2016 có thể được coi là năm thành công của nhiều hãng hàng không đang hoạt động.
Thị trường hàng không có hấp dẫn?
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tuyên bố đã thực hiện hơn 133.000 chuyến bay an toàn, vận chuyển 20,6 triệu lượt khách, tăng 18,7% so với cùng kỳ và 264.000 tấn hàng hóa, vượt gần 10% kế hoạch năm.
Tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines và các công ty thành viên ước đạt trên 76.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% và lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt gần 2.500 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ và vượt 7% kế hoạch năm.
VietJet Air cũng tỏ ra không kém cạnh khi hãng này có sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận năm thứ 3 liên tiếp kể từ khi thành lập. Năm 2016, VietJet thực hiện khoảng 85.000 chuyến bay với 14 triệu lượt hành khách.
Thị phần nội địa của VietJet cũng tăng lên trên 40%. Doanh thu năm 2016 của VietJet đạt khoảng 27.500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 2.500 tỷ đồng.
Trao đổi với Zing.vn, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng thị trường hàng không Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển.
Dân số Việt Nam đang tiếp tục tăng lên, có khoảng 103-105 triệu người vào năm 2030. Tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều, mức độ hội nhập, giao thương sâu rộng sẽ khiến hoạt động hàng không tăng lên.
Ông Lê Đăng Doanh cũng nhận định hàng không Việt Nam đã có những bước tăng trưởng ấn tượng nhiều năm qua. Tuy nhiên, tỷ lệ chuyến bay trên đầu người vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của VietJet Air giai đoạn 2013-2016. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Các hãng bay mới xếp hàng dài "chờ cất cánh"
Liên tiếp trong thời gian gần đây, một loạt tuyên bố thành lập hãng bay mới ở Việt Nam được đưa ra bởi các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cuối tháng 3, báo chí quốc tế đưa tin hãng hàng không giá rẻ Air Asia của Malaysia đang lên kế hoạch thành lập một hãng hàng không giá rẻ liên doanh tại thị trường Việt Nam.
Theo đó liên doanh khoảng 1.000 tỷ đồng gồm Gumin, Hải Âu và ông Trần Trọng Kiên. Ông Trần Trọng Kiên hiện là CEO Gumin, đồng thời là Chủ tịch kiêm CEO Thiên Minh Group (TMG) - công ty mẹ của Hải Âu.
Dự kiến, hãng hàng không mới này sẽ cất cánh vào đầu năm 2018, theo thông tin từ Air Asia.
Cơ cấu góp vốn của Vietstar Airlines. Đồ họa: Hiếu Công. |
Cuối tháng 5, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC cũng gây bất ngờ khi tuyên bố thành lập hãng hàng không với tên gọi Bamboo Airways. FLC cho biết thay vì tập trung vào các thành phố lớn như các hãng bay hiện tại, hãng sẽ khai thác các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịch Việt Nam, từ các thành phố lớn đến các địa điểm du lịch, các địa điểm du lịch với nhau.
Đơn vị này cũng cho rằng sẽ định vị hãng là hãng hàng không “hybrid”, tức lai ghép giữa hai loại hình kinh doanh truyền thống và giá rẻ, để đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau của mọi phân khúc hành khách.
Dự kiến trong tháng 6, doanh nghiệp sẽ trình lên Cục Hàng không xin phê duyệt đề án thành lập và kỳ vọng cuối năm 2018 bắt đầu khai thác bay. Hãng cũng đã đi đến giai đoạn ký biên bản ghi nhớ về việc mua máy bay.
Trước đó, tháng 5/2017, Vietstar Airlines có văn bản gửi Chính phủ tái đề nghị được xem xét, phê duyệt cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không, gia nhập thị trường vận chuyển hành khách.
Vietstar đưa ra mục tiêu phát triển và kế hoạch giai đoạn hoạt động 5 năm đầu với thị trường là trục nội địa Bắc - Nam và khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Định hướng xây dựng là hãng hàng không vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa bằng máy bay chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam.
