Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mở cửa trở lại, kinh tế Trung Quốc rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn

Mất việc hoặc giảm thu nhập do dịch bệnh khiến người dân Trung Quốc thắt lưng buộc bụng. Đây là thách thức mới đối với sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo Nikkei Asian Review, bị thu hút bởi ngành du lịch phát triển bùng nổ tại Trùng Khánh (tây nam Trung Quốc), năm ngoái ông Li Yi dùng phần lớn tiền tiết kiệm để khởi nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú B&B - loại hình chỉ gồm giường nghỉ và bữa sáng.

Nhưng chỉ hai tuần sau khi bắt đầu hoạt động, cơ sở kinh doanh của ông phải chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Không có thu nhập suốt hai tháng liền, vào tháng 4, ông Li háo hức mở cửa kinh doanh trở lại. Nhưng ông sớm nhận ra thách thức mới ở phía trước.

“Tôi đã biết trước là nhu cầu dịch vụ B&B có thể thấp, nhưng không nghĩ lại tồi tệ đến mức này”, ông Li than thở với Nikkei Asian Review. Trong hai tuần đầu tháng 4, cơ sở kinh doanh của ông Li chỉ có 2 trên 11 phòng được thuê dù đã được giảm giá tới 70%. Trước khi dịch bệnh bùng phát, các phòng nghỉ tại đây đều được đặt kín.

“Người tiêu dùng Trung Quốc vẫn e ngại ra ngoài”, doanh nhân 38 tuổi than thở. Ông đã phải sa thải một nhân viên vệ sinh và giảm hơn một nửa lương của người còn lại xuống mức tối thiểu 1.350 NDT (190 USD). “Tôi cho rằng trong viễn cảnh tốt nhất, ngành du lịch Trung Quốc chỉ có thể phục hồi vào năm tới”.

kinh te Trung Quoc lao dao anh 1

Tiêu dùng nội địa tại Trung Quốc không tăng trưởng như kỳ vọng dù các hoạt động kinh tế được nối lại sau thời gian đóng băng vì dịch bệnh. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Tiêu dùng nội địa tụt dốc

Không chỉ nhà nghỉ của ông Li, nhiều nhà hàng, khách sạn, nhà máy và nhiều cơ sở kinh doanh khác tại Trùng Khánh và rất nhiều nơi khác ở Trung Quốc vẫn đang chịu ảnh hưởng bởi dư âm của đại dịch dù cuộc sống đã trở lại bình thường tại hầu hết thành phố của Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp đã phải tuyên bố phá sản.

Các chủ doanh nghiệp như ông Li đang cố gắng để tồn tại bằng việc giảm lương và sa thải nhân viên. Tuy nhiên, các nhà kinh tế quan ngại rằng các biện pháp tự cứu lấy mình này sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn. Đó là khi người lao động Trung Quốc bị giảm lương, họ chi tiêu ít hơn.

Điều đó ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng trở lại của các hãng bán lẻ, khách sạn và nhiều ngành công nghiệp khác. Vấn đề là Trung Quốc đang kỳ vọng có thể phục hồi kinh tế qua nhu cầu chi tiêu nội địa - điều vô cùng quan trọng với nỗ lực cân bằng nền kinh tế của chính phủ.

Tiêu dùng nội địa đóng góp gần 60% tăng trưởng của Trung Quốc vào năm ngoái, trong bối cảnh các động lực truyền thống như đầu tư và xuất khẩu giảm tỷ trọng. Nhưng nhiều tuần đóng băng hoạt động kinh tế, cộng với chi phí phát sinh để khôi phục sản xuất đã khai tử hàng loạt công ty thiếu tiền mặt.

Tình trạng mất việc làm, thu nhập giảm và nỗi lo về triển vọng kinh tế ảm đạm đang tạo ra những điểm nghẽn trong nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tại Trung Quốc. Điều này khiến nhiều người quan ngại rằng tình trạng suy giảm sẽ còn kéo dài.

kinh te Trung Quoc lao dao anh 2

Người dân Trung Quốc chưa cảm thấy an toàn để chi tiêu mạnh do lo ngại về tương lai. Ảnh: Getty Images.

“Trung Quốc hiện tại phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu nội địa và tiêu dùng hộ gia đình. Những trụ cột mới của nền kinh tế này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19”, chuyên gia Bruce Pang, Giám đốc bộ phận chiến lược và vĩ mô tại Renaissance Securities, Hong Kong, nhận định.

