Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cần chuẩn bị gì để trẻ có thói quen đọc sớm

Một không gian đọc sách "vừa đủ... nhỏ", thân thiện và những người đồng hành như bạn bè, cha mẹ là những yếu tố được các chuyên gia giáo dục khuyến khích.

thoi quen doc cho tre anh 1

Ảnh: Canva.

Hầu hết phụ huynh đều muốn con mình có thói quen đọc từ sớm. Một mặt, sách giúp trẻ em bổ sung thêm nhiều kiến thức, vốn từ ngữ và phát triển cảm xúc, mặt khác có thể hạn chế thời gian sử dụng các thiết bị điện tử không cần thiết.

Tuy vậy, để hình thành thói quen này từ nhỏ không phải là điều dễ dàng nếu phụ huynh và cộng đồng không tạo cho con một môi trường khơi gợi tình yêu sách vở. Hiện nay, nhiều dự án phát triển văn hóa đọc trong nước đã có những hoạt động sôi nổi nhắm tới đối tượng độc giả nhí, bao gồm cả những hoạt động trong thư viện, trại hè đọc sách cho đến việc tư vấn cho phụ huynh cách đọc cùng con.

Đọc sách trong không gian thân thiện

Thư viện Sách ơi mở ra là mô hình phát triển văn hóa đọc với hệ thống thư viện tương tác miễn phí và các hoạt động trải nghiệm nhằm lan tỏa giá trị của việc đọc trong cộng đồng. Các thư viện này chú trọng đến không gian vừa đủ để cả trẻ em và phụ huynh có thể đến đọc sách. Bên cạnh đó, các lớp học như Kể chuyện sáng tạo, Đọc thông minh… cũng được mở ra để các độc giả nhí có thêm kĩ năng mới, giúp phát triển một cộng đồng đọc sách để từ đó, các em cảm thấy được khuyến khích đọc sách mỗi khi nhìn thấy các bạn khác cầm sách lên đọc.

“Sức sống của một thư viện không nằm ở sách mà nằm ở cộng đồng đọc. Tức là một không gian nơi các em có thể cùng nhau đọc, nhìn thấy các em khác đọc, những phụ huynh cũng đến ngồi đọc. Vì vậy tôi mong muốn có những thư viện nho nhỏ ở những khu chung cư đông dân nơi có rất nhiều trẻ em. Chỉ cần có một không gian đọc nho nhỏ và các giáo viên hướng dẫn các em, như thế có thể dần dần hình thành thói quen đọc cho trẻ em”, TS Nguyễn Thị Ngọc Minh, người sáng lập dự án, chia sẻ.

TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc xây dựng một “cộng đồng đọc” lôi cuốn và chia sẻ, nhưng cộng đồng ấy cũng “phải vừa đủ... nhỏ để mỗi thành viên không bị chìm nghỉm trong đó”.

thoi quen doc cho tre anh 2

Tủ sách dành cho phụ huynh đến đọc cùng con tại thư viện Sách ơi mở ra. Ảnh: Duy Anh.

Ngoài các phòng đọc là nơi có thể đến thường xuyên, một số chương trình khác cũng tạo điều kiện cho các em phát huy tài năng và đam mê như dịch sách, viết sách, các ý tưởng sáng tạo sau khi đọc sách… Đặc biệt, dịp nghỉ hè cũng là lúc các trại hè đọc sách được tổ chức sôi nổi nhằm tạo cho trẻ thói quen tích hợp việc đọc vào các hoạt động hàng ngày.

Theo TS Nguyễn Thụy Anh, chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách cùng con, hệ sinh thái đọc bao gồm “không gian đọc, hoạt động đọc, cộng đồng người đọc các lứa tuổi và ảnh hưởng tương hỗ của họ”. Chính vì thế, tuy việc đọc về bản chất mang tính riêng tư, một hệ sinh thái đọc tốt có thể trở thành nguồn cảm hứng, động lực, nơi trao đổi kiến thức cho các độc giả, đặc biệt là các độc giả nhí đang trong giai đoạn hình thành thói quen đọc cho mình.

Đồng hành với con trong việc đọc

Câu lạc bộ Đọc sách cùng con được thành lập theo ý tưởng của TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh, ngay từ tên gọi đã cho thấy một ý định sâu xa hơn, đó là hướng tới mục đích củng cố và phát triển văn hóa đọc của cộng đồng nói chung và của trẻ em trong gia đình nói riêng.

Bên cạnh các hoạt động dành cho trẻ, TS Nguyễn Thụy Anh cũng từng đề xuất đến việc cung cấp kỹ năng khơi gợi và hỗ trợ việc đọc cho các cán bộ thư viện, các hướng dẫn viên ở Trung tâm học tập cộng đồng, các tổ chức khuyến học, các thầy cô giáo và các phụ huynh.

