Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người dân vẫn có thể góp ý cho TP Thủ Đức

Lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết sẽ tiếp nhận ý kiến đóng góp cho TP Thủ Đức dưới nhiều hình thức để tham mưu UBND TP.HCM đưa ra lựa chọn phù hợp.

Trả lời Zing ngày 6/10, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết sở đã có phương án đặt trụ sở, cơ quan hành chính của TP Thủ Đức trong tương lai. Ông nhận định việc lựa chọn địa điểm làm trụ sở của đơn vị hành chính mới sẽ khó làm vừa lòng tất cả người dân tại quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

"Cũng giống như việc lựa chọn trụ sở cho các UBND phường được sáp nhập, sẽ có một bộ phận người dân phải đi xa hơn để làm thủ tục hành chính. Chính quyền điện tử là lời giải cho bài toán này", Giám đốc Sở Nội vụ chia sẻ.

Gop y thanh pho Thu Duc anh 1

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM. Ảnh: Quang Huy.

Ông Huỳnh Thanh Nhân thông tin thêm TP.HCM không lấy phiếu ý kiến góp ý người dân về việc lựa chọn nơi đặt các trụ sở, cơ quan hành chính của TP Thủ Đức. Tuy nhiên, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục lắng nghe đóng góp của mọi thành phần xã hội để đưa ra quyết định phù hợp nhất.

"Chúng tôi tiếp tục lấy ý kiến về việc lựa chọn các trụ sở, nơi làm việc của TP Thủ Đức và cả Đề án thành lập thành phố qua nhiều hình thức. Ý kiến người dân tiếp tục được lắng nghe qua các mặt trận, đoàn thể, HĐND hoặc UBND các cấp", lãnh đạo Sở Nội vụ TP.HCM thông tin.

Gop y thanh pho Thu Duc anh 2

Sở Nội vụ đề xuất đặt trụ sở Thành ủy TP Thủ Đức tại quận 2. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trao đổi với Zing về việc lấy phiếu cử tri liên quan đến sáp nhập 3 quận và tên TP Thủ Đức, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, đánh giá việc lấy ý kiến cử tri vừa qua đã thể hiện tính dân chủ, tôn trọng ý kiến người dân của thành phố.

Giải đáp ý kiến cho rằng 3 quận chưa thực hiện lấy ý kiến 100% người dân, bà Thắm cho biết theo Nghị định 54 của Chính phủ về lấy ý kiến cử tri, những người được phát phiếu là cư dân thường trú trên địa bàn các quận. Những người đang tạm trú hoặc có hộ khẩu tại quận 2, quận 9, quận Thủ Đức nhưng sinh sống nơi khác sẽ không thuộc danh sách được bỏ phiếu.

"Con số 411.000 người được lấy ý kiến là những cư dân thường trú tại 3 quận chịu ảnh hưởng trực tiếp của đề án. Dân cư thực tế của các quận lớn hơn nhiều do có những người chỉ sinh sống, làm việc ở đó nhưng không thường trú nên không tham gia góp ý", Phó giám đốc Sở Nội vụ chia sẻ.

Ngoài ra, bà Thắm thông tin thêm ngay cả khi trên 50% đồng thuận với tên gọi thành phố Thủ Đức, tên chính thức của đơn vị hành chính này vẫn cần đợi quyết định cuối cùng của các cơ quan có thẩm quyền.

"TP.HCM mới lấy ý kiến người dân để xây dựng dự thảo đề án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Ngoài ra, khi xây dựng đề án, TP.HCM vẫn có thể tham khảo thêm một số tên gọi khác", lãnh đạo Sở Nội vụ cho hay.

Trước đó, Sở Nội vụ TP.HCM đã có tờ trình đề xuất chọn trụ sở UBND quận 2 (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) làm nơi đặt trụ sở Thành ủy thành phố Thủ Đức.

Trụ sở của UBND quận 9 (phường Hiệp Phú, quận 9) được đề xuất trở thành nơi làm việc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành phố Thủ Đức. Trụ sở UBND quận Thủ Đức hiện tại được kiến nghị trở thành địa điểm làm việc của HĐND và UBND thành phố Thủ Đức.

Cử tri muốn góp ý nhiều hơn cho đề án TP Thủ Đức

"Trong phiếu lấy ý kiến người dân, phần ý kiến khác chỉ có 2 dòng. Như thế là không đủ, tôi nghĩ nên dành một trang cho người dân nêu ý kiến”, cử tri Lê Thanh Tùng nói.

Quang Huy

Bạn có thể quan tâm