Bức họa Trường Athena (1509-1511) mô tả các triết gia Hy Lạp cổ đại nổi tiếng của họa sĩ Raphael. |
Triết học và khoa học có vẻ là hai lĩnh vực không mấy liên quan đến nhau. Trong khi khoa học là lĩnh vực gắn liền với những điều chắc chắn, những khám phá đã được công nhận, thì triết học đầy suy niệm khiến người ta bối rối, nơi mà bất cứ câu trả lời nào cũng chẳng thể làm vừa lòng tất cả các triết gia.
Tuy vậy, sự khác nhau đó không thể phủ nhận mối liên hệ mật thiết của hai lĩnh vực này. Trên thực tế, những triết gia đầu tiên cũng là các nhà khoa học. Theo nhà sử học người Mỹ Will Durant trong tác phẩm Câu chuyện triết học, “mọi môn khoa học đều bắt đầu với tư cách triết học và kết thúc với tư cách nghệ thuật”.
Nhiệm vụ của triết học là đương đầu với những vấn đề mà các phương pháp khoa học chưa xử lý được - những vấn đề như thiện và ác, đẹp và xấu, quy củ và tự do, sống và chết… - để khi những tri thức đó được định hình một cách bài bản và chính xác, nó sẽ được gọi là khoa học.
Sự khởi đầu của triết học phương Tây
“Triết học bắt đầu khi người ta học được cách nghi ngờ - đặc biệt là nghi ngờ những niềm tin, giáo lý, và chân lý mà người ta trân quý”, một nhà tiên tri ở Delphi đã tuyên bố. Làm thế nào mà những niềm tin được trân quý này trở thành những điều hiển nhiên với chúng ta, và biết đâu một niềm thôi thúc bí mật nào đó đã ngấm ngầm tạo ra chúng, choàng lên cho chúng vỏ bọc của tư duy?
Sau khi cuộc chiến Sparta và Athens kết thúc vào khoảng năm 490-470 TCN, Athens đã biến hạm đội của mình thành một đội thương thuyền và trở thành một trong những thành phố giao thương vĩ đại nhất thế giới cổ đại. Những bến cảng và khu chợ sầm uất trở thành nơi gặp gỡ của nhiều chủng người, tín ngưỡng và phong tục khác nhau, và những sự tiếp xúc lẫn đối địch giữa những yếu tố này dẫn đến sự so sánh, phân tích, tư duy.
Giữa những trung tâm của sự thông giao đa dạng như vậy, sự va chạm giữa các truyền thống và giáo lý bắt đầu, như Will Durant nói: “Ở nơi nào có hàng nghìn đức tin, chúng ta sẽ có xu hướng nghi ngờ tất cả những đức tin ấy”.
William James Durant là một nhà sử học, triết gia và tác giả người Mỹ, đoạt giải Pulitzer cho tác phẩm phi hư cấu năm 1968. Ảnh: quotecollection. |
Có lẽ những thương nhân là những nhà hoài nghi đầu tiên vì họ đi và tiếp xúc nhiều, trong khi khuynh hướng chung của thương nhân khiến họ có chiều hướng đặt nghi vấn đối với mọi tín ngưỡng. Dần dần, họ cũng phát triển khoa học: toán học phát triển để phục vụ việc trao đổi hàng hóa, thiên văn học phát triển trong những chuyến đi biển. Về sau, sự gia tăng của của cải đem đến sự an nhàn và an toàn, tức những điều kiện tiên quyết cho việc nghiên cứu và tư biện. Người ta giờ đây không chỉ dò xét những ngôi sao để biết được đường khi đi biển, mà còn để tìm một câu trả lời cho những câu đố của vũ trụ, vì thế mà những nhà triết học đầu tiên của Hy Lạp là các nhà thiên văn học.
Theo Will Durant, khi con người đã trở nên đủ táo bạo để thử giải thích các quá trình và sự kiện bằng cách xem chúng là hiện tượng tự nhiên, ma thuật và nghi thức dần nhường chỗ cho khoa học, sự kiểm tra và triết học bắt đầu từ đây. Ban đầu, triết học này mang tính vật lý. Nó xem xét thế giới vật chất, đi tìm thành tố cuối cùng không thể chia nhỏ hơn nữa của vạn vật. Kết quả của quá trình ban đầu này là thuyết duy vật của Democritus về các nguyên tử và không gian.
Những triết gia đầu tiên là những người đặt nghi vấn về bất cứ thứ gì, bao gồm cả những điều cấm kị tôn giáo hoặc chính trị. Nhìn chung, triết học bao gồm năm lĩnh vực nghiên cứu chính, bao gồm: logic học, mỹ học, đạo đức học, chính trị học, và siêu hình học. Logic học là môn học bàn về phương pháp lý tưởng trong tư duy và nghiên cứu. Mỹ học là bộ môn nghiên cứu hình thức lý tưởng, hay cái đẹp, là triết học của nghệ thuật. Đạo đức học là bộ môn nghiên cứu hành vi lý tưởng, là tri thức về thiện và ác, tri thức về trí tuệ của cuộc sống. Chính trị học là bộ môn nghiên cứu cách tổ chức xã hội lý tưởng. Và cuối cùng, siêu hình học là bộ môn nghiên cứu “thực tại tối hậu” của vạn vật: của bản chất thực sự và chung đích của “vật chất”, “tâm trí” và mối quan hệ qua lại giữa “tâm trí” và “vật chất” trong các quá trình của tri giác và nhận thức.
