Ông Viện cho rằng, do xe khách không được chạy xuyên tâm nên tổ chức giao thông phải tăng cường tính kết nối giữa các bến xe với khu vực trung tâm nội đô, trong đó có kết nối bằng xe buýt để thuận tiện cho người dân đi lại. Đây là việc có thể làm ngay để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Theo ông Viện, tổ chức giao thông ở khu vực ra vào tại các bến Nước Ngầm, Giáp Bát, Yên Nghĩa là rất quan trọng. Trong đó, việc kết nối xe buýt ra vào thuận tiện.
Cần tăng cường xe buýt giữa các bến xe vào nội đô. Ảnh: Hoàng Hà. |
Phản ánh thực trạng bến xe Nước Ngầm đang thiếu xe buýt kết nối vào khu vực trung tâm nội đô, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho hay, hiện nay bến xe chỉ có 3 tuyến buýt.
Cụ thể, các tuyến 16 (Nước Ngầm – Mỹ Đình), tuyến 60 (Mỹ Đình – Nam Thăng Long) và tuyến 04 (Nước Ngầm – Long Biên), nhưng thực tế thời gian chờ mỗi tuyến là rất dài - 30 phút/chuyến. Tình trạng này không đáp ứng được nhu cầu của hành khách ra vào bến.
“Khách đi xe buýt mà phải chờ như xe liên tỉnh thì rất “căng thẳng” nên bắt buộc phải chuyển sang đi taxi và xe ôm. Do vậy tôi mong Sở GTVT xem xét tăng thêm tần suất xe buýt phục vụ việc đi lại của người dân được tốt hơn”, ông Lập kiến nghị.
Ông Lập cũng đề xuất Sở GTVT kết nối thêm cho bến xe Nước Ngầm với các khu vực trung tâm bệnh viện, trường học vì hiện nay bến xe còn diện tích rộng, có thể bố trí thêm 4-5 tuyến buýt.
Ông Vũ Văn Viện đã giao Phòng vận tải của Sở GTVT phối hợp với Trung tâm điều hành giao thông Hà Nội tăng cường kết nối xe buýt từ các bến xe vào vào khu vực trung tâm, giảm ùn tắc giao thông đô thị.
Bến xe bị “cô lập” vì tắc đường!
Đại diện Bến xe Yên Nghĩa cho biết, bến xe có diện tích lớn nhưng đang gặp khó khăn trong việc kết nối giao thông.
Cụ thể, bến Yên Nghĩa chỉ có tuyến đường duy nhất là QL6 đi qua, nhưng thời gian vừa qua do thi công đường sắt trên cao khiến đoạn qua Bến xe Yên Nghĩa – Ba La (khoảng 1 km) thường xuyên bị hư hỏng, xuống cấp không đảm bảo an toàn cho các phương tiện.
Khi mưa lớn thường xảy ra ùn tắc kéo dài khiến xe không vào được bến, thậm chí bến xe còn phải mở cổng để hỗ trợ giải quyết ùn tắc giao thông.
Do vậy, đại diện bến xe Yên Nghĩa kiến nghị Sở GTVT Hà Nội tăng cường chỉ đạo các đơn vị thi công dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông cần tăng cường duy tu bảo dưỡng mặt đường, thu gọn rào chắn để đảm bảo an toàn, tạo hành lang giao thông thông suốt cho phương tiện qua lại.