy, bình quân một ngày họp mất 1 tỷ đồng. Theo đại biểu Tuấn, đây là số tiền không phải lớn nếu các cuộc thảo luận đi đến quyết định xử lý những vấn đề quan trọng mang lại lợi ích cho nhân dân, cho quốc gia.

“Song số tiền này lại là rất lớn nếu phiên họp Quốc hội không giải quyết được vấn đề đó”, ông nhận định. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu Quốc hội đang giữ trọng trách tại các tỉnh, thành phố và cuối năm thường phải giải quyết vấn đề quan trọng.

“Khi tham gia các kỳ họp kéo dài như thế này, họ sẽ bị kẹt với công việc ở nhà và nếu ở lại dự họp thì công việc bị đình trệ, còn đi đi, về về về thì tốn tiền xe đưa-đón”, đại biểu Tuấn cho hay. Ông mong Quốc hội đưa ra giải pháp để rút ngắn thời gian mỗi kỳ họp nhằm mang lại “chất lượng và hiệu quả cao hơn”.

Ông Tuấn cũng phê phán các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề liên quan đến Quốc hội rất lãng phí. “Thực chất, có  những hội thảo nội dung không phù hợp với nhu cầu của đại biểu, nhưng đại biểu tốn thời gian, chi phí đi tham dự. Với thực tế như vậy, nguy cơ gây lãng phí đã diễn ra. Liệu trách nhiệm của ai, có phải của Quốc hội không? Liệu Quốc hội có phải là đối tượng cần được điều chỉnh của Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí hay không?”, ông đặt câu hỏi.

Đề xuất rút ngắn thời gian họp Quốc hội “là đúng”

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thừa nhận “đề nghị của đại biểu về rút ngắn thời gian họp của Quốc hội rất đúng” và phù hợp với Đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, việc họp bao nhiêu ngày đều căn cứ vào nội dung làm việc của từng kỳ họp Quốc hội và đều trình ra xin ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Bà Kim Ngân khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo “nghiên cứu và rà soát kỹ lưỡng xem nội dung của kỳ họp này đã sát chưa và có thể rút ngắn ở nội dung nào để có thể chỉnh sửa ở các kỳ họp sau”.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là việc làm thường xuyên của mỗi ngành, mỗi cấp, chứ không phải của cơ quan nào. Bà cho biết, Văn phòng Quốc hội có nằm trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hoạt động của Quốc hội không nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của luật.

Theo Lao Động

Bạn có thể quan tâm