Australia muốn áp dụng luật kiểm soát mô hình BNPL. Ảnh: Prestahero. |
Nhân viên pha chế cà phê Melinda Elliott ở Melbourne, Australia, bị cắt giảm các ca làm việc trong năm nay và cô đã yêu cầu Afterpay - nhà cung cấp dịch vụ mua trước, trả sau (buy now pay later - BNPL) - giảm hạn mức tín dụng của mình.
Công ty thuộc sở hữu của Jack Dorsey, người sáng lập Twitter, đã cắt giảm giới hạn của cô từ 3.000 AUD xuống còn 2.000 AUD (khoảng 1.300 USD), nhưng vài tháng sau, cô nhận thấy giới hạn đã trở lại 3.000 đô AUD.
Khi được hỏi về trải nghiệm của người dùng Elliott, Afterpay cho biết khách hàng luôn có thể yêu cầu giảm giới hạn tín dụng nhưng không trả lời vấn đề giới hạn tăng trở lại.
Mô hình mua, trước trả sau bùng nổ ra sao?
Các công ty BNPL thu hút người dùng bằng cách không tính phí tín dụng. Ảnh: Ofcolor. |
Trong khi các tổ chức phát hành thẻ tín dụng thu cả tiền lãi và phí dịch vụ, các công ty BNPL thu hút người dùng bằng cách không tính phí tín dụng.
Thay vào đó, các công ty này dựa gần như hoàn toàn vào doanh thu từ các nhà bán lẻ. Bằng cách theo dõi hiệu suất trả nợ của người dùng, thường là với khoản vay nhỏ lẻ, để kiểm soát rủi ro, họ không yêu cầu kiểm tra lý lịch. Vì vậy, việc đăng ký rất dễ dàng và chi phí của công ty bỏ ra cũng rất thấp.
Việc không tính lãi này đã giúp các công ty BNPL được miễn trừ khỏi các quy định áp lên các công ty tín dụng tiêu dùng. Nhờ vậy, hoạt động kinh doanh của mô hình BNPL đã phát triển mạnh mẽ trong dịch Covid-19, khi việc mua sắm trực tuyến trở nên sôi động với các khoản vay lãi suất cực thấp.
Tuy nhiên, bài học của Elliott làm xuất hiện một nhược điểm của mô hình kinh doanh đang "hot" của các startup này, và Australia có thể sớm điều chỉnh mô hình này khi áp dụng luật hiện nay cho các nhà cung cấp thẻ tín dụng.
Hiện mô hình này phải đối mặt với một thách thức pháp lý tại Australia, khi nước này đang xem xét bổ sung các biện pháp bảo vệ cho người mua hàng.
Theo một tài liệu của Bộ Tài chính Australia ngày 21/11, các công ty BNPL có thể bị áp theo “Đạo luật Bảo vệ Tín dụng Người tiêu dùng Quốc gia”. Đạo luật cấm tăng giới hạn tín dụng không mong muốn và yêu cầu kiểm tra lý lịch đối với hầu hết khoản cho vay tiêu dùng.
Theo Reuters, Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia cho biết họ ủng hộ việc áp dụng luật cho mô hình và chính phủ nước này muốn luật sẽ được áp dụng vào cuối năm 2023.
Mua trước, trả sau liệu sẽ còn hot?
Cổ phiếu của các công ty BNPL đã giảm mạnh vào năm 2022. Ảnh: NYT. |
Thực tế, cổ phiếu của các công ty BNPL đã tăng vọt trong 2 năm đầu tiên của đại dịch nhưng đã giảm mạnh vào năm 2022, do các nhà đầu tư nhận thấy người dùng BNPL ít mua sắm hơn và có thể gặp khó khăn trong việc trả nợ, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát cao và lãi suất tăng.
Theo dữ liệu từ công ty phân tích SimilarWeb, kể từ tháng 6 tới nay, số lượt tìm kiếm trực tuyến các dịch vụ của BNPL tại Australia đã ít hơn so với một năm trước đó.
David Carr, quản lý cấp cao của SimilarWeb, cho biết áp lực kinh tế và lãi suất tăng bắt đầu ảnh hưởng đến chi tiêu của người dùng.
Jamie Hannah, Phó bộ phận Đầu tư và Thị trường vốn tại VanEck Australia, cho biết nếu áp dụng quy định tín dụng tiêu dùng thông thường, BNPL sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Điều đó cũng có nghĩa các công ty này sẽ khó kiếm tiền hơn.
Thực tế, đến nay, vẫn chưa có quốc gia nào áp đặt các quy tắc tín dụng tiêu dùng thông thường đối với mô hình BNPL. Anh, Mỹ và Thụy Điển cũng mới chỉ có kế hoạch điều chỉnh BNPL nhưng chưa rõ ràng.
Michael Saadat, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề pháp lý của Afterpay cho biết: “Chúng tôi lo lắng các đề xuất về luật sẽ gây ra những tác động ngoài ý muốn, khiến các nhà cung cấp không thể giới hạn chi tiêu thấp cho người dùng theo cách chúng tôi đã làm”.
"Chúng tôi muốn khung pháp lý mới sẽ không gây khó khăn trong việc cung cấp sản phẩm thân thiện với người tiêu dùng mà chúng tôi đã sử dụng trong nhiều năm nay", Michael Saadat cho hay.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...