Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai chìa khóa phát triển ngành xuất bản

Trong nhóm giải pháp nhằm phát triển ngành xuất bản, chính sách và ứng dụng công nghệ được xác định là hai yếu tố chủ đạo.

Từ trái qua: Ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, tại hội thảo.

Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản ban hành ngày 25/8/2004. Sau 20 năm, xuất bản Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể. Tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 6-8%/năm, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có lượng đầu sách nhiều và phong phú. Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn tồn tại được các đơn vị xuất bản ghi nhận trong thực tiễn.

Tại hội thảo khoa học "Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động xuất bản và Lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản" diễn ra sáng 19/8, đại diện giới xuất bản, in và phát hành sách, nhà quản lý cùng thảo luận, nêu nhiều giải pháp thiết thực để phát triển ngành sách.

Các vấn đề của xuất bản điện tử

Xuất bản số là xu thế không thể đảo ngược. Tuy vậy, đại diện các đơn vị xuất bản chỉ ra một số bất cập liên quan tới việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào xuất bản, đặc biệt là loại hình sách điện tử. Bên cạnh đó, nhiều rào cản về xây dựng nguồn lực cũng cần được tháo gỡ bắt đầu từ việc điều chỉnh chính sách, quy trình, thủ tục.

Theo ông Trần Chí Đạt (Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông), dù đã có cơ sở pháp lý nhưng hoạt động xuất bản điện tử diễn ra còn chậm chạp, manh mún. Một số hệ lụy có thể kể đến như xuất bản không có giấy phép, nạn vi phạm bản quyền, phát tán sách điện tử tràn lan trên mạng Internet, sao chép lậu...

Từ thực trạng đó, ông Trần Chí Đạt đã đề xuất một số điều cần sửa đổi trong Luật Xuất bản 2012 nhằm tạo điều kiện cho sách điện tử phát huy tiềm năng.

Xuất bản không có giấy phép, vi phạm bản quyền, phát tán sách điện tử tràn lan trên mạng Internet... là vấn nạn của ngành sách.

Ông Trần Chí Đạt, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Thông tin và Truyền thông

“Các văn bản quy phạm pháp luật cần cho phép và quy định rõ các nhà xuất bản có thể liên kết với các đơn vị khác đủ điều kiện xuất bản, phát hành ấn phẩm điện tử để thực hiện làm sách điện tử”, Giám đốc Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại hội thảo.

Vấn đề sách giả không phải là khó khăn của riêng đơn vị nào. Trong quá trình quan sát thực tiễn, Nhà xuất bản Trẻ cũng nhận thấy vấn đề sách giả đang ngày một phức tạp hơn. Chính vì vậy, đơn vị này đã kiến nghị tăng cường nghiên cứu, ứng dụng nền tảng số để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng sách giả, sách lậu, nhất là vi phạm bản quyền sách trên môi trường số.

Chia sẻ về những khó khăn tài chính, ông Phạm Trần Long (Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế Giới) cho biết đơn vị đã gặp nhiều vấn đề khi cân đối chi thu của đơn vị. Trong đó, vấn đề về hỗ trợ cước phí vận chuyển sách Việt Nam ra nước ngoài bị cắt giảm khiến đơn vị này rất chất vật trong xuất khẩu sách.

Ngoài ra, công ty sách Nhã Nam, Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam cũng đề cập tới một số hạn chế trong quy trình thủ tục trong việc xây dựng đội ngũ nhân lực, cấp chứng chỉ hành nghề biên tập. Đặc biệt, để có nguồn nhân lực tốt trong giai đoạn chuyển đổi số, đơn vị làm sách cần thêm các khóa đào tạo, tăng cường chuyên đề trao đổi về AI, ứng dụng AI trong công việc.

sach anh 1

Đại diện giới xuất bản đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát triển ngành.

