Theo Reuters, lãi suất cho vay cơ bản (LPR) thời hạn 12 tháng tại Trung Quốc đã giảm 20 điểm cơ bản từ 4,05% xuống 3,85%, trong khi lãi suất thời hạn 5 năm trượt 10 điểm (từ 4,75% xuống còn 4,65%).
Đây là lần thứ hai Chính phủ Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay trong năm nay. Hầu hết khoản vay mới và dư nợ đều dựa trên LPR, trong khi lãi suất 5 năm ảnh hưởng đến việc định giá các khoản thế chấp.
“Việc cắt giảm không cân xứng cho thấy việc thắt chặt chính sách nhà ở của chính phủ”, Xing Zhaopeng, chuyên gia kinh tế thị trường tại Ngân hàng ANZ Trung Quốc (chi nhánh Thượng Hải) nhận định.
Vị này cũng nói thêm rằng đây không phải là một công cụ để kích thích nhu cầu trong nước.
Trung Quốc tiến hành cắt giảm lãi suất cho vay lần thứ hai trong năm nay vào ngày 20/4 nhằm cứu trợ nền kinh tế. Ảnh: China Daily. |
Trong khi đó, Jacqueline Rong, chuyên gia kinh tế cao cấp của Trung Quốc tại Công ty Bảo hiểm BNP Paribas (chi nhánh Bắc Kinh), cho biết việc cắt giảm biên lãi suất kỳ hạn 5 năm được xem là “phản ứng ngược chu kỳ” trong lĩnh vực nhà ở.
Bất động sản được xem là lĩnh vực đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế Trung Quốc. Theo Reuters, việc cắt giảm lãi suất cho vay được dự kiến sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hạ lãi suất cho cơ sở cho vay trung hạn (MLF) của các tổ chức tài chính xuống mức thấp nhất hồi tuần trước.
Tuy nhiên, những phản ứng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho đến nay vẫn được đánh giá là khá khiêm tốn so với mức độ mà cuộc khủng hoảng Covid-19 gây ra. Trong khi đó, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã mạnh tay tung ra nhiều biện pháp quyết liệt ngay từ đầu nhằm cứu vớt nền kinh tế trong đại dịch.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định việc gia tăng kích thích cho nền kinh tế là bất khả thi vào lúc này, trong khi các nhà hoạch định chính sách bày tỏ lo ngại về sự gia tăng nhanh chóng của các khoản nợ và rủi ro đối với hệ thống tài chính.
Nền kinh tế Trung Quốc đã lao dốc 6,8% trong quý đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2019 do tác động của dịch virus corona chủng mới có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc nước này. Đây được xem là cơn suy thoái kinh tế nặng nề nhất của Trung Quốc kể từ năm 1992.
Trong khi chính quyền Trung Quốc đang tích cực khởi động lại bánh xe kinh tế, các nhà phân tích cho rằng sẽ mất vài tháng để nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể trở lại trạng thái trước thềm khủng hoảng.