Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vàng đã hết thời 'vàng son'?

Mặc dù giá vàng liên tục giảm mạnh và chạm mức thấp nhất trong 5 năm qua, người dân và nhà đầu tư vẫn "dửng dưng" đứng ngoài thị trường. Liệu có phải vàng đã hết thời "vàng son"?

Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng SJC được giao dịch ở mức 33,98-34,07 triệu đồng/lượng, tăng 10.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, giảm 10.000 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước.

Sau khi giá vàng liên tục rớt giá trong thời gian gần đây, đây được coi như một động thái của doanh nghiệp nhằm kích cầu. Tuy nhiên, dường như điều này vẫn chưa thể thuyết phục được các nhà đầu tư và người dân mua vào.

Bằng chứng là liền 3 phiên liên tiếp sau đó, giá vàng liên tục "lao dốc không phanh". Nếu như hôm thứ Ba, giá vàng SJC còn giao dịch ở mức 33,93-34,02 triệu đồng/lượng thì mở cửa phiên giao dịch hôm thứ Tư, kim loại quý đã chính thức mất mốc 34 triệu đồng và lùi về mức 33,84-33,94 triệu đồng/lượng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cũng trong ngày hôm đó, giá vàng liên tục chịu áp lực bán cắt lỗ trong khi các nhà đầu tư và người dân có vốn "thờ ơ" đứng ngoài thị trường, do lo ngại kim loại quý sẽ tiếp tục giảm.

Một lãnh đạo tại một doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc lớn cho biết, ngoài việc đổ xô đi bán vàng cắt lỗ, nhiều người còn đem vàng cầm cố tại cửa hàng với mức cầm cố có thể lên đến 80-90% giá trị. Vị lãnh đạo này cho rằng, việc người dân đi cầm cố vàng với mức lãi suất rất cao có thể sẽ chịu thiệt, vì doanh nghiệp vàng bao giờ cũng tính toán và có phương án phòng thủ.

Đến chiều ngày thứ Năm, kim loại quý tiếp tục mất đà và để mất mốc 33 triệu đồng/lượng, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010. Chỉ tính riêng trong 3 phiên này, mỗi lượng vàng miếng SJC đã giảm 1,13 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1 triệu đồng/lượng chiều bán ra. So với thời điểm đầu năm, giá vàng SJC giảm 2,08 triệu đồng/lượng, tương đương giảm gần 6%.

Theo một số chuyên gia trong ngành, thời điểm hiện nay, vai trò của vàng đã không còn được như trước. Đồng USD đang mạnh lên khiến cho giá vàng rớt giá.

Trong khi đó, trong nước, tình trạng vàng hóa đã bị đẩy lùi và NHNN đã giảm hiện tượng vàng hóa trong nền kinh tế. Dân chúng không còn găm vàng để kinh doanh nữa mà chỉ giữ với một tỷ trọng nhỏ.

Mở cửa phiên giao dịch hôm thứ 6, mặc dù không còn “lao dốc không phanh” như diễn biến ngày trước đó, nhưng giá vàng SJC dường như vẫn chưa tìm được điểm trụ vững chắc khi tiếp tục giảm giá nhẹ. Chênh lệch giữa giá vàng thế giới và vàng Việt Nam thu hẹp còn 2,64 triệu đồng/lượng. Đến thời điểm đóng cửa phiên, giá vàng SJC bất ngờ đảo chiều tăng ít nhất 370.000 đồng/lượng, quay trở về mốc 33.3 triệu đồng/lượng.

Mặc dù giá vàng đã có dấu hiệu tăng trở lại vào phiên cuối tuần, nhưng hầu hết các chuyên gia trong ngành đều cho rằng, kim loại quý này hiện đã không còn hấp dẫn như trước.

TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, Nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng khiến việc kinh doanh vàng miếng được quản lý chặt chẽ, tâm lý nhà đầu tư cũng không mặn mà với vàng như thời gian trước nữa.

Một lý do khác là do giá vàng trong nước phụ thuộc khá lớn vào giá vàng thế giới. Trong khi đó, trong thời gian gần đây, giá vàng thế giới đã xuống mức thấp nhất trong 8 tháng khi số liệu kinh tế Mỹ khởi sắc, và các tuyên bố từ quan chức Fed ủng hộ một đợt tăng lãi suất trong năm nay.

Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, trong một nền kinh tế phát triển, việc đầu tư vàng sẽ không còn tồn tại khi nhiều kênh đầu tư bất động sản, chứng khoán, tiền gửi ngân hàng phát triển mạnh. Nó chỉ là kênh an toàn nhưng không sinh lời.

Dân chán vàng cũng là điều dễ hiểu

Vàng đang vào chu kỳ giảm giá nên sự thờ ơ của nhà đầu tư với kênh đầu tư này là dễ hiểu.

http://bizlive.vn/vang-tien/vang-da-het-thoi-vang-son-1159949.html

Theo Trần Thúy/Bizlive

Bạn có thể quan tâm