GS.TS, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Trọng Nhân là bác sĩ nhãn khoa nổi tiếng, Viện trưởng Viện Mắt Trung ương, Bộ trưởng Bộ Y tế giai đoạn 1992 - 1995.
GS. TS Nguyễn Trọng Nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế. |
Ông là vị Bộ trưởng hiếm hoi xin nghỉ giữa nhiệm kỳ. GS Nhân thổ lộ: “Tôi là một người thực sự ham thích làm khoa học. Chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm lãnh đạo. Tôi cảm thấy công việc quản lý rất phức tạp, rắc rối, vì thế tôi không quan tâm đến lĩnh vực này. Vậy mà, các chức vụ Viện phó, Viện trưởng rồi Bộ trưởng cứ tự nhiên đến. Tuy nhiên, khi thấy một số việc mình chưa thể làm được như mong muốn thì tôi mới đề nghị lãnh đạo cho thôi chức Bộ trưởng... Sau khi quay về làm chuyên môn, tôi vẫn là đại biểu Quốc hội đến năm 2002 và làm Chủ tịch chuyên trách Hội chữ Thập đỏ Việt Nam đến 73 tuổi (2003) mới nghỉ theo chế độ”.
Trao đổi với phóng viên về nhiều vụ việc liên quan trong ngành Y tế đang khiến cho nhiều người đau lòng và thất vọng gần đây. GS Nhân nói: Y đức là vấn đề quan trọng hàng đầu trong mọi hoạt động của ngành Y tế. Y đức phản chiếu một gương mặt đạo đức xã hội. Các giá trị của y đức lung lay thể hiện một nền y tế đang có vấn đề lớn, kéo theo đó là sự biến đổi trong nền văn hóa.
Chúng ta đang có một cuộc khủng hoảng về y đức trên diện rộng, tạo nên dư chấn nặng nề đối với niềm tin của người dân đối với ngành Y. GS Nguyễn Trọng Nhân cho rằng, khủng hoảng về y đức là do cả một hệ thống các nguyên nhân, là một lỗi hệ thống và cũng cần phải giải quyết theo hệ thống.
Có rất nhiều nguyên nhân cùng tác động và tạo ra tình trạng này. Trước hết là cơ chế quản lý của cả hệ thống nhà nước. Khi còn làm Bộ trưởng, GS Nguyễn Trọng Nhân từng trình bày với Chính phủ rằng đầu tư cho y tế của ta là chưa thỏa đáng! Chúng ta đầu tư ngân sách cho y tế thua xa Cuba, mặc dù giờ đây Việt Nam đã phát triển nhiều mặt và đã có thể giúp đỡ Cuba trên nhiều lĩnh vực. Khi đưa ra các kế hoạch phát triển y tế như xây dựng bệnh viện, hiện đại hóa trang thiết bị hay đào tạo con người mà không có tiền thì không thể thực hiện được.
Bản thân ngành Y tế cũng tỏ ra yếu kém trong công tác quản lý và sử dụng nhân lực. Ngành Y là ngành phải đào tạo nhiều nhất, dài nhất nhưng trong bảng xếp lương của nhà nước thì lương các bác sĩ thuộc hạng thấp. Lương bác sĩ thấp là một nguyên nhân dẫn đến tiêu cực. Tuy nhiên, tiền lương không phải là tất cả. Có những bác sĩ rất giàu có vẫn tiêu cực. Đó mới chính là y đức đang thực sự khủng hoảng.
Nền y đức của chúng ta luôn được đặt trước nhiều thử thách mà ở đó, người thầy thuốc luôn phải lựa chọn giữa y đức và cuộc sống vật chất gia đình. Đó là một sự lựa chọn vô cùng khó khăn, thậm chí khắc nghiệt.
Như vậy, khủng hoảng về y đức là do lỗi hệ thống và cũng cần phải giải quyết theo hệ thống. Các nhà quản lý phải làm sao để đảm bảo được đời sống của cán bộ y tế, đồng thời khơi dậy tinh thần nhân ái trong mỗi con người thì y đức may ra được cải thiện.
GS Nhân cho rằng, cần phải có nhiều biện pháp kết hợp với nhau để cùng giải quyết vấn đề tiêu cực trong y tế.
Chúng ta đã thực hiện rất nhiều biện pháp: Đưa ra các chính sách y tế khác nhau để chống tiêu cực, tăng cường giáo dục về y đức, khen thưởng để động viên tinh thần y bác sĩ, kỷ luật hành vi sai trái… Chính sách đưa ra nhiều nhưng thực hiện chưa có hiệu quả. Khoảng cách từ chính sách đến thực tế là rất xa.
Theo GS Nhân, chúng ta nói quá nhiều về y đức, từ tuyên truyền đến phản ánh đều rất nhiều. Bộ Y tế luôn lấy câu của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu” để giáo dục đạo đức ngành Y. Từ đó, nhiều phong trào, chương trình mở rộng để giáo dục y đức, nhưng hiệu quả thì rất thấp. Tuy nhiên, sự tuyên truyền y đức dài dòng và không thực tế đã khiến cho chính những người trong nghề không nhận thức được vấn đề. Đó là thể hiện của căn bệnh hình thức ảnh hưởng đến môi trường y đức ở Việt Nam .
Bên cạnh việc tiếp tục giáo dục y bác sĩ về y đức, chúng ta cũng cần phải tăng cường giáo dục cho nhân dân về quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với vấn đề y tế. Y tế là một hoạt động xã hội, vì vậy toàn dân nên “xắn tay” xây dựng ngành y tế. Chúng ta hãy để nhân dân kiểm tra chất lượng ngành Y tế và nhân dân cũng phải xóa bỏ “văn hóa phong bì”, hạn chế việc tiếp tay cho cán bộ y tế tiêu cực.
Đối với ngành Y tế, theo GS Nguyễn Trọng Nhân, phải có một cuộc cách mạng về y đức, phải làm điểm từ các bệnh viện lớn từ cấp trung ương để các bệnh viện nhỏ và bệnh viện địa phương noi gương.
Người bác sĩ có trách nhiệm từ khi khám bệnh, định bệnh, cho đến lúc kê toa hoặc bắt tay hành động. Khám bệnh qua loa, khám tắc trách, quên hỏi một chi tiết để định bệnh cho chính xác cũng là phạm lỗi. Phải có trách nhiệm khi giải thích cho bệnh nhân, sao cho cặn kẽ, rành mạch, để họ đừng hiểu lầm…
Về đãi ngộ cho các cán bộ ngành Y, GS Nhân kể rằng khi ông còn làm Bộ trưởng, ông đã từng có mong muốn tạo điều kiện cho anh em có thể cải thiện cuộc sống. GS Nguyễn Trọng Nhân ủng hộ cho ngành Y được phép làm tư để các y bác sĩ đảm bảo được cuộc sống, chỉ có điều phải kèm theo việc giáo dục về lương tâm, trách nhiệm, tính nhân đạo của nghề nghiệp, đồng thời phải kiểm tra, chấn chỉnh...
Trên hết, ngành Y tế cần bồi đắp được các cảm hứng nhân văn, lý tưởng nhân đạo cho các thầy thuốc. Phải đặt giá trị con người và lợi ích con người lên cao nhất. Người y, bác sĩ phải biết được cái đau của những người bệnh và chăm sóc cho bệnh nhân như chăm sóc chính những người thân trong gia đình và cũng như sau này mình có ốm đau, người khác chăm sóc cho mình. Bệnh viện phải luôn là nơi có nhiều tình thương nhất, tình yêu thương của con người với nhau trong lúc hoạn nạn.