Trẻ em đến mượn sách tại không gian đọc Yên. Ảnh: Không gian đọc Yên |
Không chỉ xuất hiện tại các thành phố lớn, mô hình thư viện 0 đồng còn được tổ chức tại các thị trấn, phường xã ở nhiều tỉnh thành trên phạm vi cả nước. Xuất phát từ lòng yêu sách và nhu cầu thực tiễn, những người quản lý nơi đây luôn duy trì và làm mới thư viện. Các hoạt động bên lề tại đây cũng dần thu hút sự chú ý của người dân, đặc biệt là các bạn trẻ.
Chàng trai lập thư viện cộng đồng cho người dân tại quê nhà
Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Nga Sơn (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa), hơn ai hết, Phạm Văn Trường hiểu được các em nhỏ nơi đây thiếu thốn sách như nào. Thư viện của huyện cách xa nên học sinh và phụ huynh khó có thể tiếp cận.
Khi trưởng thành, Trường có 10 năm bôn ba tại các thành phố lớn nhỏ. Khi đặt chân đến Sài Gòn, Trường mới có cơ hội được tiếp xúc với sách nhiều hơn và hiểu được tầm quan trọng của sách. Trong lòng chàng trai trẻ bấy giờ mới nảy lên ý tưởng tại sao không làm một thư viện cộng đồng ở quê.
Phạm Văn Trường (giữa) và các thành viên tạo nên Không gian đọc Yên. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Tình yêu mãnh liệt với nơi chôn rau cắt rốn khiến Trường nhanh chóng trở về Nga Sơn và kêu gọi mọi người thành lập dự án mang tên Không gian đọc Yên. Đây là một thư viện cộng đồng phục vụ người dân tại thị trấn. Những tháng đầu tiên, Trường tập trung xây dựng các tủ sách. Nhờ sự lan tỏa của mạng xã hội, Trường nhanh chóng có được số sách mình cần. Một số nhà xuất bản, công ty cũng gửi cho Trường sách với mức giá chiết khấu đặc biệt.
Về cơ sở vật chất, Trường và một số người bạn bỏ tiền ra đầu tư. Sau khi nghe dự án Trường đề xuất, một nhà hảo tâm đã ủng hộ địa điểm để Trường có thể xây dựng thư viện của mình. Tiền điện nước tại đây hoàn toàn miễn phí. Trường và các thành viên chỉ phải mất phí duy trì, mỗi tháng khoảng 1-3 triệu đồng.
Nhờ sự xuất hiện của thư viện, học sinh và phụ huynh tại đây đã có nơi để tìm, mượn và đọc sách. Vào giờ tan tầm mỗi ngày, nhiều em nhỏ đều ghé qua đây để tìm cho mình một cuốn sách yêu thích trong thời gian đợi bố mẹ đi làm về. Cuối tuần, không gian đọc Yên còn trở thành nơi hội họp của nhiều gia đình.
Bên cạnh việc xây dựng một nơi để đọc sách, Trường còn tổ chức thêm các hoạt động thiện nguyện, làm đồ handmade, giao lưu, kể chuyện bằng tiếng Anh. Bằng cách này, cha mẹ và con cái có cơ hội được gắn kết hơn.
Trường chia sẻ: "Trong quá trình làm mình rất biết ơn mọi người đã dành sự quan tâm. Có những đoàn thiện nguyện ở tỉnh về rất đông, không chỉ cho quà bánh, họ còn tặng lại thư viện nhiều sách. Hiện tại, ngoài quỹ dành cho trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn hàng tháng ra, mình mong mọi người sẽ đóng góp sách thay vì tiền. Điều đó thiết thực hơn với thư viện lúc này".
Tới đây, Trường sẽ tiếp tục phát triển không gian đọc này và các hoạt động bên lề liên quan tới sách. Trường hiểu, một điểm duy nhất là chưa đủ. Các em nhỏ ở vùng sâu vùng xa của huyện Nga Sơn vẫn chưa có điều kiện tiếp cận văn hóa phẩm lành mạnh được cập nhật hơn. Trường vẫn mong đợi được kết nối với các hệ thống thư viện công cộng khác cùng nhau lan tỏa văn hóa đọc.
Nuôi lớn những mầm non yêu sách
Một trong những điều thú vị ở các thư viện cộng đồng là họ thường xuyên tuyển tình nguyện viên. Với Không gian đọc Yên, Trường tuyển các em học sinh cấp ba trong địa bàn thị trấn. Vì vậy khi một lứa trưởng thành và rời đi, Trường lập tức phải tìm và đào tạo lớp người mới. Điều này ít nhiều cũng gây khó khăn cho việc phát triển mô hình nhưng nó tốt cho các em học sinh được trải nghiệm công tác xã hội.
D Free Book, một thư viện 0 đồng tại Hà Nội cũng tương tự mô hình của Không gian đọc Yên. Nguyễn Thành Nam (quản lý của D Free Book) cho biết: "Thư viện sẽ tuyển mới tình nguyện viên hai đợt một năm, mùa hè và mùa đông. Mỗi đợt tuyển đều nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ. Qua đó có thể thấy được tình cảm của mọi người dành cho các hoạt động lan tỏa văn hóa đọc".
Bạn trẻ đến D Free Book đọc sách. Ảnh: D Free Book. |
DFree là một thư viện thành lập từ năm 2017. Cho đến nay thư viện xây dựng được hai cơ sở ở Đại La và Phạm Văn Đồng. Số lượt mượn - trả sách mỗi ngày đạt 30 lượt.
D Free Book giờ đây không chỉ dừng lại ở việc cho mượn sách miễn phí trực tiếp mà còn triển khai cho mượn sách online. Nhóm tình nguyện xây dựng tủ sách cho trẻ em ở vùng còn khó khăn và kết nối với các tổ chức về sách để tặng sách cho những nơi đang cần. Mong ước lớn nhất của nhóm là trở thành trạm trung chuyển để "tri thức không nằm im trên giá".
Theo Thành Nam, D Free Book tập hợp sách mọi người ủng hộ, phân loại và phân phát đi một số thư viện cộng đồng ở nhiều nơi hoặc gửi cho một số nhà hảo tâm muốn dùng sách để từ thiện. Điều này giúp D Free Book trở thành một cầu nối quan trọng tham gia vào việc nâng cao tinh thần khuyến đọc.
Các thư viện cộng đồng đang trở thành một mô hình yêu thích và được lan tỏa tại các địa phương. Người dân rất sẵn sàng đón nhận và đóng góp vào các thư viện. Qua đó có thể thấy sức đọc đang ngày một tăng lên và các thư viện 0 đồng đang đáp ứng rất tốt yêu cầu từ thực tế này.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Từ ngày 21/4, Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.