Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mối duyên lành của Lam Phương - Túy Hồng

Một trong những giai đoạn hạnh phúc nhất đời Lam Phương chính là cuộc sống hôn nhân với Túy Hồng. Đôi vợ chồng có những gì mà người đời mơ ước: Danh vọng, tiền tài, con thơ.

Một sáng Sài Gòn đầu năm 1959, Lam Phương đến tòa soạn báo Vui Sống với vai đeo cây guitar và một túi xách nhỏ chứa đầy thư hâm mộ. Như bao lần quen thuộc mỗi khi có bài hát mới, chàng nhạc sĩ trẻ lại dành cho báo chí buổi phỏng vấn, trả lời những thắc mắc của người ái mộ.

Theo đề nghị của ký giả Ngọc Huyền-Lan, Lam Phương ôm guitar hát bản nhạc mới nhất của mình là Kiếp ve sầu. Đó là bản rhumba rất buồn về thân phận và cuộc đời người nghệ sĩ lấy lời ca tiếng hát mua vui cho đời, như một kiếp ve ngắn ngủi.

Vốn thân quen với Lam Phương và bằng kỹ năng quan sát của nghề báo, Ngọc Huyền-Lan nhanh chóng phát hiện ra túi thư của khán giả hâm mộ. Khai thác chuyện tình cảm của nghệ sĩ là tài nguyên bất tận để câu khách nên cơ hội này khó bỏ qua với một nhà báo chuyên viết về giới văn nghệ như Ngọc Huyền-Lan.

Và bằng giọng văn hơi hướm “lá cải” của báo chí văn nghệ đương thời, Ngọc Huyền-Lan cho thấy mấy chi tiết khá quan trọng: Lam Phương đang yêu! Người yêu của Lam Phương rất ghen! Thư hâm mộ Lam Phương từ khắp nơi gửi về, cứ một tuần lại đầy thêm một túi xách. Lam Phương và người yêu sắp kết hôn. Người sắp trở thành “Lam Phương phu nhân” ấy là nghệ sĩ kịch nghệ Túy Hồng, lừng danh không kém trong giới sân khấu.

Đặc biệt, trong bài báo Lam Phương kể chuyện tình nghệ sĩ của mình đã nhắc đến thông tin quan trọng: “Cha mẹ chúng em đã hoàn toàn tán đồng, chỉ chờ chúng em có tiền là gửi thiệp hồng mời anh uống rượu”.

Lần đầu tiên, thông tin về người cha - cụ ông Lâm Đình Chất được nhắc đến. Chi tiết này cho thấy Lam Phương vẫn có mối quan hệ nồng ấm với thân phụ mình trong thời gian ở Sài Gòn, chứ không phải người cha ấy bỏ đi biệt tăm tích như lời thêu dệt lâu nay trên miệng đời. Năm 1989, cụ Lâm Đình Chất qua đời và được an táng tại Củ Chi.

Tên thật của Túy Hồng là Trương Ánh Tuyết, sinh năm 1940 và chỉ là một nữ sinh bình thường ở tỉnh Bình Dương; gia đình không có truyền thống văn nghệ. Cha mất sớm, Trương Ánh Tuyết sống với anh trai quyền huynh thế phụ.

Sách Lam Phương - Trăm nhớ ngàn thương. Ảnh: Phan Book.
Lam Phuong va Tuy Hong anh 1
Lam Phuong va Tuy Hong anh 1

Sách Lam Phương - Trăm nhớ ngàn thương. Ảnh: Phan Book.

Như một duyên lành với Lam Phương, khoảng năm 1955, công việc kinh doanh xe hơi của anh trai Ánh Tuyết khá lên. Người anh đưa em gái về Sài Gòn cho ăn học. Tình bạn của Lam Phương với anh trai Ánh Tuyết đã giúp cho mối tình của cặp đôi đẹp trong giới sân khấu - ca nhạc được nảy nở và tác thành.

Lam Phương đa tình, lãng tử mới có chút danh tiếng nên bắt gặp ánh mắt trong trẻo, nụ cười hồn hậu của thiếu nữ Bình Dương liền đem lòng cảm mến. Về phần mình, cô nữ sinh nhỏ cũng rung động đầu đời với người thanh niên viết nhạc, nuôi giấc mộng thành nhạc sĩ.

