Cơ quan chức năng không đưa ra tiêu chí để đánh giá biển số đẹp hay xấu. Ảnh minh họa: Anh Xuân. |
Quyền hạn của người trúng đấu giá biển số và loại biển số đấu giá là nội dung nhận được nhiều góp ý trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 11/10. Phiên họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An Ninh Lê Tấn Tới nhận định việc xác định giá khởi điểm của biển số ôtô là rất khó, trên cơ sở đó, cơ quan này đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng.
Đồng thời, cơ quan thẩm tra cũng đề xuất cần có mức tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá, nếu không trúng thì được trả lại tiền đặt trước.
"Nếu được nhiều quyền, biển số có thể có giá đến hàng tỷ đồng"
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhìn nhận nếu việc đấu giá biển số xe được thực thi sẽ giúp tăng đáng kể thu ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, người dân có quyền tiếp cận biển số mong muốn một cách minh bạch.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường góp ý dự thảo. Ảnh: Phạm Thắng. |
Tuy nhiên, ông không đồng tình với việc chỉ giới hạn thí điểm với biển nền trắng, chữ đen và đề xuất mở rộng ra cả với biển nền vàng (ôtô) và biển mô tô.
“Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải, người có xe mô tô hạng sang sẵn sàng chi số tiền lớn để đấu giá biển số mà họ cho là đẹp, chúng ta nên cho thí điểm luôn để tăng thu ngân sách”, ông Cường nêu quan điểm.
Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội, quyền của người trúng đấu giá biển số ôtô cần được nghiên cứu mở rộng, như liên quan đến thừa kế, cho tặng, được gắn vào xe mới (khi xe cũ hỏng), vì nếu được như vậy thì người tham gia đấu giá mới sẵn sàng trả mức giá cao.
“Giới hạn quyền thì họ nghĩ đấu giá xong rồi sau này không được sử dụng gì nhiều, nên chỉ trả mức giá nhất định. Quyền nhiều thì giá trúng thậm chí lên tới tiền tỷ mỗi biển số, còn hạn chế quyền thì có khi chỉ được 200-400 triệu thôi", ông Cường phân tích và đề xuất cân nhắc thí điểm nội dung này.
Mục tiêu cao nhất không phải thu nhiều tiền
Trong khi đó, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng đây là vấn đề mới, thí điểm, chưa hình dung được những hệ quả pháp lý nên cần thận trọng, đặc biệt là về quyền của người trúng đấu giá và người nhận chuyển nhượng.
Cũng theo ông Tùng, biển số xe không chỉ là tài sản thông thường mà còn là công cụ phục vụ quản lý Nhà nước, do vậy mục tiêu cao nhất không phải thu được nhiều tiền thông qua đấu giá, mà cần có sự hạn chế phù hợp để phục vụ quản lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm nội dung người dân có thể đấu giá biển số của tất cả địa phương trên cả nước.
“Hiện nay mỗi tỉnh, thành phố có kho số với đầu số riêng, cá nhân, tổ chức thường trú ở đâu cấp biển ở địa phương đó, ví dụ ở Hà Nội không thể xin cấp ở Hưng Yên được. Vậy tại sao đề án lại áp dụng phương thức khác với cách quản lý truyền thống hiện nay? Việc này có ảnh hưởng tới việc quản lý hay không?”, ông Tùng đặt vấn đề.
Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng. |
Giải trình vấn đề này, thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết tất cả biển số ôtô sẽ được đưa ra đấu giá. Ông lấy ví dụ trong quý IV, Hà Nội sẽ cấp 10.000 số của một đầu số nhất định, khi đó toàn bộ dãy này sẽ được công khai lên phương tiện thông tin đại chúng.
Trong một tháng, các số không được người dân đăng ký đấu giá sẽ được đưa về kho bấm ngẫu nhiên.
Về mức giá khởi điểm, Thứ trưởng Bộ Công an nêu thực tế hiện nay, không có cơ quan nào có thể xác định và thẩm định giá cho biển số xe. Do vậy, cơ quan này quyết định lấy mức giá khởi điểm trên cơ sở lệ phí đăng ký xe và bằng khoảng 5% mức giá ôtô thông thường hiện nay.
“Chúng tôi cũng sẽ cân nhắc về đề xuất chỉ có một mức giá khởi điểm thay vì 2 mức giá là 40 triệu cho Hà Nội và TP.HCM và 20 triệu cho các địa phương còn lại”, ông Long nói.
Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp ý cơ quan soạn thảo nên xem xét quy định một mức giá khởi điểm. “Việc đấu giá nhằm khai thác kho số và đáp ứng một phần nguyện vọng chính đáng của người dân, chứ không phải mục tiêu duy nhất là thu tiền. Do đó Chính phủ nên nghiên cứu một mức giá khởi điểm phù hợp, không cao quá để tạo sự hấp dẫn", theo lời ông Huệ.
Trước đề xuất mở rộng thí điểm với cả biển số nền vàng, biển số xe mô tô, Chủ tịch Quốc hội cho rằng thí điểm chỉ nên chọn một số việc, không thể bao quát được tất cả. Do đó, việc lựa chọn biển trắng chữ đen với ôtô để đấu giá là phù hợp.