Cụ thể, các tuyến đường như Trần Hưng Đạo (quận 1), Trần Phú (quận 5), An Dương Vương (quận 5), Bà Hom (quận 6)… đã phủ kín các bảng hiệu mang tên bánh trung thu Đồng Khánh, Kinh Đô, Như Lan, Bibica…
Nhìn chung năm nay thị trường xuất hiện thêm dòng bánh mới, ít đường, ít ngọt, tuy nhiên mẫu mã không thay đổi. Dòng bánh một trứng muối và hai trứng muối vẫn chiếm tỉ lệ cao, có giá từ 45.000 đến 150.000 đồng/chiếc.
Còn một tháng rưỡi đến Tết trung thu nhưng trên đường An Dương Vương (quận 5) nhộn nhịp các gian hàng bán bánh trung thu.
|
Chị Lê Thị Liên - chủ sạp bánh trên đường An Dương Vương (quận 5), cho biết còn một tháng rưỡi nữa đến Tết Trung thu nên thời điểm này dựng gian hàng kinh doanh thích hợp nhất, vì rất nhiều người bắt đầu có nhu cầu mua bánh. “Mục đích mua bánh trung thu thời điểm này chủ yếu tặng sếp, đồng nghiệp, đối tác, bạn bè… Giờ kinh doanh bánh là lời nhất” - chị Liên nói.
Trong khi đó, một chủ sạp bánh trên đường 3 Tháng 2 (quận 10) chia sẻ, so với năm trước, hiện nay lượng sạp hàng giảm đi một nửa. Nhưng anh và nhiều người kinh doanh khác vẫn lo lắng vì sợ bán ế. Vị chủ bánh bày tỏ: “Năm ngoái, cách Tết Trung thu một tháng, sức mua giảm rõ rệt, mỗi ngày chỉ bán được 15-20 chiếc. Trong khi đó, chỉ tiêu đặt ra mỗi sạp hàng phải hàng ngàn chiếc, để tránh ôm hàng phải hạ giá, mua 1 tặng 4”.
Ông Phạm Minh Nghĩa - chuyên gia kinh doanh, cho biết chính các nhà sản xuất bánh trung thu tự "giết chết" mình bằng cách không chịu thay đổi mẫu mã bánh, chiêu thức marketing. Thị trường TP HCM là một thị trường sôi động, ưa cái mới, thích sản phẩm độc lạ. Vì vậy, người mua chẳng mấy mặn mà ra các hè phố mua bánh để ăn. Nếu là cá nhân sẽ lựa chọn những điểm làm bánh thủ công, handmade để mua. Còn những công ty mua số lượng nhiều, họ sẽ đến tận nơi sản xuất đặt được giá rẻ, giao tận nơi.
Ông Nghĩa chia sẻ: “Tôi thực hiện cuộc khảo sát nhỏ trên mạng nhận thấy hiện nay có dòng bánh mẫu hình các nhân vật trong game hoặc hoạt hình như Pokemon Go, Minions, chắc chắn năm nay sẽ bán chạy”.