Trong khi đó, chi nhánh hãng tài chính Natixis tại Hong Kong đánh giá: “Giai đoạn dịch bệnh tồi tệ nhất tại Trung Quốc có thể đã qua, với thách thức làm sao để phục hồi nhu cầu tiêu dùng, mà để làm vậy thì thu nhập khả dụng của người dân phải tăng”.

Ye Zhenqing, một chủ nhà máy tại Ôn Châu, miền đông Trung Quốc - chuyên xuất khẩu kính râm sang châu Âu và Mỹ, chứng kiến gần 2/3 đơn hàng bị huỷ vì dịch bệnh. Ông Ye giảm 30% lương của toàn bộ nhân viên và cho họ làm việc nửa ngày, đồng thời trả tiền đền bù cho những người đồng ý nghỉ việc.

Phá sản, ngừng hoạt động

“Chúng tôi sẽ tiếp tục vận hành nhà máy tới tháng 7. Nếu khi đó tình hình không được cải thiện, tôi sẽ phải đóng cửa nhà máy trong 3 tháng”, doanh nhân Ye than thở.

Theo ước tính của ông Zhou Dewen, chủ tịch Hiệp hội Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Ôn Châu, cứ 5 nhà máy xuất khẩu tại thành phố này thì có một cơ sở phá sản hoặc ngừng hoạt động. Tình trạng ở nhiều thành phố khác cũng tương tự.

“Tình trạng doanh nghiệp phải đóng cửa có thể sẽ còn tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008”, ông Zhou nhận định. Ông Zhou cho rằng nhiều công ty đã dừng hoạt động có thể sẽ không bao giờ trở lại.

Tất cả những điều này giáng một đòn mạnh nên thị trường lao động tại Trung Quốc. Theo báo cáo của Cơ quan Thống kê Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 3 tại nước này là 5,9%, tăng so với tháng 2.

Kể cả những người may mắn giữ được việc làm cũng chịu ảnh hưởng từ đại dịch. Xiao Yu, một doanh nhân sở hữu 4 nhà hàng tại Trùng Khánh, đã không sa thải bất kỳ ai trong số 80 nhân viên của mình nhưng đề nghị giảm 50% lương.

kinh te Trung Quoc lao dao anh 3

Với tương lai bất ổn phía trước, người tiêu dùng Trung Quốc được dự báo sẽ thắt lưng buộc bụng hơn. Ảnh: ZME.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, cả lớn lẫn nhỏ, đều đang thực hiện những biện pháp như nhau, các nhà kinh tế dự báo một bức tranh kinh tế ảm đạm trong nhiều tháng tới.

“Vài năm gần đây, nợ hộ gia đình tại Trung Quốc đã tăng cao. Với tương lai bất ổn phía trước, người tiêu dùng sẽ thắt lưng buộc bụng hơn. Và đây là vấn đề lớn đối với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc”, chuyên gia Pang tại China Renaissance Securities nhận định.

Để kích cầu, chính quyền nhiều thành phố tại Trung Quốc từ Trường Xuân ở phía bắc đến Quảng Châu ở phía nam đã phát hành các phiếu giảm giá trị giá 5 tỷ NDT (704 triệu USD) nhằm khuyến khích mua sắm, ăn uống và du lịch.

Tuy nhiên, chuyên gia Pang vẫn tỏ ra hoài nghi hiệu quả của những phiếu giảm giá này. “Chúng sẽ giúp kích thích tiêu dùng, nhưng chưa đủ để xoay chuyển tình hình”, ông nhận định. “Sau cùng, nhiều người vẫn cảm thấy chưa an toàn để ra ngoài chi tiêu".

Kinh tế Trung Quốc lao dốc, giới đầu tư đại lục bán tháo nhà Hong Kong

Gặp khó khăn tài chính khi GDP Trung Quốc lao dốc, hàng loạt nhà đầu tư đại lục bán tháo bất động sản tại Hong Kong, đẩy giá nhà đặc khu này giảm mạnh.

Vì Covid-19, Nhật Bản quyết đưa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc

Trong thời điểm dịch Covid-19 lan rộng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề xuất xây dựng nền kinh tế bớt phụ thuộc vào Trung Quốc để tránh tình trạng hệ thống cung ứng đứt quãng.

Nguyễn Duy

Bạn có thể quan tâm