Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mô hình chính quyền đô thị sẽ giúp TP.HCM phát triển hết tiềm năng

Lãnh đạo Sở Nội vụ TP.HCM cho hay khi không tổ chức HĐND quận, phường, bộ máy chính quyền của thành phố sẽ được tinh gọn, quyền dân chủ, giám sát của người dân được tăng cường.

Theo chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu sẽ thảo luận về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM. Dự kiến, Quốc hội sẽ thảo luận về đề án trên vào ngày 27/10.

Chia sẻ với báo chí, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho rằng việc ban hành Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM là việc rất cần thiết thời điểm hiện tại.

"Mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt như TP.HCM. Để xóa bỏ trở ngại và giúp thành phố phát huy hết tiềm năng, việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị chính là lời giải", Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM nhìn nhận.

Quyền làm chủ người dân được giữ vững

Điểm chính của đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM là không tổ chức HĐND quận, phường. Khi đó, bộ máy chính quyền cơ sở được tinh gọn, tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại quyền dân chủ, tiếp nhận thông tin của người dân sẽ chịu ảnh hưởng.

Chinh quyen do thi tai HCM anh 1

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM. Ảnh: Quang Huy.

Trước những lo ngại trên, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân khẳng định quyền đại diện của người dân khi thực hiện chính quyền đô thị tại thành phố sẽ tiếp tục được duy trì và tăng cường qua nhiều kênh. Hệ thống chính quyền điện tử sẽ phát huy vai trò cung cấp, công bố các thông tin, quy định, chính sách mới một cách công khai, minh bạch.

"Các buổi đối thoại giữa người dân và lãnh đạo UBND các cấp được tăng cường. Thành viên UBND các cấp sẽ được phân công tham gia buổi họp từng khu phố, lắng nghe trao đổi, tiếp nhận thư góp ý và gửi phiếu xin ý kiến trực tiếp", ông Huỳnh Thanh Nhân cho hay.

Đối với việc giám sát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức Đảng, cấp ủy cùng cấp, MTTQ sẽ tiếp tục được duy trì và nâng cao vai trò, trách nhiệm. Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam TP.HCM đã xây dựng đề án “Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp giai đoạn 2020-2030”.

Điểm mới của chính quyền đô thị tại TP.HCM

"TP.HCM đã có kinh nghiệm thực tiễn qua hơn 6 năm thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường giai đoạn 2009-2016. Với số lượng đơn vị hành chính thí điểm nhiều nhất cả nước, TP.HCM đã đạt được thành công trên diện rộng", ông Huỳnh Thanh Nhân nhấn mạnh.

Chinh quyen do thi tai HCM anh 2

Dự kiến, Quốc hội sẽ thảo luận mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM ngày 27/10. Ảnh: Hải Quân.

So sánh với 2 địa phương đã tổ chức mô hình chính quyền đô thị là Hà Nội và Đà Nẵng, lãnh đạo Sở Nội vụ cho hay Hà Nội là địa phương chưa thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được xây dựng khi chưa có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019.

Tại Đà Nẵng, mô hình tổ chức chính quyền đô thị được thực hiện khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 chưa có hiệu lực thi hành.

"Việc thực hiện chính quyền đô thị ở TP.HCM mang tính đồng bộ, toàn diện. Việc không tổ chức HĐND quận, phường tại TP.HCM đã được quy định ở luật, khi Quốc hội cho phép", lãnh đạo Sở Nội vụ TP.HCM cho hay.

Phân tích về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, ông Huỳnh Thanh Nhân cho hay các quận, phường sẽ có cơ quan chính quyền là UBND quận, phường. Đối với các huyện, xã, thị trấn, cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND.

"Việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM không chỉ quy định về bộ máy chính quyền, mà còn có các quy định đặc thù về phân cấp quản lý, chính sách tài chính khiến bộ máy hoạt động hiệu quả, tự chịu trách nhiệm cao hơn", lãnh đạo Sở Nội vụ TP.HCM thông tin.

Đánh giá về tác động của việc thực hiện không tổ chức HĐND quận, phường, ông Huỳnh Thanh Nhân cho rằng phương án tổ chức này là hợp lý, không ảnh hưởng đến kết quả hoạt động thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, chăm lo đời sống người dân. Bên cạnh đó, đề án tạo được tiếng nói chung và đồng thuận của người dân thành phố trong quá trình thực hiện.

Người dân vẫn có thể góp ý cho TP Thủ Đức

Lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết sẽ tiếp nhận ý kiến đóng góp cho TP Thủ Đức dưới nhiều hình thức để tham mưu UBND TP.HCM đưa ra lựa chọn phù hợp.

Quang Huy

Bạn có thể quan tâm