"Tỉnh đã chỉ đạo dừng đò khách. Phương tiện đường thủy trên sông thì có chốt chặn, chỉ cho đi để vận chuyển hàng hóa thiết yếu chứ không chở hàng để mua bán bình thường được” Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu nói.
Theo ông Lâu, hàng hóa ở nông thôn sẽ được các địa phương chọn nơi trung chuyển, tập trung cho đầu mối để cung cấp cho người dân trong thời gian giãn cách. Đầu mối này bán hàng để đảm bảo cho nhu cầu cuộc sống ở từng khu dân cư, xóm, ấp chứ không mang tính kinh doanh như ngày thường.
Phát giấy đi chợ ngày chẵn, lẻ cho từng hộ dân
Là tỉnh vùng sông nước, hàng hóa vào tỉnh An Giang một phần được vận chuyển bằng ghe, tàu.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, trước đây, địa phương chỉ chú trọng đường bộ, chưa quan tâm nhiều đến đường thủy. Tuy nhiên, thời gian gần đây có vài trường hợp dương tính SARS-CoV-2 tại An Giang được phát hiện qua test nhanh là người lái ghe, tàu.
“6 ngày trước, tôi đã chỉ đạo lập nhiều chốt kiểm soát Covid-19 trên sông, test nhanh người trên ghe chở hàng ngoài tỉnh. Các chốt nội bộ test nhanh tài công chở hàng liên huyện”, ông Bình khẳng định.
Chiều 18/7, người dân nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhận được phiếu vào chợ. Ảnh: Việt Tường. |
Theo ông Bình, trước giờ áp dụng Chỉ thị 16, cán bộ khóm, ấp đã phát giấy đi chợ ngày chẵn, lẻ cho từng hộ dân để giảm áp lực tại các chợ truyền thống. Người dân không được dùng phiếu này để làm “giấy thông hành” khi ra đường.
Đối với các chợ di động ở nông thôn An Giang, người dân dùng xe đẩy rau, thịt, cá bán liên ấp, xã đã được dừng vì không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Ngày 18/7, cán bộ khóm tại TP Sóc Trăng đã đến nhà dân để phát phiếu đi chợ. Gia đình nhận phiếu màu vàng sẽ cử người đi chợ 7 lần vào các ngày lẻ từ 19-31/7; phiếu màu vàng có 6 lần trong những ngày chẵn và 1/8.
Ông Nguyễn Văn Quận, Bí thư, Chủ tịch UBND TP Sóc Trăng cho rằng việc quy định ngày chẵn lẻ để giảm 50% lượng người vào chợ mỗi ngày. Việc này được áp dụng với các chợ truyền thống, còn chợ nhóm nhỏ lẻ sẽ dừng hoạt động trong 2 tuần giãn cách.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết địa phương đang duy trì các kênh phân phối hàng hóa thông qua siêu thị và chợ truyền thống. Tuy nhiên, chợ truyền thống phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, nếu không đảm bảo sẽ cho ngưng hoạt động trong 2 tuần giãn cách.
Ngày 18/7, người dân vào chợ Dương Đông của TP Phú Quốc mua hàng bình thường trở lại khi biết được các địa phương vẫn mở cửa chợ truyền thống, siêu thị... Ảnh: Nhật Tân. |
“Bà con theo thói quen ùn ùn đi chợ theo buổi sáng thì không đảm bảo nguyên tắc cách ly của Chỉ thị 16. Vì vậy, chủ tịch cấp huyện có phương án hướng dẫn người dân đi chợ ngày chẵn, lẻ và khung giờ để bà con không tập trung đông người”, ông Trung nói.
Đối với người chở hàng hóa trên sông tại Kiên Giang sẽ được các chốt kiểm soát test nhanh nCoV. Người dân chạy xuồng máy đi chợ cũng phải mang theo giấy ghi ngày chẵn, lẻ để trình với chốt kiểm soát Covid-19.
Phân luồng vào chợ
Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) là đô thị nông thôn nên 3 ngày qua người dân các xã vùng sâu tập trung mua hàng hóa nhiều hơn ngày thường dù có tập quán tự sản tự tiêu, nhiều gia đình không thiếu rau, cá…
Hàng hóa được người dân dự trữ để sử dụng trong những ngày giãn cách chủ yếu là mì gói và trứng gia cầm. Vì vậy, những mặt hàng này đã “cháy” ở các chợ nông thôn.
“Mấy ngày nay bà con nghỉ đi chợ rồi, chợ vắng lắm. Bà con đã mua hàng trước hết rồi. Chúng tôi không phát phiếu đi chợ mà sắp xếp cho bà con giãn cách, phân luồng ra, vào để phòng, chống dịch Covid-19”, Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm Kim Thái Phong giải thích.
Thị xã Tân Châu cũng là đô thị nông thôn của tỉnh An Giang, áp dụng Chỉ thị 16 được 4 ngày. Địa phương này tập trung tuyên truyền ý thức phòng, chống dịch bệnh nên không phát phiếu đi chợ.
Ông Huỳnh Quốc Thái, Bí thư thị xã Tân Châu, cho biết các chợ được phân luồng để người dân giãn cách khi vào mua hàng, vừa đảm bảo thực hiện Chỉ thị 16, vừa đảm quyết nhu cầu sinh hoạt, ăn uống của người dân.
“Chúng tôi tuyên truyền tốt nên người dân đi chợ hạn chế, có khi đi một lần sử dụng 2-3 ngày để hạn chế ra đường. Khi bà con đến chợ thì mình điều tiết cho phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch. Điều này hiện nay thực hiện tốt ở siêu thị, cửa hàng bách hóa và chợ truyền thống”, ông Thái chia sẻ.
Chiều 18/7, hàng nông sản tại chợ Sóc Trăng vẫn dồi dào. Ảnh: Việt Tường. |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, địa phương này kiểm soát dịch bệnh khá tốt nên chợ từ tỉnh đến huyện, xã - phường vẫn hoạt động bình thường. Theo ông Thiều, Chỉ thị 16 vẫn cho phép người dân ra ngoài mua hàng hóa, thuốc uống trong trường hợp cần thiết.
“Đối chiếu với tình hình thực tế của địa phương, Thủ tướng cho phép Chủ tịch UBND mỗi tỉnh quyết định điều chỉnh các giải pháp thực hiện Chỉ thị 16 cho hiệu quả, phù hợp với tình hình của tỉnh. Chúng tôi không phát phiếu đi chợ, bà con đi chợ bình thường nhưng phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K”, ông Thiều nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân khẳng định từ TP Cà Mau cho đến các huyện, người dân vẫn đi chợ bình thường.
“Nơi khác dừng chợ tạm nhưng Cà Mau vẫn duy trì. Tiểu thương chợ tạm buôn bán bình thường để phân tán người đi chợ ra, tránh tập trung đông người tại chợ trung tâm. Thủ tướng đã cho phép tùy theo điều kiện của mỗi tỉnh mà địa phương vận dụng cho phù hợp khi áp dụng Chỉ thị 16”, ông Trần Hồng Quân giải thích.
Theo văn bản hỏa tốc do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ngày 17/7, ngoài TP.HCM và Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện, Thủ tướng đồng ý bổ sung áp dụng Chỉ thị 16 tại TP Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.
Thời gian thực hiện giãn cách là 14 ngày, chậm nhất từ 0h ngày 19/7.