Lệnh cấm nhảy đầm được ban ra tạo phản ứng mạnh trong xã hội bấy giờ. [...]
Tuy nhiên, việc cấm đoán bằng mệnh lệnh mang tính hành chính với nhảy đầm chính là cơ hội lớn cho các phòng trà phát triển mạnh hơn.
Đi phòng trà nghe nhạc nhanh chóng trở thành thú vui nhẹ nhàng và về sau thành nét văn hóa riêng biệt của người Sài Gòn. Chưa có bao giờ phòng trà Sài Gòn trải qua thời kỳ hoàng kim như từ năm 1960 đến 1975.
Bên cạnh những ông chủ giàu có mở rạp hát, phòng trà, các nghệ sĩ, ca sĩ cũng tự mở các phòng trà phục vụ khách. Hàng loạt vũ trường chuyển công năng thành phòng trà và nhanh chóng trở thành đặc sản ca nhạc Sài Gòn như Tự Do, Baccara, Đêm Mầu Hồng, Queen Bee, Maxim’s, Ritz... Thời gian này, thu nhập phòng trà và nghệ sĩ lên cao có khi hàng cây vàng cho mỗi tháng biểu diễn.
Có thể kể đến các phòng trà tiêu biểu như Văn Cảnh đường Calmette, Đức Quỳnh đường Cao Thắng, Anh Vũ đường Bùi Viện... Nhạc Lam Phương đã có thêm nhiều phòng trà biểu diễn mỗi đêm.
Trong đó đáng kể nhất là Đêm Mầu Hồng với các thành viên chủ chốt là Phạm Đình Chương, Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Trung...
Sách Lam Phương - Trăm nhớ ngàn thương. Ảnh: Phanbook. |
Ca sĩ Elvis Phương kể lại thời điểm đi hát ở phòng trà Đêm Mầu Hồng khi chưa gia nhập nhóm Phượng Hoàng, lúc một tô phở đắt giá Sài Gòn chỉ có giá 5 đồng, còn may một bộ quần áo tốn kém bạc trăm, bạc nghìn. Có khi chỉ sau một đêm đi hát, Elvis Phương rủ cả mười người bạn vào các tiệm may nổi tiếng đo may luôn mười bộ quần áo thời trang cho cả nhóm!
Phòng trà khắp Sài Gòn sáng đèn mỗi đêm và hàng loạt sáng tác của Lam Phương được biểu diễn đã đem lại cho người nghệ sĩ khoản thu nhập rất cao. Lúc này, ngoài việc mua được một ngôi nhà cho má và các em, Lam Phương còn mua được xe Vespa để di chuyển loanh quanh thành phố. Đặc biệt hơn, Lam Phương còn sắm một chiếc xe hơi sang trọng hiệu Peugeot rồi tự lái chở vợ là Túy Hồng đi diễn từng đêm.
Lúc này, những năm đầu thập niên 1960, âm nhạc của Lam Phương chưa có nhiều đổi thay về phong cách trong giai điệu và ca từ. Ông bền bỉ với dòng nhạc quê hương, nhạc tình mang âm hưởng dân ca miền Nam trên nền tiết tấu bolero, rhumba đang rất thịnh hành. Tiêu biểu nhất có thể kể đến là bài hát Tiễn người đi mang âm hưởng ngũ cung hay Ngày hạnh phúc...
Đặc trưng của thể loại âm nhạc bolero là luôn chuyển tải một câu chuyện với chất tự sự giản dị để người nghe có thể tiếp nhận một cách nhanh chóng. Lam Phương đã không đánh rơi nhịp nào trên con đường âm nhạc của mình. Ông viết đều đặn và gần như không gián đoạn.
Ở một bối cảnh và không gian khác phòng trà, âm nhạc tự sự giản dị đó của Lam Phương len lỏi khắp nơi trong đời sống phố thị. Nếu ví von âm nhạc là mặt gương phản chiếu xã hội thì cùng với rất nhiều nhạc sĩ khác, Lam Phương đã hòa vào dòng chảy tâm tư thị dân trong thời chiến, những thao thức ân tình và sự hợp tan trong buổi loạn ly.