Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết địa phương đang lấy ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của tỉnh để xây dựng kế hoạch tiếp nhận công nhân từ TP.HCM về địa phương.
Theo ông Nghị, Đắk Lắk còn khoảng 120.000 công dân ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Từ ngày 1/10, TP.HCM chuyển trạng thái phòng chống dịch mới, các tỉnh phía Nam cũng đồng loạt nới lỏng giãn cách nên sẽ có rất nhiều người trở về.
“Đắk Lắk đang xây dựng kế hoạch đón công dân từ vùng dịch trở về tỉnh phù hợp với tình hình mới. Các địa phương tổ chức cho hộ gia đình đăng ký số lượng người về và ký cam kết thực hiện biện pháp phòng, chống dịch. Công dân có nhu cầu về, tỉnh không thể bỏ được”, ông Nghị nói.
Người dân về các tỉnh Tây Nguyên tránh dịch hồi tháng 8. Ảnh: T.N. |
Trao đổi với Zing, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết người về từ nơi có dịch phải thực hiện đầy đủ quy định phòng, chống dịch. Riêng trong đợt này, Khánh Hòa chưa ghi nhận người dân tự phát về quê từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương hay các tỉnh miền Tây.
“Tỉnh đã nhiều lần tổ chức vào TP.HCM đón công dân, trong đó, mới nhất là đưa 500 sinh viên về. Nếu công dân của tỉnh có nguyện vọng, địa phương sẽ tạo điều kiện đón trên nguyên tắc tuân thủ quy định phòng, chống dịch Covid-19 chặt chẽ”, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa nói.
Trong khi đó, UBND Ninh Thuận cho biết thời gian qua, tỉnh đã tạo điều kiện để đón công dân từ các tỉnh phía Nam về.
Mới nhất, tỉnh đón gần 200 bà bầu, phụ nữ nuôi con nhỏ từ TP.HCM. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND Ninh Thuận, việc này đã gây áp lực lớn trong công tác phòng, chống dịch của địa phương.
Do đó, lãnh đạo Ninh Thuận đã trao đổi, mong muốn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương hỗ trợ, động viên bà con tiếp tục ở lại, hết dịch rồi trở về sau.
Theo ông Phạm Ngọc Nghị, công dân về Đắk Lắk sẽ được phân loại để phòng, chống dịch. Cụ thể, F0 sẽ đưa vào cơ sở điều trị, F1 đưa vào cách ly tập trung.
Công dân đã tiêm 2 mũi vaccine thì thực hiện cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà; người đã tiêm một mũi vaccine thực hiện cách ly tập trung tại địa phương; công dân thực hiện cách ly tập trung tự chi trả tiền ăn trong 14 ngày cách ly.
Gần 200 bà bầu, nuôi con nhỏ được tỉnh Ninh Thuận đón về quê hôm 22/9. Ảnh: Minh Trí. |
UBND tỉnh Đắk Lắk giao công an rà soát tại chốt kiểm soát dịch để thông tin kịp thời số công dân về. Sở Y tế phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh khảo sát và nâng công suất của bệnh viện dã chiến lên 1.300 giường và chuẩn bị sẵn sàng bệnh viện dã chiến số 2 tại Trường Chính trị tỉnh với quy mô 1.000 giường.
Còn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Khánh Hoà cho biết từ 1/10, người từ các tỉnh, thành phố phía Nam về địa phương phải có đơn xin cách ly y tế tại nhà nếu đủ điều kiện hoặc cách ly y tế tập trung (tự trả phí).
Trước mỗi nhà có người đang thực hiện cách ly y tế phải có biển báo ghi rõ thông tin cách ly, số điện thoại của cán bộ theo dõi giám sát. Đối với người đã tiêm 2 mũi vaccine (mũi 2 đủ 14 ngày), có xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ thì thực hiện cách ly y tế tại nhà 7 ngày, hoặc cách ly y tế tập trung 7 ngày (tự trả phí).
Những người tiêm một mũi hoặc mũi 2 chưa qua 14 ngày thì thực hiện cách ly y tế tại nhà 14 ngày và sử dụng vòng đeo tay thông minh, hoặc cách ly y tế tập trung 14 ngày nếu không sử dụng vòng đeo tay thông minh. Riêng những người chưa tiêm vaccine thực hiện cách ly y tế tập trung 14 ngày.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã giao Sở Y tế lên phương án đón phụ nữ mang thai đang sinh sống, học tập và làm việc ở TP.HCM có nguyện vọng về quê trong những ngày tới. Trước đó, Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP.HCM đề xuất lãnh đạo thành phố về việc tổ chức đưa các bà mẹ mang thai về quê nhà để tiếp cận với dịch vụ y tế và gần gũi người thân.
Trao đổi với Zing, ông Trần Hùng Phong, Phó chủ tịch Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP.HCM, cho biết hội đang thống kê số lượng phụ nữ mang thai có nguyện vọng về quê để báo cáo với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng. Phương án di chuyển với nhóm công dân này là dùng máy bay.