Vietstar Airlines được thành lập ngày 27/4/2010 có vốn điều lệ 400 tỷ đồng. Hãng có 3 cổ đông là Công ty TNHH MTV Hàng không Ngôi Sao Việt (nắm 67%), Công ty sửa chữa máy bay A41 (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân) nắm 25%, và CTCP Logistics Ngôi sao Việt nắm 8%.
Miếng bánh hấp dẫn, cơ hội hay thách thức
Ngày càng có nhiều hãng bay đợi cất bánh ở Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà. |
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng trong bối cảnh thị trường hàng không Việt Nam vẫn còn rất hấp dẫn, việc mở thêm các hãng bay mới là điều bình thường.
Theo GS, TSKH. Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội hàng không - vũ trụ Việt Nam, việc có thêm các hãng bay mới có thể gây áp lực nhất định đến hạ tầng sân bay trong nước, đặc biệt là các sân bay đã quá tải như Tân Sơn Nhất, Nội Bài.
“Vì ngành hàng không là ngành kinh doanh có điều kiện, các cơ quan quản lý sẽ cấp phép dựa trên hạ tầng hiện có hoặc trong tương lai gần. Nếu hạ tầng quá tải, các hãng sẽ bị hạn chế về số chuyến bay, khung giờ bay”, ông Cương nhấn mạnh.
Ông Cương cho rằng các hãng hàng không mới mong muốn sớm được "cất cánh" nhưng cản trở về hạ tầng sẽ khiến họ không được phát triển như ý.
Các hãng bay mới nên nhắm vào thị trường ngách, khai thác hạ tầng các sân bay ở một số tỉnh, nơi công suất dư thừa vẫn còn rất nhiều. Việc này sẽ giúp tránh được sự cạnh tranh với những hãng lớn và có thể tận dụng được những lợi thế sẵn có.
Theo ông, cũng có thể sử dụng các loại máy bay cần hạ tầng sân bay không đáng kể như máy bay trực thăng, thuỷ phi cơ... Tuy nhiên nếu sử dụng các loại máy bay này thì cần dự báo, phân tích kỹ lưu lượng hành khách, chi phí thực tế và giá vé tối đa mà thị trường có thể chấp nhận.
Theo chuyên gia này, hàng không là ngành “không dễ ăn” bởi đòi hỏi vốn lớn, kỹ thuật cao và nhiều quy định ràng buộc.
Khi được hỏi về hạ tầng sân bay có quá tải bởi có nhiều hãng bay mới, chuyên gia hàng không, TS Lương Hoài Nam cho Zing.vn biết Việt Nam đang có 21 sân bay. Nếu tính thêm các sân bay Long Thành, Vân Đồn, Phan Thiết, chúng ta có 24 sân bay đến năm 2025.
Tổng công suất cả 21 sân bay đang khai thác chỉ khoảng 71,5 triệu khách/năm, chưa bằng công suất chỉ một sân bay chính ở Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur (100 triệu khách/năm). Trong khi đó Thái Lan đã có tới 38 sân bay, dù dân số của họ chỉ bằng 72% Việt Nam.
"Vấn đề hạ tầng sân bay Việt Nam không phải nước ta có quá nhiều sân bay, có 'lạm phát sân bay' như một số người nhận xét, mà là mức độ xã hội hoá đầu tư, vận hành sân bay ở Việt Nam còn quá thấp", ông Nam nhấn mạnh.
CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo cũng từng cho rằng không phải lo về sự quá tải ở các sân bay Việt Nam. Bà Thảo cho đó là tín hiệu tích cực của một đất nước đang phát triển.
"Nhìn các sân bay của nước ngoài xem, kể cả nơi hiện đại nhất đâu có chỗ nào thông thoáng... Tôi cho rằng đó là tín hiệu tốt. Việt Nam có 22 sân bay thương mại, mà mới có 2 sân bay chớm quá tải. Chính phủ đã khẩn trương nâng cấp, mở rộng, xã hội hóa bằng nhiều hình thức...", bà Thảo cho biết thêm.