Khi còn học phổ thông năm 2010, Eliza Walter được học về khai thác điện tử (e-mining) - quy trình lấy kim loại quý từ rác điện tử. Trong lần đến thăm một xưởng đúc trang sức ở Melton Mowbray (Anh), Walter biết rằng bên cạnh mỏ vàng, con người cũng có thể khai thác kim loại này từ đồ công nghệ bị vứt trong bãi rác.
Sau bài học về e-mining tại trường phổ thông, Walter tích cực tìm hiểu về rác thải điện tử, tốt nghiệp Học viện Trang sức Anh tại London. Năm 2017, cô thành lập cửa hàng trang sức Lylie. Điều đặc biệt là sản phẩm của thương hiệu này được chế tác bằng vàng lấy từ linh kiện điện tử và miếng trám răng.
"Nguồn tài nguyên tuyệt vời"
Theo New York Times, nhiều thương hiệu trang sức đang chuyển sang e-mining, sử dụng vàng lấy từ linh kiện điện thoại, laptop, máy chơi game và card đồ họa để chế tác sản phẩm.
So với vàng khai thác tại mỏ, kim loại lấy từ rác điện tử có độ dẫn điện tốt, chống ăn mòn hiệu quả hơn. E-mining cũng giảm nhu cầu khai thác mỏ, có thể ảnh hưởng đến môi trường.
Năm 2020, thương hiệu trang sức lớn nhất thế giới Pandora đặt mục tiêu đến 2025, tất cả sản phẩm của công ty sẽ làm từ vàng và bạc tái chế, một phần được lấy từ rác điện tử. Theo thống kê của Pandora, khoảng 40% rác thải điện tử tại châu Âu được tái chế, trong khi con số trên ở châu Á chỉ là 10%.
Trang sức của thương hiệu Lylie do Walter sáng lập được làm bằng vàng lấy từ rác điện tử. Ảnh: Moeez Ali, Chloe Winstanley. |
"Rác thải điện tử là nguồn tài nguyên tuyệt vời, và đang có sẵn để sử dụng", Kim Parker, biên tập viên trang sức tại Harper's Bazaar UK và Telegraph Luxury cho biết. Từ nhu cầu của nhóm nhỏ người dùng, việc khai thác kim loại từ rác điện tử để chế tác trang sức trở thành xu hướng mới. Dù vậy, công nghệ và nguồn lực để thu thập vật liệu còn đang giới hạn.
Royal Mint, công ty Anh sản xuất đồng xu cho hàng chục quốc gia đang nỗ lực giải quyết vấn đề trên. Cuối năm 2021, doanh nghiệp này tuyên bố hợp tác với startup Excir của Canada để lấy kim loại từ rác thải công nghệ.
Cả 2 đang xây dựng nhà máy trị giá hàng triệu USD tại South Wales, dự kiến khi hoạt động vào năm 2023 sẽ xử lý 90 tấn rác thải điện tử mỗi tuần. Một phần kim loại thu thập tại nhà máy được dùng để chế tác trang sức cho bộ sưu tập mới của Royal Mint.
Xu hướng mới của tương lai
Các thợ kim hoàn cũng tận dụng vàng từ rác điện tử để chế tác trang sức, tuy nhiên vẫn cần thêm công nghệ và nhân lực để tăng hiệu quả. Ví dụ tại xưởng chế tác của Walter, cần lượng vàng thu từ 17,5 chiếc điện thoại để tạo ra một chiếc nhẫn cưới.
Walter cho biết cô từng gặp một vị khách quen bạn gái thông qua ứng dụng hẹn hò, muốn dùng vàng lấy từ chính chiếc điện thoại ấy để làm nhẫn cưới. Dù không thể đáp ứng yêu cầu, Walter hy vọng những tiến bộ trong kỹ thuật e-mining sẽ sớm biến điều đó thành sự thật.
Tại cửa hàng của Walter, mọi người có thể đóng góp trang sức bị hỏng hoặc không còn dùng để tái chế. Cửa hàng có kế hoạch tiếp nhận điện thoại cũ để lấy vàng từ năm 2023.
Trang sức của thương hiệu Courbet (Pháp) sử dụng vàng lấy từ rác điện tử, còn kim cương được chế tạo trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Courbet. |
NoWa, thương hiệu trang sức được thành lập tại Hà Lan vào năm 2019 cũng thu thập vàng từ linh kiện điện thoại để chế tác sản phẩm. Nhà sáng lập Josette de Vroeg đưa ra ý tưởng sau khi tham gia marketing cho Closing the Loop, một tổ chức thu gom rác điện tử tại châu Phi. NoWa là viết tắt của No Waste (không có rác thải).
"Tôi nghĩ phải tạo ra thứ gì đó thật thú vị từ nguồn vật liệu lấy từ điện thoại di động", de Vroeg cho biết. Đó là lý do cô muốn làm đồ trang sức bằng vật liệu lấy từ điện thoại, dù bản thân không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Mất khoảng 2 năm và hơn 15.000 USD vốn huy động trên Kickstarter, de Vroeg mới tìm được nhà máy tái chế rác điện tử. NoWa chủ yếu kinh doanh trang sức bằng bạc và vàng, với giá 50-795 USD. Tất cả được sản xuất tại Hà Lan, thị trường chính của công ty.
Ngay cả kinh đô thời trang Paris (Pháp), e-mining đã xuất hiện từ năm 2018 khi thương hiệu trang sức Courbet được thành lập bởi Manuel Mallen và Marie-Ann Wachtmeister, cùng một phần vốn đầu tư của Chanel.
Lấy vàng từ rác điện tử được xem là xu hướng trong tương lai, khi vấn đề môi trường ngày càng được quan tâm. Ảnh: Alamo City Scrapping/YouTube. |
Chia sẻ với New York Times, Mallen đã lên ý tưởng về thương hiệu trang sức sinh thái đầu tiên của Pháp. Giữa vàng và kim cương, ông quyết định chọn tái chế vàng, còn kim cương được "nuôi" trong phòng thí nghiệm. Courbet đã hợp tác với công ty quản lý rác thải Agosi của Đức để cung cấp kim loại thu từ rác điện tử.
Giá bán trang sức của Courbet từ 250 USD đến hơn 20.000 USD. Theo Mallen, phần lớn doanh số công ty đến từ nhẫn đính hôn và nhẫn cưới, khách hàng chủ yếu ở độ tuổi 25-35, những người lớn lên trong bối cảnh vấn đề môi trường được cả thế giới quan tâm.
"Họ không muốn kỷ niệm sự kiện quan trọng nhất cuộc đời bằng các loại vàng hay kim cương gây hại cho Trái Đất", Mallen chia sẻ.