Ngày đầu đến với nhau, quan hệ của Lam Phương - Túy Hồng thuần túy tình thầy trò. Lam Phương dạy nhạc, dạy hát còn Túy Hồng muốn theo con đường nghệ thuật, bất kể sự cấm cản của người anh trai chỉ mong em gái mình theo hướng kinh doanh.

Những năm đầu thập niên 1950, sân khấu kịch khá phát triển ở cả hai miền Nam - Bắc. Tại Sài Gòn, kịch dễ có đất diễn hơn khi đầu thế kỷ XX, loại hình “cải cách ca ra bộ” đã phát triển thành “tuồng tích sánh văn minh”.

Tức là những bản ca tài tử đã được sân khấu hóa bằng kịch bản cải lương làm say đắm giới mộ điệu. Thoại kịch cũng theo đó dần trở nên quen thuộc với khán giả với sự xuất hiện của ban kịch đầu tiên của người Việt ở Sài Gòn là Ban kịch Dân Nam của ông bầu Anh Lân.

Ngày đầu mới thành lập, Ban kịch Dân Nam chỉ có ba diễn viên là Tuyết Vân và hai mẹ con Túy Hoa, Túy Phượng. Có thể đó là lý do khi gia nhập đoàn kịch sau khi trúng tuyển cuộc thi tuyển chọn diễn viên, Trương Ánh Tuyết lấy nghệ danh là Túy Hồng, nghĩa là cơn say màu hồng!

Những ngày đầu lên sân khấu Dân Nam, Túy Hồng vẫn chưa tạo được cơn say nào. Tình cảnh này hệt như Lam Phương thời mới viết ca khúc Chiều thu ấy. Cô nghệ sĩ trẻ loanh quanh với các vai phụ trong các vở đoản kịch. Cho tới khi ông bầu Anh Lân mời Kim Cương, là một nữ nghệ sĩ cải lương về đầu quân cho ban kịch và trình diễn vở Áo người trinh nữ.

Trong vở này, Túy Hồng đóng vai phụ, Kim Cương vai chính. Vở diễn đã lấy hết nước mắt người xem.

Một trong những giai đoạn hạnh phúc nhất đời Lam Phương chính là cuộc sống hôn nhân với Túy Hồng. Đôi vợ chồng mới cưới có tất cả những gì mà người đời mơ ước: Danh vọng, tiền tài, sự nổi tiếng và cả cuộc sống yên bình bên con thơ...

Quan trọng hơn tất thảy, đám cưới năm 1959 của đôi nghệ sĩ Lam Phương - Túy Hồng có sự hiện diện của cụ ông Lâm Đình Chất và cụ bà Trần Thị Nho - song thân của nhạc sĩ Lam Phương. Gia đình nhỏ trở thành một dịp để hạnh ngộ một gia đình lớn nhiều tháng năm ly tán trôi nổi.

Trong nhạc phẩm Ngày hạnh phúc, Lam Phương viết:

"Trời hôm nay thanh thanh

Gió đưa cành mơn man tà áo

Làn mây xanh vây quanh

ánh vừng hồng chiếu xuống niềm tin

Đàn chim non tung tăng

như đón chào ngày vui thế gian

Chúc ai vừa tìm được bến mơ

Mừng cho đôi uyên ương

sớm sum vầy vui trong hạnh phúc

Và đôi tay thân yêu

sẽ là nguồn sống của đời ta

Nhiều khi mong trăng lên

chung chén trà kể chuyện thuở xưa

Bên bếp hồng đùa vui trẻ thơ

Từ khi sánh vai nên đôi bạn hiền

Đêm về nghe con khóc vui triền miên

Lời ru trong đêm vắng với tình thương chứa chan

Còn mong ước gì vì ta vẫn bên nhau

Ngày em lo nương khoai

dưới mưa dầm anh lo cầy cấy

Dù cho bao gian lao

nhưng tình nghèo góp sức mà vui

Cầu mong cho mai sau

gió đưa thuyền mình về đến nơi,

phút bạc đầu, đẹp lòng lứa đôi".

Trong mái ấm “đẹp lòng lứa đôi” ấy, Lam Phương - Túy Hồng đã sinh hai người con gái: Lâm Ánh Hằng và Lâm Ánh Loan. Một gia đình sung túc và tài danh mà nhiều người ngưỡng vọng.

Nguyễn Thanh Nhã / Phan Book và NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY