Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Quốc hội Nguyễn Đình Quyền thẳng thắn chỉ ra một nguyên nhân của việc nợ văn bản hướng dẫn thi hành luật: Các bộ quá tập trung giải quyết những việc cụ thể.
Thảo luận tại tổ chiều 2/11, ông Quyền chỉ ra: Nhiệm vụ quan trọng nhất của các bộ là tham mưu hoạch định chính sách và quản lý nhà nước, bao gồm ban hành, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các chính sách.
"Nhưng việc này đang hổng vì bộ chỉ lo đi giải quyết những việc cụ thể. Các Bộ Xây dựng, Giao thông vận tải, Công thương... là thích điều hành vào những việc cụ thể nhất", ông Quyền nói. "Các bộ trưởng cứ phải đi cắt băng khánh thành cho doanh nghiệp làm gì, tôi chả thấy ý nghĩa chính trị gì ở đó cả".
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền: Các bộ trưởng cứ phải đi cắt băng khánh thành cho doanh nghiệp làm gì. |
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cũng chia sẻ: Có công chức bộ nọ cho tôi biết cả năm trời bộ trưởng không đặt chân đến vụ pháp chế - đơn vị làm nhiệm vụ hoạch định chính sách.
Nhưng các đại biểu cũng thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm của Quốc hội. Ông Nguyễn Đình Quyền chỉ ra: Ta đã cải tiến quy định để giờ Quốc hội nắm 70% công việc làm luật, nhưng Quốc hội vẫn để nhiều việc chờ Chính phủ ra nghị định hướng dẫn.
Ông Quyền gọi đây là sự "đồng tình, thỏa hiệp" của Quốc hội, còn ông Đinh Xuân Thảo cho là Quốc hội "chưa chịu khó". Các đại biểu đều thấy phải sớm chấm dứt tình trạng "hy hữu" chỉ có ở Việt Nam là luật ra phải chờ nghị định, thông tư mới thực hiện được.
"Quốc hội ban hành được nhiều luật là thấy hài lòng, nhưng luật chưa đi vào cuộc sống là việc không thể hài lòng. Vì Quốc hội phản ánh ý chí của quần chúng, các văn bản của Chính phủ phản ánh ý chí của người điều hành, nhiều khi rất khác nhau", ông Nguyễn Đình Quyền nói.
Ông Đinh Xuân Thảo thì dẫn lời nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc: "Trước chưa có luật thì dân sống bằng luật rừng, nay có quá nhiều luật thì dân sống trong rừng luật, không tránh khỏi lạc lối".
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo: Có công chức bộ nọ cho tôi biết cả năm trời bộ trưởng không đặt chân đến vụ pháp chế. |
Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp đồng tình: Ngăn chặn được những luật không đủ chất lượng cũng là thành tích.
Đại biểu khó nhận ra lobby chính sách
Các đại biểu cũng băn khoăn về chất lượng các văn bản dưới luật. "Trong các lĩnh vực kinh tế, người dân và doanh nghiệp ít quan tâm đến luật vì các văn bản hướng dẫn của các bộ ngành mới tác động trực tiếp, nhưng có nhiều văn bản đi quá xa so với luật", ông Nguyễn Đình Quyền nói.
"Thậm chí nhiều văn bản dưới luật ra đời còn trở thành trò cười" là nhận định của đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội).
Ngoài những nguyên nhân như thiếu nghiên cứu đối tượng chịu tác động, ít tham khảo chuyên gia và các tổ chức độc lập hay các bộ ngành đều coi trọng lợi ích của bộ ngành mình, các đại biểu cũng đặt câu hỏi về khả năng lobby chính sách.
"Trong các lĩnh vực như thuế, xuất nhập khẩu, xã hội hóa, quota, bảo hiểm..., bằng nhiều cách như mời quan chức đi nước ngoài tham quan, dự hội nghị, hội thảo, họ lái bằng được các ý định của họ vào văn bản pháp luật", bà Bùi Thị An phản ánh.
Ông Nguyễn Đình Quyền cũng nhận thấy trong các lĩnh vực trên, "các văn bản hướng dẫn cứ thay đổi, nhiều lúc đột ngột, rất khác nhau".
Ông Quyền nhấn mạnh lại trách nhiệm của Quốc hội trong việc đảm bảo tính khách quan, không để lợi ích cục bộ, cơ chế xin - cho tạo kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực.
Nhưng cái khó của đại biểu, theo bà Bùi Thị An, là người thì quá bận không nghiên cứu, người thì không hiểu biết hết, một thiểu số nhìn nhận được các yếu tố lobby này thì phải phục tùng đa số.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng), ủy viên thường trực UB Tài chính - Ngân sách, cũng thẳng thắn: Quốc hội chưa có tầm tư duy chiến lược xa, mà vẫn ngắn hạn.
"Đại biểu chỉ dựa vào báo cáo thẩm tra để bấm nút, khi thảo luận thì đem giấy ra đọc, không có tranh luận, không tập trung, mỗi người nói một kiểu", ông Vân cho biết là đại biểu nhưng ông cũng thấy việc này "phản cảm".