Những tòa chung cư tại thành phố Vu Hồ, Trung Quốc. Ảnh: Slightly Astray. |
Theo Financial Times, kể từ khi chính sách Zero Covid tại Trung Quốc kết thúc vào cuối năm ngoái, chị Wu Hong, môi giới viên bất động sản, đã làm việc hết công suất để săn đón những khách hàng tiềm năng.
“Tôi dành nhiều thời gian để nói chuyện với khách hàng đến mức cổ họng thường xuyên bị đau rát”, chị Wu chia sẻ. Tuy nhiên, sự cố gắng hết mình trong công việc của chị vẫn chưa được chuyển hóa thành doanh thu.
Ảm đạm bủa vây thị trường
Doanh số bán nhà mới xây tại Vu Hồ, một thành phố ở phía đông Trung Quốc, trong tháng 1 chỉ tăng 10% so với tháng 12 năm ngoái và giảm gần 2/3 so với cùng kỳ năm 2022.
Đà phục hồi chậm chạp của thị trường nhà ở tại Vu Hồ cho thấy những thách thức mà giới chức Trung Quốc cần phải đối diện để vực dậy ngành bất động sản. Đây là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngành bất động sản tại đất nước 1,4 tỷ dân đã bị ảnh hưởng nặng nề trong 2 năm qua do dịch bệnh Covid-19 và sự siết kiểm soát gắt gao từ phía chính phủ.
Thành phố Vu Hồ có dân số khoảng 3,8 triệu người. Ảnh: Alstom. |
Hiện thành phố Vu Hồ còn rất nhiều căn nhà chưa bán được. “Người mua nhà đã quay lại. Tuy nhiên, họ thận trọng hơn trước vì lo sợ giá sẽ tiếp tục giảm", Giám đốc một đơn vị phát triển bất động sản tại Vu Hồ cho biết.
Ngành bất động sản tại Trung Quốc ước tính đóng góp khoảng 30% GDP của quốc gia và đóng vai trò lớn trong ngân sách chính quyền địa phương. Năm ngoái, các tỉnh thành tại Trung Quốc đã thu về 6.700 tỷ nhân dân tệ (khoảng 990 tỷ USD) từ việc bán đất cho các công ty bất động sản.
Tuy nhiên, chính sách “ba lằn ranh đỏ” đã khiến các nhà phát triển bất động sản cạn kiệt nguồn vốn. Điều này khiến một số đơn vị rơi vào tình trạng vỡ nợ và buộc phải đóng băng các dự án. Doanh số và giá nhà cũng vì thế mà lao dốc.
Theo Wind, một đơn vị cung cấp dữ liệu tài chính, doanh số bán nhà mới xây tại 30 thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm 31% trong năm 2022 và tiếp tục giảm trong tháng trước.
Các yếu tố cơ bản của nền kinh tế vẫn quá yếu để có thể tạo ra một sự thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản
Ông Bo Zhuang, chuyên gia kinh tế tại Loomis Sayles
Tại Vu Hồ, một căn hộ 90 m2 có giá trung bình khoảng 900.000 nhân dân tệ (tương đương 133.000 USD) vào tháng trước, giảm 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái.
“Các yếu tố cơ bản của nền kinh tế vẫn quá yếu để có thể tạo ra một sự thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản”, ông Bo Zhuang, chuyên gia kinh tế tại Loomis Sayles, cho biết. Điều này xảy ra kể cả khi Trung Quốc đã mở cửa trở lại và giới chức nước này dần nới lỏng quy định về tín dụng để kích thích tăng trưởng.
Nỗ lực tự cứu lấy mình
Nhiều nhà phát triển địa ốc đã chủ động tìm cách phục hồi doanh số bán hàng. Thay vì dựa theo mức giá sàn do chính phủ áp đặt, dự án Golden Scale House (GSH) đã dành tặng cho khách hàng khoản hỗ trợ cải tạo nhà ở lên tới 230.000 nhân dân tệ (khoảng 33.000 USD) sau khi việc mua bán hoàn tất.
Dù doanh số bán nhà đã tăng trong tháng 1, lãnh đạo của GSH cho biết dự án gần như không có lãi sau khi trừ đi khoản hỗ trợ trên. Nguyên nhân đến từ việc “món quà” dành cho người mua nhà tương đương 20% giá trung bình của một căn hộ 3 phòng ngủ tại dự án.
Việc dân số ngày càng già hóa cũng là nguyên nhân khiến giá nhà giảm. Trong khi đó, người trẻ lại đổ dồn đến các thành phố lớn. Điều đó khiến nhu cầu mua nhà mới tại những thành phố nhỏ như Vu Hồ dần đi xuống.
"Những thanh niên tuổi đôi mươi thà thuê tầng hầm ở Thượng Hải để tìm kiếm cơ hội trong tương lai còn hơn là ở nhà với cha mẹ và làm việc 12 tiếng mỗi ngày tại nhà máy, nơi không có nhiều tiềm năng phát triển", một công chức tại trung tâm giới thiệu việc làm ở quận Cưu Giang, Vu Hồ, cho biết.
Theo một tài liệu nội bộ, chung cư No 1 Park Avenue tại Vu Hồ đã được hoàn thiện từ 7 năm trước. Tuy nhiên, đến nay, 10% số căn hộ tại dự án vẫn không có người ở. Các môi giới bất động sản cho biết nhiều người mua nhà tại đây nhằm mục đích đầu tư với kỳ vọng giá sẽ tăng trong tương lai.
"Giá nhà làm sao có thể tăng khi ngày càng nhiều đơn vị giảm giá bất động sản", một công ty phát triển địa ốc tại Vu Hồ cho biết.
Người mua nhà cũng rất thận trọng. "Chẳng vội gì phải mua nhà khi thị trường vẫn còn yếu", anh Li Hui, một nhân viên văn phòng 30 tuổi, chia sẻ.
"Sẽ phải mất một thời gian nữa để niềm tin của người mua nhà phục hồi. Chúng ta còn lâu mới đến thời điểm đó", lãnh đạo một công ty bất động sản tại Trung Quốc cho biết.
Chính quyền Vu Hồ cũng muốn nhanh chóng phục hồi thị trường bất động sản tại địa phương. Họ đã công bố hàng loạt chính sách ưu đãi kể từ nửa cuối năm 2022, trong đó có gói hỗ trợ giảm giá mua nhà lên tới 10%.
Giới chức địa phương cũng đang tìm cách để thúc đẩy doanh thu bán đất. Tháng trước, phòng tài chính thành phố Vu Hồ đã đặt mục tiêu tăng trưởng 20% cho doanh số bán đất trong năm nay.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.