Trì hoãn là một thói quen xấu cần thay đổi để hoàn thành tốt công việc. Ảnh: Freepik. |
Mỗi khi có việc thất bại, bạn có tìm đủ lý do để biện minh “tại vì…”? Mỗi khi được giao một nhiệm vụ hoặc đặt ra một mục tiêu, bạn có hay nghĩ “không sao cả, vẫn còn thời gian”? Trước một thử thách, bạn có đánh giá tình hình theo cách “mình không thể làm được”?...
Nếu bạn thường ở trong tình trạng vừa nêu trên, cuốn sách Nghệ thuật từ bỏ thói quen xấu sẽ là cẩm nang hữu ích.
Thói quen nhỏ tác động lớn đến hiệu quả công việc
Khi quyết tâm thay đổi bản thân theo hướng tích cực, ta thường tìm hiểu cách thiết lập thói quen tốt. Nhưng từ bỏ thói quen xấu cũng quan trọng không kém. Tác giả Eiichiro Misaki đã chỉ ra 50 thói quen không tốt cùng bí quyết giúp thay đổi trong cuốn sách của mình.
50 thói quen được chia thành 4 chương, mỗi chương là một chủ đề, lĩnh vực lớn cần thay đổi: Từ bỏ cách làm việc thiếu hiệu quả, Từ bỏ lối sống thiếu lành mạnh, Từ bỏ cách cư xử thiếu tinh tế, Từ bỏ lối suy nghĩ thiển cận.
Ở chương đầu tiên, “Từ bỏ cách làm việc thiếu hiệu quả”, tác giả nêu bí quyết, phương pháp để thay đổi những hiện trạng, thói quen có hại trong công việc như: Bàn làm việc lộn xộn, luôn bận rộn “đầu tắt mặt tối”, tự đặt giới hạn bản thân, tự làm mọi thứ một mình…
Những thói quen tưởng chừng không đáng lưu tâm ấy lại có tác động lớn tới kết quả công việc và chất lượng cuộc sống. Nếu luôn cảm thấy bận rộn, “đầu tắt mặt tối”, nên sử dụng thời gian rảnh của mình một cách hiệu quả. Ai cũng có 24 tiếng một ngày như nhau, vậy đâu là thời gian rảnh? Tác giả chỉ ra thời gian rảnh của người bận rộn chính là khoảng chờ cho những công việc.
Chẳng hạn, trước cuộc họp, trước cuộc hẹn với đối tác, chúng ta sẽ có khoảng 10 phút chờ quản lý hoặc đối tác. “Cùng một khoảng thời gian đó, bạn có thể lựa chọn hoàn thành một công việc hoặc chẳng làm gì cả”, trích nội dung sách.
Khoảng chờ đó chính là thời gian rảnh có thể tận dụng để xử lý những công việc tốn ít thời gian hơn. Đó nên là những việc lặt vặt, để khi có việc quan trọng làm gián đoạn thì không gây ảnh hưởng tới những việc làm lúc đó. Bằng cách tận dụng những khoảng “rảnh” đó, chúng ta sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hoặc làm công việc khác.
Với thói quen luôn muốn làm mọi thứ một mình, cuốn sách không phủ nhận tác dụng thói quen này. Tự hoàn thành mọi việc của mình là điều quan trọng cần ghi nhớ. Nhưng đôi khi, chúng ta cũng nên lùi lại để tự hỏi mình có thể tìm sự trợ giúp, hợp tác từ ai không?
Bằng cách hợp tác với người khác, giao phó bớt công việc cho hậu bối, cấp dưới, công việc sẽ được hoàn thành nhanh chóng hơn. Lúc đó, thay vì làm một phần việc, bạn có thể làm hai phần việc cùng lúc. Tuy vậy, bạn không nên ủy thác hoàn toàn công việc cho người khác. Việc đánh giá khả năng của đối tác rất quan trọng trong quá trình hoàn thiện công việc một cách hiệu quả.
Cuộc sống hiện đại có quá nhiều tiện ích nhưng mặt trái của nó là luôn khuyến khích thói quen tiêu dùng và lối sống thiếu tích cực. Những hoạt động thường ngày tưởng vô hại nhưng trở thành thói quen thiếu tích cực như: không ngừng lướt web, dễ nản lòng với chương trình học tập để phát triển bản thân, hay mua hàng tùy hứng, ngủ nướng, ăn quá nhiều đồ ăn vặt… Chương 2 của sách chỉ ra những thói quen thiếu lành mạnh và cách từ bỏ lối sống đó.
Cuốn Nghệ thuật từ bỏ thói quen xấu. Ảnh: N.T. |
Tránh "ngựa quen đường cũ"
Tác giả Eiichiro Misaki coi cách cư xử thiếu tinh tế cũng là thói quen xấu cần từ bỏ. Chẳng hạn, tặng quà xuất phát từ ý tốt nhưng tặng quà không đúng sở thích người được tặng lại khiến đối phương rơi vào tình thế khó xử.
Một số người không thích chào hỏi xã giao và coi hành động đó thật phiền phức. Nhưng bất cứ mối quan hệ nào cũng bắt đầu bằng việc chào hỏi. Tác giả khuyên nên coi chào hỏi là một nghĩa vụ, đưa nó vào danh sách việc phải làm. Chỉ cần nói “xin chào”, các mối quan hệ sẽ bắt đầu được “phá băng”. Chương 3 của sách chỉ ra cách từ bỏ những cách cư xử thiếu tinh tế như vậy.
Ở chương cuối, sách nêu những biểu hiện của lối suy nghĩ thiển cận: Hay biện minh “tại vì”, hay nghĩ “không sao cả, vẫn còn thời gian”, hay đổ lỗi cho người khác, lo lắng quá nhiều về tương lai, hay nghĩ “mình không thể làm được”…
Khi những suy nghĩ đó xuất hiện, chúng ta thường chểnh mảng, hình thành thói quen “nước đến chân mới nhảy”, trì hoãn để rồi trễ deadline và cuối cùng là không đạt được mục tiêu đề ra. Những lời khuyên của tác giả ở chương cuối thúc giục “hãy bỏ lại phía sau mọi lý do trì hoãn để hoàn thành ngay công việc” và hãy bắt tay vào công việc khi nhận nhiệm vụ.
Thay đổi thói quen không phải điều dễ dàng. Trong đó, điều khó nhất chính là nhìn thẳng vào thói quen không tốt của bản thân. Để bạn đọc có cách tiếp cận dễ dàng hơn trong quá trình nhìn lại chính mình, tác giả đã tạo ra hai nhân vật đồng hành trong sách.
Mỗi nội dung đều có minh họa vui nhộn với hai nhân vật Gấu và Báo. Trong đó, Báo là nhân vật có chính kiến nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót. Gấu là nhân vật có nhiều thói quen xấu, noi gương “tiền bối” Báo để thay đổi thói quen của mình theo hướng lành mạnh.
Thông qua hình ảnh minh họa đó, độc giả không cảm thấy khó chịu khi nhìn vào thói quen tiêu cực của mình. Trái lại, những câu chuyện, hình ảnh vui nhộn giúp người đọc vừa thu nhận kiến thức vừa có thể thư giãn.
Nếu đã nhận diện được thói quen xấu và đang trong tình trạng “mình lại thế nữa rồi”, nên đọc lại một nội dung trong sách, nhen nhóm suy nghĩ “tôi sẽ thử thay đổi tật xấu của mình lần nữa”. Điều đó sẽ giúp chúng ta dần từ bỏ lối mòn của “ngựa quen đường cũ”, hình thành những thói quen tích cực.