Khoa học cho ta tri thức; triết học cho ta trí tuệ
Nhiều người có thể cho rằng triết học không có nhiều tính ứng dụng bởi sự mơ hồ và phức tạp của nó. Cicero - nhà hùng biện nổi tiếng thời La Mã - nói: “Không có thứ gì kỳ quặc như những thứ người ta có thể tìm thấy trong những cuốn sách của các triết gia”.
Việc phân tích thuộc về khoa học, và nó cho chúng ta tri thức; triết học phải mang đến một sự tổng hợp trí tuệ.
Will Durant
Will Durant cho rằng vẫn có những triết gia xa rời tư duy thông thường. Tuy nhiên, triết học vẫn là động lực và nền tảng để con người đạt được trí tuệ? “Khoa học dường như luôn tiến lên, trong khi triết học có vẻ luôn thụt lùi. Ấy thế nhưng nguyên nhân của việc này chỉ là: triết học chấp nhận một nhiệm vụ khó khăn và đầy rủi ro - nhiệm vụ đương đầu với những vấn đề mà các phương pháp khoa học chưa xử lý được; chẳng mấy chốc, với tư cách một lĩnh vực nghiên cứu tạo ra tri thức có khả năng được định hình một cách bài bản và chính xác, nó sẽ được gọi là khoa học”, ông viết.
Khoa học là vùng lãnh thổ đã được khám phá, nơi mà tri thức và nghệ thuật đến gần hơn với cuộc sống của chúng ta. Triết học thì dường như luôn đứng yên trong mơ hồ, nhưng thực chất trái ngọt của nó đã được chuyển đến cho khoa học, trong khi triết học bước tiếp “trong trạng thái bất mãn một cách thần thánh, sang những thứ chưa ngã ngũ và chưa được khám phá”.
Bởi vì bản chất của khoa học là sự mô tả mang tính phân tích, còn triết học là diễn giải mang tính tổng hợp. Khoa học phân tách thế giới này thành các phần, sinh thể thành các bộ phận, cái mù mờ mơ hồ thành cái rõ ràng. Tuy nhiên, khoa học không tìm hiểu về giá trị và các khả thể lý tưởng của vạn vật, cũng không tìm hiểu về tầm quan trọng một cách toàn diện và tối hậu của sự vật, đó là công việc của triết học.
Vai trò của triết học ngày nay
Nếu khoa học cho chúng ta biết cách để hành động, thì triết học có nhiệm vụ đánh giá, điều hướng hành động đó. Chẳng hạn, khoa học có thể làm giảm tỷ lệ tử vong ở quy mô đơn lẻ, nhưng nó cũng có thể gây ra cái chết ở quy mô hàng loạt trong chiến tranh nếu thiếu đi sự suy xét đúng - sai, thiện - ác. Will Durant cho rằng bên cạnh khoa học, chúng ta luôn cần có triết học để biết khi nào nên chữa lành, và khi nào nên loại bỏ.
“Khoa học mà không có triết học, thông tin thực tế mà không có tầm nhìn và sự đánh giá, tất cả đều sẽ không thể cứu vớt chúng ta khỏi sự tàn hoại và tuyệt vọng. Khoa học cho chúng ta tri thức, nhưng chỉ triết học mới có thể cho chúng ta trí tuệ”, ông viết.
Tác phẩm Câu chuyện triết học lần đầu tiên được dịch trọn vẹn sang tiếng Việt năm 2022. Ảnh: N. N. |
Theo tác giả, khoa học giúp quan sát những quy trình và xây dựng phương tiện, trong khi triết học phê phán và điều phối mục tiêu. Vai trò của cả hai không thể tách rời, nhất là trong thời đại tri thức của nhân loại đã trở nên quá mức đồ sộ đối với trí tuệ con người. Ngày nay các phương tiện và công cụ của con người đã nhân lên nhiều lần, vượt quá khả năng diễn giải và tổng hợp các lý tưởng và mục tiêu của chúng ta.
Đó là lý do sau khi Câu chuyện triết học của Will Durant được xuất bản vào năm 1926, doanh số của các tác phẩm triết học kinh điển đã tăng gấp đôi. Và trong nhiều năm sau đó, nhu cầu đọc triết học cũng ngày càng nở rộ và gia tăng nhanh chóng.
Will Durant thẳng thắn nhận định cuốn sách này không phải là một lịch sử triết học hoàn chỉnh. Tác phẩm là một nỗ lực để nhân văn hóa tri thức bằng cách đưa những nhân vật chủ đạo của nền triết học phương Tây vào vị trí trung tâm của câu chuyện. Ông hy vọng sẽ có lúc việc nghiên cứu quá trình nhận thức được công nhận là việc của khoa học tâm lý, và khi đó triết học sẽ một lần nữa được hiểu là sự diễn giải mang tính tổng hợp về tất cả mọi kinh nghiệm, hơn là việc mô tả mang tính phân tích về phương thức và quá trình của chính kinh nghiệm.
“Trong ta luôn có chút gì đó đầy khao khát còn sót lại của cuộc đeo đuổi trí huệ thuở ban đầu ấy. Phần lớn cuộc đời chúng ta là vô nghĩa, một sự phù du và dao động được cấu thành từ những thứ triệt tiêu lẫn nhau; chúng ta nỗ lực với sự hỗn loạn xoay quanh chúng ta và bên trong ta; nhưng chúng ta sẽ tin rằng luôn có một thứ gì đó tối quan trọng và đáng kể bên trong ta, chúng ta chỉ có thể giải mã linh hồn của chính mình”, ông viết.