Giải pháp cho xuất bản Việt Nam

Sau khi lắng nghe các khó khăn trên, từ phía quản lý, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Hoàn thiện cơ chế về xuất bản và khung pháp lý là giải pháp để thúc đẩy ngành xuất bản phát triển.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông, các điều chỉnh trong một số thông tư về xuất bản là cần thiết để thích nghi với sự phát triển của nền kinh tế số. Trong đó bao gồm điều chỉnh thuế cho các thiết bị in ấn nhập khẩu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, khuyến khích có sự tham gia, hợp tác của các doanh nghiệp ngoài ngành xuất bản. Đặc biệt, các cơ chế xử phạt sách lậu sẽ được siết chặt để đảm bảo quyền lợi các bên có liên quan.

“Hoàn thiện cơ chế về xuất bản và khung pháp lý là giải pháp để thúc đẩy ngành xuất bản phát triển. Các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp và các cá nhân liên quan cùng nhau nỗ lực để vượt qua những thách thức hiện tại và đưa ngành xuất bản Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới, phù hợp với xu hướng toàn cầu và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân”, ông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ tại hội thảo.

Các đơn vị xuất bản cần tích cực đóng góp ý kiến để hoàn thiện cơ chế, sửa đổi và bổ sung Luật Xuất bản.

Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy

Ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng nguyên nhân các nhà xuất bản gặp khó khăn có thể đến từ nhiều phía, trong đó bao gồm nhận thức cấp quản lý, cơ quan chủ quản chưa bám sát với thực tiễn, cơ chế chính sách chưa được ban hành kịp thời. Để vượt qua khó khăn, các đơn vị xuất bản cần tích cực đóng góp ý kiến để hoàn thiện cơ chế, sửa đổi và bổ sung Luật Xuất bản.

Ông Nguyễn Nguyên (Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định nhiều cơ quan chủ quản thiếu sự quan tâm tới đơn vị xuất bản. Có một bộ phận nhà xuất bản vẫn còn tâm lý chưa quyết liệt đổi mới, tiếp cận thị trường, phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác liên kết.

"Bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chúng ta cần nhận thức lại vị trí, vai trò xuất bản trong cuộc cách mạng công nghệ và những tác động mới. Từ đó đề xuất chủ trương chính sách khả thi, hiệu quả với nguồn lực hiện có", ông Nguyễn Nguyên nhấn mạnh.

Đại diện Hội Xuất bản Việt Nam, ông Đỗ Quang Dũng, Phó chủ tịch Hội, chia sẻ rằng quá trình đóng góp để sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản năm 2012 là điều cần thiết để tạo tiền đề cho việc nắm bắt xu hướng thị trường. Chẳng hạn điểm c, Khoản 3, Điều 36 về điều kiện hoạt động đối với cơ sở phát hành là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập có quy định "Có địa điểm kinh doanh xuất bản phẩm" không phù hợp với hoạt động phát hành xuất bản phẩm thông qua môi trường mạng Internet.

Trong khi đó, hiện nay, thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh xuất bản phẩm thuê gian hàng trên các trang web để kinh doanh mà không cần phải thuê địa điểm thực.

Có thể thấy, các giải pháp được đưa ra rất đa chiều và đi thẳng vào những vấn đề các đơn vị xuất bản đang gặp phải. Củng cố nền tảng pháp lý, hoàn thiện cơ chế chính sách cho xuất bản, nhất là cho xuất bản điện tử là yếu tố quan trọng để thúc đẩy ngành sách phát triển mạnh hơn nữa.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Bài liên quan

Tạo nguồn dịch giả chuyên nghiệp

Tạo nguồn dịch giả chuyên nghiệp

Thương hiệu sách thiếu nhi Crabit Kidbooks vừa thông tin về việc xuất bản 2 cuốn sách tranh “Cậu bé có mái tóc nở hoa” và “Ida, mãi mãi nơi này”.

Đức Huy

Ảnh: Thế Bằng

Bạn có thể quan tâm