Trong ngày 16/7, giá vàng rơi từ 33,73 xuống 32,87 triệu đồng một lượng, mất gần 1 triệu đồng. Cuối ngày giá có phục hồi lên 33,02 triệu đồng ở chiều bán ra, song đây vẫn là mức thấp nhất trong 5 năm qua. So với đầu năm, mỗi lượng vàng giảm khoảng 4 triệu đồng. Còn tính từ thời điểm sốt giá cuối năm 2011, khi vàng ở mức gần 50 triệu đồng, người giữ 1 lượng vàng "mất" gần 17 triệu đồng.
Đà giảm mạnh khiến các doanh nghiệp không ngừng thay đổi biên độ mua vào - bán ra trong ngày, tăng từ 80.000 đồng lên 200.000 đồng mỗi lượng, nhằm phòng ngừa rủi ro.
Vàng không còn là kênh hấp dẫn các nhà đầu tư. Ảnh: N.Ý. |
Lưỡng lự, không biết bán hay tiếp tục giữ vàng là tâm lý chung của nhiều người. Khách đến các điểm giao dịch trong ngày 16/7 chủ yếu để… nghe ngóng. Lượng mua bán không có nhiều biến động.
Một nhân viên tại cửa hàng vàng trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP HCM, cho biết, giá liên tục giảm từ sáng sớm đến gần 16h, nhưng người mua không tăng nhiều, khác hẳn với cảnh xếp hàng tranh mua khi giá giảm sâu trước đây. Cũng theo nhân viên này, trong ngày, người đến cửa hàng chủ yếu bán ra, thay vì mua vào.
Ông Nguyễn Phi Hưng, một người dân ở quận 1, TP HCM cho biết, ông đã bán hơn một nửa số vàng tiết kiệm ngay buổi trưa, khi giá xuống 33,25 triệu đồng. “Cố giữ, nhưng đầu năm đến giờ giá liên tục giảm, tôi cảm thấy bất an. Tạm thời tôi chuyển sang gửi tiết kiệm để an toàn trước khi tìm kênh khác”, ông Hưng nói.
Khác với ông Hưng, chị Vân ở quận 3, vừa mua 5 chỉ vàng tại cửa hàng SJC trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, chia sẻ: “Tháng này gia đình tôi vẫn mua vàng tiết kiệm như bình thường. Sáng nay thấy giá giảm sâu nên tôi tranh thủ gom tiền đi mua. Nếu giá còn xuống nữa tôi sẽ tính đến chuyện rút tiết kiệm để đầu tư vào vàng”.
Chia sẻ với Zing.vn chiều 16/7, anh B., một người dân ở quận 10, TP HCM cho biết, từ 2 năm nay anh không còn quan tâm đến giá vàng. 4 năm trước, vợ chồng anh gom tất cả tiền 2 vợ chồng tiết kiệm được khi làm việc ở nước ngoài mua 400 cây vàng khi giá chạm mức 47 triệu đồng một lượng.
Vì không có mục đích mua vàng để đầu tư, không có kinh nghiệm lướt sóng nên khi giá xuống, vợ chồng anh không kịp xoay. Cũng vì tâm lý ráng giữ chờ giá lên nên tính đến thời điểm này, số tài sản của anh "bốc hơi" gần 5 tỷ đồng.
Tại thị trường Hà Nội, giao dịch tại các điểm mua bán ở "phố vàng" Trần Nhân Tông cũng khá trầm lắng. Trong buổi sáng và trưa 16/7, khách đến cửa hàng không nhiều. Đến chiều, một cửa hàng tại đây thông báo hết vàng để bán.
Ông Bùi Anh Tú, Trưởng phòng Kinh doanh vàng miếng Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý cho biết, chênh lệch cung cầu đang khá lớn, tỷ lệ khoảng 70-30%. Khách hàng mua vào ít, chủ yếu là bán ra.
Lý giải về giá vàng giảm, ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh Công ty SJC cho rằng, thời gian qua, vàng không còn là kênh đầu tư lướt sóng và thiếu vắng những nhà đầu tư, đầu cơ. Nguồn cung trên thị trường cũng chủ yếu mua đi bán lại, không còn nguồn vàng đấu thầu từ Ngân hàng Nhà nước.
Giới đầu cơ đang bán vàng để đổ tiền vào BĐS, do nhận thấy thị trường này đang ấm lên? Ảnh: N. Hữu. |
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, giá vàng giảm sâu là điều dễ hiểu. Bởi suốt một thời gian dài vàng trong nước “bất động”, chỉ có đi ngang và đi xuống. Người dân giữ vàng một thời gian dài thấy không có lợi nên bán ra cắt lỗ.
Ngoài ra, ông Hiển cho rằng, không loại trừ khả năng người dân đang bán vàng để đầu tư vào đất, do thị trường bất động sản (BĐS) phía Nam đang ấm lên. “Điều này là rất nguy hiểm, bởi thị trường BĐS vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và chuyện hồi phục là chưa chắc chắn. Do vậy, theo khuyến cáo của tôi, người dân chưa vội đầu tư vào kênh này”, ông Hiển phân tích.
Cũng theo chuyên gia này, giá vàng sẽ khó tăng từ nay đến cuối năm bởi đồng đôla đang mạnh lên. Chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới vẫn còn cao. Giới đầu tư, đầu cơ gần như đã chán kim loại này, vì không dễ kiếm lời như trước. Kênh giữ tiền an toàn hiện nay, theo khuyến cáo của ông Hiển là tiết kiệm.
“Với người dân có ít tiền, muốn tiết kiệm bằng vàng thì mua thời điểm giá thấp vẫn tốt. Còn những ai muốn thoát khỏi vàng thì trong ngắn hạn có thể chuyển sang gửi tiết kiệm bằng tiền đồng hoặc USD. Theo tôi đây là kênh an toàn nhất. Chứng khoán thì quá rủi ro, còn đổ vàng vào BĐS lúc này là phải cân nhắc”, chuyên gia này nói.