Trước thềm sự kiện ra mắt Galaxy S22, Samsung tiết lộ hãng sẽ kết hợp chất thải nhựa ngoài đại dương trong toàn bộ dòng sản phẩm của mình “từ bây giờ và cả sau này”. Sản phẩm đi đầu chính là mẫu máy ra mắt trong sự kiện Unpacked vào ngày 9/2, theo Gizmodo.
“Những thiết bị này sẽ thể hiện nỗ lực không ngừng của chúng tôi trước việc loại bỏ nhựa dùng một lần và chuyển sang dùng các vật liệu bền vững với môi trường, như tái chế từ rác thải tiêu thụ và giấy”, Samsung cho biết.
Hãng cam kết góp phần giải quyết các vấn đề ô nhiễm biển, cải thiện môi trường và “đời sống của người dùng Galaxy”.
Tuy nhiên, Samsung không tiết lộ về tỷ lệ phần trăm vật liệu mới sử dụng trong Galaxy S22. Mặt khác, các tin đồn cho thấy phần lớn thiết bị sử dụng kim loại và kính.
Sự kiện Unpacked giới thiệu thế hệ mới nhất của dòng flagship của Samsung sẽ diễn ra vào 9/2. Ảnh: PhoneArena. |
Nhiều người cho rằng rác thải biển thường là chai nhựa và bao nilon, nhưng theo Samsung, hạt vi nhựa và lưới đánh cá bỏ đi mới là mối lo của các nhà sinh vật học.
“Lưới ma” - lưới đánh cá cũ thải ra đại dương - không chỉ bắt cá mà chúng có thể vướng vào các sinh vật biển, phá hủy rạn san hô, ảnh hưởng đến hệ sinh thái nơi đây, hãng công nghệ nhận định.
Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), “ngư cụ ma” như lưới, dây và lưỡi câu, dây thừng từ hoạt động đánh bắt và tàu thuyền chiếm ít nhất 10% lượng rác thải nhựa đại dương, tức là khoảng 500.000-1.000.000 tấn ngư cụ bị bỏ lại biển mỗi năm.
Trong báo cáo năm 2021, Samsung cũng đề cập đến việc giảm 20% lượng nhựa bằng cách thay đổi vật liệu đóng gói, thêm các tính năng tiết kiệm năng lượng trong sản phẩm, thu thập 5 triệu tấn rác thải công nghệ và tái chế 95% lượng rác thải trong quá trình vận hành.
Các công ty con của Samsung tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc sử dụng hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo. Công ty này cũng được cấp các chứng nhận về môi trường như đạt chuẩn dấu chân carbon của Tổ chức Tín thác Carbon, Vương quốc Anh.
Samsung cũng không phải là tập đoàn tiên phong trong việc sử dụng vật liệu bền vững. Theo Engadget, Microsoft từng cho ra mắt Ocean Plastic Mouse với vỏ được làm từ 20% nhựa tái chế từ rác thải đại dương. Phần bao bì cũng được làm từ gỗ và sợi mía để tăng tính bảo vệ môi trường.