“Nếu chính những người liên quan trực tiếp đến việc xây dựng phát triển văn hoá đọc lại vẫn chỉ nhìn việc này như 'gây dựng phong trào', xây dựng hình tượng truyền thông để truyền thông điệp xã hội thì 'người đọc tiềm năng' trong nhiều đứa trẻ sẽ từ chối xuất hiện”, cô giải thích.

thoi quen doc cho tre anh 3

Sự đồng hành của cha mẹ đem lại nhiều hiệu quả tích cực cho thói quen đọc sách của con. Ảnh: Canva.

Mục đích lớn hơn của các hoạt động là thông qua việc đọc của con, những người làm công tác khuyến đọc có thể tiếp cận các phụ huynh, đưa ra các giải pháp điều chỉnh những lệch lạc trong quan niệm giáo dục và can thiệp, giảm bớt áp lực xã hội mà trẻ nhỏ Việt Nam đang phải chịu.

Những nhà sư phạm như TS Nguyễn Thụy Anh hay TS Nguyễn Thị Ngọc Minh qua các dự án của mình đã cho thấy tầm quan trọng của phụ huynh, thầy cô trong việc hình thành thói quen đọc của trẻ. Các thư viện được mở trong dự án Sách ơi mở ra cũng bao gồm một góc đọc sách dành cho phụ huynh, hay trên website của CLB Đọc sách cùng con có các trang mục tư vấn cho cả trẻ nhỏ và phụ huynh.

Bởi trẻ con không chỉ đọc, chúng còn có vô vàn câu hỏi “Vì sao?” muốn được giải đáp hoặc chỉ đơn giản là muốn khoe với cha mẹ một kiến thức mới, một câu chuyện thú vị mà mình vừa đọc được. Mỗi ông bố, bà mẹ sẽ có cách của riêng mình trong việc gắn kết với trẻ. Tuy vậy, phụ huynh cần biết được cách mình cùng con tìm ra lời giải đáp cho những thắc mắc bất tận của trẻ cũng như sự công nhận nhỏ nhoi có thể trở thành một ký ức tuổi thơ đẹp, là nguồn động viên để trẻ tự tin khám phá thế giới trong trang sách đến nhiều năm sau này.

“Khi tôi cầm một cuốn sách và bắt đầu thử đọc cho một bạn nhỏ, tôi luôn thấy hồi hộp: liệu bạn nhỏ có hưởng ứng không hay sẽ quay đi? Tôi sẽ phải làm gì để em cùng tôi khám phá những điều thú vị trong ngôn từ của tác giả? Và tôi hiểu rằng, chỉ cần một chút chậm lại, một chút để tâm tìm hiểu đứa trẻ, xem nó e ngại điều gì, nó gặp cản trở ở đâu khi đọc sách, và một chút khích lệ, tôi có thể gọi 'một người đọc tiềm năng' trong em bé. Tôi hướng dẫn em cách tiếp nhận cuốn sách, cách 'chơi' với một trang sách, biết chắc rằng khi không có tôi, em có thể sẽ thử lại hoạt động này”, TS Nguyễn Thụy Anh chia sẻ.

Trẻ em ngày nay lớn lên trong thời đại mà công nghệ phát triển nhanh chóng, các nguồn thông tin tổng hợp, giải trí trở thành phương tiện phổ biến, dễ tiếp cận nhưng lại khó kiểm chứng. Chính vì thế, mục tiêu phát triển văn hóa đọc phải bắt đầu từ việc hình thành thói quen đọc sách ngay từ nhỏ. Đây cũng là một điểm nhấn trong chuỗi hoạt động mừng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai với các chương trình như Tọa đàm hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em, Hội thi “Lớn lên cùng sách”...

Mục tiêu của các hoạt động này là xoay quanh những giá trị văn hóa mà sách mang đến cho tuổi thơ, với sự chung tay từ cộng đồng, thầy cô và đặc biệt là của cả gia đình, bố mẹ và con. Từ đó, thói quen đọc sách của trẻ được hình thành một cách tự nhiên và khoa học.

Nhằm tạo diễn đàn cho bạn đọc chia sẻ về cuốn sách mình yêu thích, Zingnews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”. Mời bạn gửi bài viết về hòm thư: books@zingnews.vn. Trong thư, ngoài bài viết, ảnh chụp cuốn sách (nếu có), bạn vui lòng viết thông tin muốn hiển thị trên trang! Trân trọng.

Khơi gợi tình yêu môn địa lý cho trẻ

Địa lý là môn học thú vị với người này nhưng lại hóc búa với nhiều người khác. Cuốn sách “Bách khoa toàn thư về địa lý” góp phần khơi gợi tình yêu đối với môn học này.

Từ thiện bằng sách

Trong các chuyến từ thiện, sách dần trở thành một mặt hàng thiết yếu được các đoàn tình nguyện đem tới những vùng cao.

Đông Miên

Bạn có thể quan tâm