Đề án thành phố Thủ Đức được nhiều cử tri quan tâm, góp ý tại buổi tiếp xúc cử tri quận 9 của tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị 7 diễn ra sáng 6/10.
Cử tri bày tỏ băn khoăn về thủ tục hành chính, sửa đổi giấy tờ sau khi sáp nhập. Ngoài ra, cử tri quận 9 còn phản ánh có người chưa nhận được phiếu lấy ý kiến về việc thành lập thành phố Thủ Đức.
Thay đổi giấy tờ có bị tính phí?
Là người đăng ký phát biểu đầu tiên, cử tri Nguyễn Thị Dung (phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9) đề cập ngay đến vấn đề lấy ý kiến về sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức thành thành phố Thủ Đức. Bà Dung cho biết trong khi tại quận Thủ Đức, người dân được đi bỏ phiếu thì người dân quận 2, quận 9 được tổ dân phố phát phiếu để ghi ý kiến rồi thu lại.
Cử tri phản ánh một số khu vực ở quận 9 như chung cư Safira (454 Võ Chí Công, phường Phú Hữu), người dân mong muốn nêu ý kiến nhưng đến giờ họ vẫn chưa nhận được phiếu. Bà Dung băn khoăn về việc quận 9 giám sát thế nào để đảm bảo phiếu của người dân được thu thập đầy đủ, chính xác.
Nữ cử tri đề xuất quận 9 tổ chức lấy ý kiến lại theo hình thức bỏ phiếu như quận Thủ Đức để đảm bảo kết quả chính xác.
Cử tri Nguyễn Thị Dung bày tỏ băn khoăn về quá trình lấy ý kiến. Ảnh: Thu Hằng. |
Cùng quan điểm với cử tri Dung, anh Hoàng Văn Nông (phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9) cho rằng việc đi bỏ phiếu như người dân quận Thủ Đức thì kết quả sẽ chính xác hơn. Ông ủng hộ phương án sáp nhập 3 quận; tuy nhiên, cử tri Nông cũng băn khoăn về việc thay đổi giấy tờ hành chính sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.
“Thứ nhất, thay đổi hộ khẩu, chứng minh thư có gây phiền hà? Thủ tục thế nào? Khi đổi có thu phí? Đề nghị trả lời cho người dân được biết”, cử tri yêu cầu.
Trong khi đó, cử tri Lê Thanh Tùng (phường Tân Phú, quận 9) đặt nhiều kỳ vọng về việc lập thành phố Thủ Đức. “Trong phiếu lấy ý kiến người dân, phần ý kiến khác chỉ có 2 dòng. Như thế là không đủ, tôi nghĩ nên dành một trang cho người dân nêu ý kiến”, ông Tùng góp ý.
Cử tri Tùng mong rằng chủ trương phát triển hạ tầng giao thông sẽ xứng tầm với thành phố mới và có tầm nhìn 20-30 năm chứ không “giật gấu vá vai” như hiện nay. Ông cũng mong muốn thành phố Thủ Đức sẽ có những cán bộ trẻ trung, năng nổ, dám nghĩ dám làm.
Việc lấy ý kiến đúng trình tự pháp luật
Chia sẻ về việc thành lập thành phố Thủ Đức, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, nhắc lại việc quy hoạch thành phố ở phía đông bắc là chủ trương trước đây của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, dự án chưa triển khai.
Ông Khuê cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc thành lập thành phố Thủ Đức là cấp thiết nhằm giảm áp lực cho nội đô. Thủ Đức có nhiều ưu thế như khu công nghệ cao ở quận 9, khu tổ hợp Đại học Quốc gia ở quận Thủ Đức, trung tâm tài chính ở quận 2...
Về các vấn đề như thủ tục hành chính, sự khác biệt trong thành lập thành phố so với sáp nhập quận, ông Khuê cho biết sẽ ghi nhận ý kiến của người dân để có các biện pháp tuyên truyền sâu đậm hơn thời gian tới.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê trả lời cử tri về việc thành lập thành phố Thủ Đức. Ảnh: Thu Hằng. |
Trả lời chất vấn của cử tri về quá trình lấy ý kiến người dân vừa qua, Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy khẳng định việc lấy phiếu được thực hiện theo Nghị định 54/2018/NĐ-CP về lấy ý kiến cử tri và theo hướng dẫn của thành phố. Ông Bảy cũng nhấn mạnh đây là lấy ý kiến cử tri, không phải bầu cử như Quốc hội hay HĐND.
Theo đó, mỗi hộ gia đình chỉ được phát một phiếu lấy ý kiến theo mẫu. Tổ công tác mang phiếu đến từng hộ gia đình và thu hồi về.
Theo ông Bảy, mỗi lá phiếu có chữ ký của chủ tịch và người bỏ phiếu nên không thể có chuyện mạo danh, ngụy tạo. Ông cũng khẳng định có thể kiểm tra lại kết quả dựa trên lá phiếu vì có tên, tuổi, địa chỉ của người lấy ý kiến.
"Với tinh thần cầu thị, chúng tôi lắng nghe và sẽ kiểm tra các góp ý. Tuy nhiên, thời điểm này, tôi khẳng định việc lấy ý kiến là chặt chẽ và đúng trình tự pháp luật", ông Bảy cho hay.