Chiều 22/8, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức buổi họp mặt đối thoại doanh nghiệp. Ngoài những phản ánh của doanh nghiệp liên quan đến xây dựng, môi trường, kinh doanh giết mổ..., còn có ý kiến liên quan đến trạm thu phí BOT trên quốc lộ 1.
Trạm thu phí ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ảnh: Việt Tường. |
Theo ông Trịnh Minh Châu, Giám đốc Công ty TNHH ST Minh Hưng (TP Sóc Trăng), doanh nghiệp này kinh doanh đường cát, đã gặp khó khăn khi chi phí vận chuyển tăng cao do tốn nhiều tiền qua trạm thu phí. Theo ông Châu, bình quân mỗi kg đường tăng 60 đồng so với lúc chưa có trạm BOT.
"Xe 5,5 tấn của tôi qua trạm Sóc Trăng mất 60.000 đồng, trạm Cần Thơ 75.000 đồng. Chở một chuyến hàng đi về tốn phí đường bộ 270.000 đồng, trong khi xe của công ty không đi qua đường tránh TP Sóc Trăng. Đường cát trong nước đang cạnh tranh giá với Thái Lan mà phải đóng phí BOT thế này làm sao cạnh tranh nổi ", ông Châu nói.
Nhiều doanh nghiệp, tài xế và người có ôtô cá nhân đã "ám ảnh" về phí đường bộ mỗi khi xe lăn bánh. Ảnh: Việt Tường. |
Trước phản ánh của ông Châu, lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng giải thích rằng việc làm đường theo hình thức BOT nhằm xã hội hóa trong điều kiện ngân sách khó khăn. Tới đây, các dự án làm đường theo hình thức BOT tiếp tục phát triển thêm, chứ không dừng lại ở con số trên 80 trên cả nước như hiện nay.
Đối với bức xúc của ông Châu, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng yêu cầu giám đốc doanh nghiệp làm văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải, để nơi đây kiến nghị Bộ xem xét giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.