Giá vàng vẫn tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngày 21/7, niêm yết ở 32,85 - 33,15 triệu đồng một lượng (mua - bán). Trước đó, ngày 20/7, giá chốt tại 32,9 - 33,2 triệu đồng mỗi lượng. Buổi sáng, giá mua vào còn 32,55 triệu đồng, chiều bán ra chênh thêm 420.000 đồng. So với ngày 19/6, mức này thấp hơn gần 500.000 đồng.
Trong một tháng, mỗi lượng vàng để mất 2 triệu đồng. Ngày 20/6, giá mua bán kim loại này phổ biến ở 34,7 - 34,75 triệu đồng một lượng. Biên độ chênh lệch mua bán tương đối hẹp. Còn trước đó, trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 6, giá mỗi lượng luôn ổn định ở mức trên dưới 35 triệu đồng. Tuy nhiên, khoảng một tuần trở lại đây, vàng liên tục trồi sụt. Biên độ mua bán nới rộng có thời điểm lên đến 300.000 đồng.
Trên thị trường quốc tế, vàng đã giảm 4,2% xuống mức thấp nhất trong 5 năm trở lại. Vàng giảm giá trong 6 ngày liên tiếp, trong bối cảnh lãi suất đồng USD tăng và thông tin Trung Quốc dự trữ ít kim loại hơn dự báo được công bố. Theo Bloomberg, giá các kim loại như vàng, bạc, đá quý... cũng đang nằm ở mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Giá vàng giảm 2 triệu đồng một lượng trong 30 ngày gần nhất. |
Trong một tuần, mức giảm của kim loại quý này trên thị trường quốc tế là 2,5%, mạnh nhất kể từ tháng 3. Trên các sàn của Mỹ, mức ghi nhận được dao động quanh mốc 1.107 USD/ounce. Với mức này, vàng thế giới đang thấp hơn 3,7 triệu đồng so với trong nước.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh sỉ Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC, cho biết giá trong nước giảm là do chịu tác động của thế giới. Theo ông Tường, trong thời gian gần đây, lượng giao dịch vàng trong nước cũng có sự biến động, tăng gấp đôi so với thời gian trước, khi giá ổn định.
Còn chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có 3 nguyên nhân chính dẫn tới giá vàng biến động mạnh trong thời gian qua. Thứ nhất, kinh tế Mỹ phục hồi dẫn tới USD tăng giá. Việc đồng đôla Mỹ tăng giá dẫn tới giá vàng giảm, khi 2 đơn vị thanh toán này có mối quan hệ ngược chiều nhau.
Thứ hai, yếu tố tâm lý có tác động lớn tới việc tăng, giảm giá vàng trong nước. "Đa phần người dân đều không phải những người đầu tư vàng chuyên nghiệp. Vì vậy, khi thấy những thông tin về giá giảm, họ lập tức bán đi để cắt lỗ, khiến vàng liên tục biến động mạnh như thời gian gần đây", ông Hiếu chia sẻ.
Thứ ba, theo chuyên gia nói trên, vàng đang dần đánh mất vị thế trong lòng người Việt. Ông phân tích, trong những năm gần đây, người dân không còn coi vàng là công cụ chính để thanh toán, tích trữ. Nhu cầu với kim loại này vì thế cũng giảm xuống theo thời gian.