Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỗi năm, TP HCM mất hơn 1 tỷ USD vì ùn tắc giao thông

Dân số TP HCM đạt 8,5 triệu người với hơn 6,5 triệu xe gắn máy. Trong khi đó hạ tầng xuống cấp, phương tiện công cộng chưa phát triển nên ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng.

Ngày 28/10, Sở GTVT TP HCM tổ chức buổi hội thảo 40 năm phát triển của ngành GTVT. Hội thảo đặt ra những vấn đề cấp thiết cho quá trình xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị của TP đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050.

Ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TP HCM nhận định, hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học và cơ quan quản lý tổng đóng góp giải pháp giúp TP khắc phục những tình trạng khó khăn hiện nay, như kẹt xe, ngập úng, tai nạn giao thông…

Ông Nguyễn Minh Hòa - Trưởng khoa Đô thị học, Đại học KH-XH&NV TP HCM cho biết, dân số TP đang tăng quá nhanh, hiện khoảng 8,7 triệu cùng 2,5 triệu dân thường xuyên đi - đến. Dự kiến đến 2030, Sài Gòn sẽ đạt 15 triệu dân.

Kẹt xe nước ngập là hai vấn đề nan giải của TP HCM. Ảnh: Trường Nguyên.

"8,7 triệu người, nhưng TP có số lượng phương tiện giao thông khổng lồ với 6,2 triệu xe máy và hơn 600.000 ôtô, xe buýt, vận tải, chưa kể 1 triệu xe mang BKS tỉnh đang hoạt động trên địa bàn. 

Đây là nguyên nhân chính gây tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Thiệt hại do tắc nghẽn giao thông hàng năm vào khoảng 23.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), một con số vô cùng lớn", ông Hòa phát biểu.

Với số dân và lượng phương tiện khổng lồ như vậy nhưng lại chủ yếu hoạt động tại khu vực 10 quận nội thành (diện tích 170 km2) và đặc biệt là khu trung tâm vì tại đây tập trung đa số cơ sở kinh doanh, y tế, giáo dục, giải trí… nên ùn tắc giao thông không thể tránh khỏi. 

Hai vấn đề nan giải nhất khiến người dân TP bức xúc những năm qua là kẹt xe và nước ngập vẫn chưa có phương án giải quyết hiệu quả.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, ngân sách chi cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật của TP hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu thực tế. 

Mỗi năm, TP cần khoảng 50.000 tỷ đồng (2,5 tỷ USD) cho giao thông nhưng ngân sách TP HCM chỉ đáp ứng được ở mức 6.000 tỷ đồng (300 triệu USD). Để xây dựng 8 tuyến metro, TP cần đến 30 tỷ USD nhưng việc huy động vốn gặp khó khăn.

Ông Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP HCM. Ảnh: Trường Nguyên.

Còn theo ông Võ Kim Cương - nguyên Phó kỹ sư trưởng TP HCM, cấu trúc đô thị của TP hiện nay có thể gọi là “cấu trúc lát bánh tét” với quá nhiều đường nhỏ, hẻm, chỉ phù hợp với xe máy và gây khó khăn cho các phương tiện giao thông công cộng. Do đó, phương tiện cá nhân ngày càng tăng cao, còn phương tiện công cộng ít phát huy hiệu quả.

“Nếu có thêm một 'đường hoa Nguyễn Huệ' xứng tầm, những địa điểm bắn pháo hoa hoành tráng đêm 30 Tết tại các nơi khác thì đâu có cảnh cả người dân lẫn du khách chen chúc nhau ở khu trung tâm. 

Lâu nay Phú Mỹ Hưng cố gắng tạo ra một 'cực' thu hút người dân từ khu trung tâm qua trong những dịp lễ Tết nhưng thành công còn hạn chế. Do vậy, TP cần nhiều 'cực' như vậy”, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TP HCM đề xuất.

“Muốn giải quyết ùn tắc phải hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển giao thông công cộng và cấu trúc lại đô thị TP HCM. Nghĩa là phải giải tỏa trắng những khu vực có cấu trúc không đúng tiêu chuẩn để xây lại hoặc mở rộng lộ giới, mở nhiều tuyến đường xuyên qua các khu này.

Nhưng đây là việc cực kỳ tốn kém và nan giải, không thể giải quyết được trong thời gian ngắn. Có lẽ phải đến khi thu nhập theo đầu người đạt 20.000 USD/năm thì mới có điều kiện cấu trúc lại TP", ông Cương trình bày.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nêu giải pháp, muốn giải quyết kẹt xe thì trước tiên phải nâng cấp hệ thống giao thông công cộng như metro, xe buýt, buýt nhanh, tàu đường thủy… để đáp ứng được nhu cầu người dân theo hướng tiện lợi văn mình.

"Tuy nhiên nếu xe buýt, metro có nhiều thế nào đi nữa nhưng phục vụ không tốt, không thuận tiện thì người dân không thể bỏ xe máy", ông Cương nói.

Người dân tập trung rất đông tại phố đi bộ Nguyễn Huệ trong dịp bắn pháo hoa mừng Quốc Khánh ngày 2/9. Ảnh: Trường Nguyên.

TP HCM phải hạn chế việc phát triển các cơ sở làm gia tăng dân số ở khu vực các quận trung tâm, di dời các trường đại học ra ngoại thành. Đầu tư trọng điểm, tạo ra nhiều khu trung tâm thì mới đủ sức đối trọng với khu hiện hữu để đưa dân ra vùng ven nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu công việc, sinh hoạt.

Bà Nguyễn Phương Nguyệt Minh và các cộng sự thuộc Khoa Đô thị học, ĐH KH-XH&NV TP HCM đề xuất, để giải quyết tình trạng trước mắt, TP nên nâng cấp, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu thông minh, tạo thêm dòng xe quay đầu. 

Quy hoạch hợp lý chỗ để xe máy trên vỉa hè, tháo gỡ những nút giao thông thường ùn tắc và nâng cấp hệ thống đường giao thông kết nối trung tâm với các khu vực khác của TP.

Tân Sơn Nhất có nhiều bất cập vì đã quá tải

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, lượt khách tới Tân Sơn Nhất hiện nay đã hơn 25 triệu. Con số này vượt quy hoạch nên dẫn đến quá tải.

Trường Nguyên

Bạn có thể quan tâm