Sân bay Điện Biên sẽ được mở rộng nhà ga để có công suất 500.000 hành khách/năm. Các đường băng, đường lăn được mở rộng để khai thác máy bay Airbus A320, A321 thay vì chỉ đón máy bay cánh quạt ATR-72 như hiện tại. Các công trình hạ tầng kỹ thuật cũng sẽ được xây dựng đồng bộ.
Tổng mức đầu tư dự án là 1.547 tỷ đồng, trong đó 100% là vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Dự án sẽ được thực hiện trong 34 tháng kể từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư. Thời hạn hoạt động là 50 năm.
Sân bay Điện Biên. Ảnh: ACV. |
Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư, quản lý và phối hợp quản lý hoạt động đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Điện Biên phải bố trí đủ vốn, bảo đảm đủ điều kiện giải phóng mặt bằng dự án để đáp ứng tiến độ triển khai các hạng mục; bảo đảm hiệu quả việc sử dụng đất sau khi thực hiện giải phóng mặt bằng, tránh việc lãng phí tài nguyên.
Bộ GTVT có trách nhiệm phối hợp và hướng dẫn ACV trong việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, bảo đảm phương thức bay an toàn, phát huy tối đa vai trò, hiệu quả đầu tư dự án.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đối với dự án trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư và quản lý khai thác, sử dụng sân bay Điện Biên theo quy định của pháp luật.
Sân bay Điện Biên có hạn chế bấy lâu nay là chỉ đón được máy bay cánh quạt cỡ nhỏ, không thể tiếp nhận máy bay phản lực như A320, A321 trở lên. Sau khi mở rộng, cảng hàng không này được hứa hẹn sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời bảo đảm an ninh, quốc phòng của địa phương và cả vùng Tây Bắc.