Thay vì tập trung vào các thành phố lớn như các hãng bay hiện tại, Bamboo Airways sẽ khai thác các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịch Việt Nam, từ các thành phố lớn đến các địa điểm du lịch, các địa điểm du lịch với nhau.
Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH Hàng không Tre Việt Đặng Tất Thắng, việc mở hãng bay mới nhằm tận dụng tiềm năng rất lớn về nhu cầu đi lại của khách du lịch. Đơn vị này cũng cho rằng sẽ định vị hãng là hãng hàng không “hybrid”, tức lai ghép giữa hai loại hình kinh doanh truyền thống và giá rẻ, để đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau của mọi phân khúc hành khách.
Về phản hồi của Cục Hàng không cho rằng chưa nhận được đề xuất gì, đại diện này cho rằng đang tiến hành những bước cuối cùng để hoàn thiện đề án thành lập hãng hàng không Bamboo Airways. Dự kiến trong tháng 6 sẽ trình lên Cục Hàng không xin phê duyệt, và kỳ vọng cuối năm 2018 bắt đầu khai thác bay.
Hãng cũng đã đi đến giai đoạn ký biên bản ghi nhớ về việc mua máy bay.
Hàng không là ngành không "dễ ăn"
GS. TSKH. Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
Theo GS. TSKH. Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam, đầu tư làm hàng không đòi hỏi vốn rất cao. Hơn nữa, ngành hàng không cũng không thể thu hồi vốn nhanh. Khoảng một vài năm đầu tiên, chắc chắn sẽ không thể có lãi.
Phân tích cụ thể hơn, ông Cương cho biết để thành lập một hãng hàng không phải chuẩn bị rất nhiều. Đầu tiên là máy bay. Hãng có thể mua hoặc thuê lại tùy điều kiện hoặc mục tiêu của mình. Tuy nhiên, nếu tất cả các khâu đều đi thuê thì hãng đó sẽ rất lâu mới thu hồi vốn, đảm bảo doanh thu, lợi nhuận.
Ông Cương lấy ví dụ, hãng hàng không không thể đi thuê nhân viên kỹ thuật mặt đất, hoặc đưa đi nước ngoài bảo dưỡng máy bay 100%, như vậy rất tốn kém và không bền vững. Với tầm quan trọng như vậy, hãng hàng không trước hết phải thực sự coi trọng việc đào tạo đội ngũ phi công, nhân viên kỹ thuật.
Một khó khăn nữa là các hãng hàng không phải kết nối với sân bay, cảng hàng không, hệ thống dịch vụ mặt đất, đảm bảo các phương tiện liên lạc, khí tượng….
Để đảm bảo an toàn bay, phi công, tiếp viên, nhân viên mặt đất phải qua đào tạo, cấp chứng chỉ. Máy bay và các thiết bị phục vụ cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt các chế độ kiểm tra kỹ thuật để đảm bảo an toàn.
Nói như vậy, ông Cương cho rằng các hãng hàng không phải mất khá nhiều thời gian để chuẩn bị trước khi có thể cất cánh.
Theo vị này, càng có nhiều hãng hàng không cạnh tranh lành mạnh thì hành khách càng được hưởng giá vé rẻ và dịch vụ tốt hơn. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh hàng không là ngành “không dễ ăn”, cần có thời gian để chờ đợi.
Hãy chờ xem FLC làm gì?
Theo chuyên gia, thị trường hàng không Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển, nhưng không phải dễ ăn. Ảnh minh họa. |
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cũng cho rằng thị trường hàng không không dễ dàng. Việc mở hãng bay mới cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kỹ thuật, nhân sự và có các thỏa thuận yêu cầu khác nhau.
“Tôi nghĩ đây mới là bước đầu, cần chờ đợi diễn biến”, ông Doanh nhấn mạnh.
Phân tích về thị trường hàng không Việt Nam, TS. Lê Đăng Doanh cho biết còn dư địa tăng trưởng lớn. Dân số Việt Nam đang tiếp tục tăng lên, rơi vào khoảng 103-105 triệu người vào năm 2030. Tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều, mức độ hội nhập, giao thương sâu rộng sẽ khiến hoạt động hàng không tăng lên.
TS. Lê Đăng Doanh kết luận việc có thêm các hãng hàng không là điều bình thường. Thị trường hàng không hiện nay có sự cạnh tranh cũng khá lành mạnh, các hãng ngày càng vươn lên, mở rộng, khá mạnh mẽ.
Về cơ hội, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng trong kinh tế thị trường có người thành công, người thất bại. Ngành hàng không cũng không nằm ngoài quy luật đó.
"Cần chờ đợi FLC chọn mảng thị trường nào, nhắm vào đâu. Khi đó mới thấy họ như thế nào", chuyên gia này Lê Đăng Doanh chia sẻ quan điểm.