Ngày 20/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Kiên Giang họp với lãnh đạo sở, ngành và các huyện, thành phố khi địa phương này xuất hiện 10 ổ dịch Covid-19 với trên 50 người dương tính với SARS-CoV-2.
Nói với Zing, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết có 7 ổ dịch được kiểm soát tốt, 3 ổ phức tạp cần theo dõi tại huyện Vĩnh Thuận, Gò Quao và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang.
Đặc thù buôn bán lưu động vùng sông nước
Theo ông Trung, các địa phương phản ánh rằng trên bộ còn nhiều người ra đường, dưới sông có ghe thu mua lúa, bán thực phẩm.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang giải thích rằng ghe bán hàng dưới sông là kênh phân phối cho vùng sâu. Địa phương quản lý phương tiện thủy giống như đường bộ. Các chốt kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 đối với tài công nếu phương tiện từ tỉnh khác vào Kiên Giang.
Còn đường thủy nội tỉnh, phương tiện chở hàng thiết yếu lưu thông bình thường, chính quyền tạo điều kiện cho người dân phân phối hàng hóa.
“Ghe, tàu chở hàng là đặc thù của vùng sông nước, làm sao thiếu được”, ông Trung chia sẻ.
Ông Trần Hồng Quân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết ghe, tàu được nhiều gia đình ở miền Tây xem là nhà vì vừa là nơi ăn ở vừa để mua bán bách hóa, hàng nông sản.
“Áp dụng Chỉ thị 16 nhưng chúng tôi vẫn tạo điều kiện cho ghe hàng hoạt động, giúp người dân không phải đi chợ. Ghe hàng mang thực phẩm đến từng nhà. Nếu không có loại hình này thì mỗi gia đình phải cử người đi chợ, lại có sự tiếp xúc khác phức tạp hơn”, ông Quân nêu quan điểm.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau, do hàng hóa lưu thông bình thường nên người dân nông thôn không sợ thiếu thực phẩm trong những ngày giãn cách.
Đối với ghe lớn ngoài tỉnh vào Cà Mau sẽ có chốt kiểm soát, tài công được xét nghiệm test nhanh.
Tỉnh Bạc Liêu giáp ranh Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng nên cơ quan chức năng thành lập 72 chốt kiểm soát Covid-19 khắp các huyện, thị và thành phố. Trong đó, đường thủy có 10 chốt chính và 19 chốt phụ để kiểm soát ghe, tàu liên tỉnh, nội tỉnh và các cửa biển.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết địa phương đang kiểm soát tốt dịch Covid-19. Hàng hóa từ tỉnh đến xã, phường và khóm, ấp đều được cung ứng đầy đủ thông qua hệ thống chợ truyền thống và ghe bán hàng trên sông. Trên bờ cũng có người đi xe máy bán thực phẩm lưu động.
“Mọi hoạt động trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu diễn ra bình thường. Người dân Bạc Liêu chỉ hạn chế ra đường, ít đi chợ, thực hiện tốt 5K”, ông Thiều khẳng định.
"Người dân sợ bệnh lắm"
Chị Mỹ Hạnh là chủ ghe bán hàng lưu động ở xã Phước Long, huyện Phước Long (Bạc Liêu). Mặc dù UBND tỉnh Bạc Liêu không cấm nhưng chị Hạnh đã ngưng hoạt động để giãn cách xã hội.
“Tôi thấy nếu chạy ghe đi bán hàng cũng không có ai mua vì bà con trong xã ít ai dám ra đường. Có gia đình mua ít thịt, cá rồi về nhà đóng cửa suốt ngày, không ai dám ra đường vì sợ dịch bệnh”, chị Hạnh nói.
Ông Nguyễn Việt Phú, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), nói rằng trước đây ghe hàng lưu động dưới sông rất nhiều. Do giao thông đường bộ phát triển nên hiện nay ghe hàng chỉ còn vài chiếc.
“Áp dụng Chỉ thị 16 nên ghe hàng cũng cho ngưng hoạt động. Người dân sợ bệnh lắm, không ai dám ra đường mua gì đâu”, ông Phú chia sẻ.
Tại thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), chợ nổi vẫn còn hoạt động nhưng không có ghe, tàu cặp bến. Chợ truyền thống trên bờ vắng khách vì người dân thực hiện giãn cách tốt.
“Xe chở hàng ngoài tỉnh cũng không thấy đến chợ Ngã Năm. Mấy hôm nay bà con có ai dám đi chợ đâu. Hai tuần trước, tôi thống kê còn vài ghe hàng ở chợ Ngã Năm nhưng hiện nay không còn chiếc nào”, Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm Kim Thái Phong khẳng định.
Đại tá Phạm Minh Khả, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Sóc Trăng, cho biết đơn vị này có đội cảnh sát tuần tra đường thủy và 2 trạm CSGT đóng tại khu vực sông Hậu ở xã An Lạc Thôn (Kế Sách) và thị trấn Đại Ngãi (Long Phú) để kiểm soát ghe, tàu vào tỉnh.
“Ghe chạy vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Chúng tôi mới thành lập thêm chốt ở Mỹ Thanh. Chốt này CSGT phối hợp với biên phòng để kiểm tra tàu cá từ ngoài biển vào tỉnh”, đại tá Khả nói.
Các tỉnh miền Tây trước giờ áp dụng Chỉ thị 16
Tùy tình hình thực tế, lãnh đạo các tỉnh miền Tây điều chỉnh việc giãn cách sao cho phù hợp với từng địa phương khi áp dụng Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch Covid-19.
Đánh rơi hết tiền về quê sắm Tết, nam thợ hồ nhận được điều bất ngờ
Nhận gần 10 triệu tiền công làm thợ hồ mang về cho vợ sắm Tết nhưng ông Cư đánh rơi trên đường. Người nhặt được số tiền này đã nhờ con đăng thông tin lên mạng xã hội để tìm chủ nhân.
Nguyên nhân sự cố khiến 3 người tử vong tại nhà máy xi măng ở Nghệ An
Trong quá trình vệ sinh trong lò Silo tại nhà máy xi măng Sông Lam 2, 3 công nhân không may gặp tai nạn ngạt khí, dẫn đến tử vong trong ngày làm việc cuối năm Giáp Thìn.