Thậm chí, có người còn lãi gần 200 triệu đồng qua một mùa Trung thu chỉ kéo dài trong thời gian hơn 1 tháng.
Chị Lê Ngọc Yến ở phố Thiền Quang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tâm sự, vốn là dân công sở nên phần lớn giờ hành chính chị ở cơ quan. Rảnh vào buổi tối, các ngày thứ 7 và chủ nhật nên mấy năm gần đây, chị bắt đầu tập tành làm bánh trái, trong đó có bánh trung thu, để thỏa mãn niềm đam mê của mình.
Chị Yến cho hay, ban đầu, chị thường làm các loại bánh trung thu theo kiểu truyền thống. Những chiếc bánh “đạt chuẩn” cả về hình thức lẫn chất lượng nên khi được bạn bè ủng hộ, chị bắt đầu làm bán.
Nhân bánh Trung thu đều làm từ những nguyên liệu chuẩn, được đặt riêng. |
Hai năm gần đây, chị tự mày mò làm thêm các loại bánh trung thu hình các con thú dễ thương, bánh có màu sắc hiện đại, sáng tạo với các loại hoa sen, hoa cúc,... Nhân bánh cũng rất đa dạng, từ thập cẩm đến khoai môn, trà xanh, sầu riêng, mè đen,... Giá bánh dao động từ 280.000-420.000 đồng/bộ tùy chất lượng cũng như mẫu mã.
Đơn cử, bộ bánh vỏ tinh than tre Nhật Bản, gấc, trà xanh, hoa đậu biếc (không dùng màu thực phẩm) có giá 280.000 đồng/bộ 4 bánh không trứng, có trứng 300.000 đồng; bộ bánh nướng tạo hình hoa vỏ tinh than tre Nhật Bản, gấc, trà xanh, hoa đậu biếc,... giá 400.000 đồng/bộ 4 bánh không trứng, có trứng 420.000 đồng,... Khách có thể chọn nhân theo ý thích, nhưng không được chọn màu và kiểu hoa. Hay, bánh hình lợn 6 con bao gồm 2 bố mẹ và 4 con nhỏ xinh giá 220.000 đồng/bộ.
Bánh Trung thu handmade còn hút khách nhờ độc lạ từ màu sắc đến kiểu dáng |
Theo chị Yến, những người thích mua bánh của chị chủ yếu vì tin tưởng vào chất lượng. Bởi, nguyên liệu làm bánh hầu hết do chính tay chị làm, một số loại thì đặt làm riêng chứ tuyệt đối không mua tại chợ. Chị không sử dụng màu thực phẩm mà dùng màu tự nhiên như trà xanh, gấc, hoa đậu biếc,...
“Nhờ các loại bánh mới lạ mà mùa Trung thu năm ngoái, tôi được khách khen bánh vừa đẹp vừa ngon, đặt mua rất nhiều”, chị Yến nói. Chỉ một mùa bánh Trung thu (bán từ Rằm tháng 7 đến tháng 13/8 âm lịch - sát Tết Trung thu), chị thu lãi trên 30 triệu đồng.
Song, chị Yến cho rằng, để thu lãi được chừng đó, chị đã phải làm việc khá vất vả vào tất cả các buổi tối, cuối tuần cũng không được nghỉ ngơi. Lúc cao điểm, chị phải thuê thêm sinh viên đến làm dưới sự giám sát chặt chẽ.
“Thời điểm sát rằm Trung thu, đơn hàng đặt bánh của khách nhiều, có hôm tôi phải thức trắng đêm làm mới kịp, nhưng vì đam mê nên quên hết mệt mỏi. Đặc biệt, Trung thu năm nay, tôi còn mở thêm các lớp dạy làm bánh cho các chị em công sở có cùng sở thích”, chị Yến chia sẻ.
Cũng có đam mê làm bánh nên 5 năm nay, chị Đặng Thị Vân ở Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội) - nhân viên văn phòng một công ty nước ngoài trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) - cứ vào dịp Trung thu lại bắt tay làm bánh kiếm thêm đồng ra đồng vào.
Ngoài ra còn có hình thú ngộ nghĩnh |
Chị kể, được học làm bánh Trung thu từ một người bạn với các kiểu bánh truyền thống, sau đó chị học thêm các loại bánh hình thú, bánh hoa cúc, hoa sen, bánh cá,... với màu sắc hiện đại xanh, đỏ, tím, vàng (màu tự nhiên từ gấc, lá nếp, cẩm tím) nên được khách hàng khá thích thú.
Năm đầu tiên, chị chỉ bán được khoảng 600 chiếc, sau đó mỗi năm tăng thêm 200-300 chiếc nữa. Đến Trung thu năm 2015, lượng bánh chị bán ra không thống kê nổi vì khách đặt quá nhiều.
Thường thì, chị tranh thủ các buổi tối rảnh để làm bánh, cuối tuần thì làm từ sáng đến tối. Ngoài ra, chị phải thuê thêm 10 sinh viên nữa để cùng làm mới kịp giao bánh cho khách.
“Dù không tăng giá, luôn giữ ở mức 70.000-100.000 đồng/chiếc tùy loại, nhưng kết thúc mùa bánh năm ngoái (vỏn vẹn trong khoảng 1 tháng rưỡi), tôi thu gần 200 triệu đồng”, chị Vân khoe.
Chị Vân cho hay, Trung thu năm nay chị quyết định khởi động mùa làm bánh sớm hơn để mọi người đặt ăn, mang biếu tặng. Chiều khách, chị còn đặt làm vỏ hộp theo mẫu riêng, do mình tự thiết kế, để khách hài lòng khi mang bánh biếu tặng bạn bè, người thân.