Liên quan đến vụ sà lan đâm sập trụ cầu Ghềnh (Đồng Nai), chiều 21/3, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông tin chính thức về việc sẽ điều chỉnh phương án chạy tàu phù hợp trên đoạn Nha Trang - Sài Gòn và chuyển tải hành khách đoạn từ Sài Gòn - Biên Hòa và ngược lại.
Việc thay đổi lịch trình chạy tàu chủ yếu thực hiện đối với khu đoạn từ Nha Trang trở vào Sài Gòn.
Đối với hành khách tiếp tục có nhu cầu đi bằng đường sắt, trong thời gian khắc phục sự cố không phải chỉ trả chi phí chuyển tải, các hoạt động bán vé và vận chuyển hành khách của Tổng công ty vẫn diễn ra bình thường.
Tính đến sáng nay 21/3, ngành đường sắt đã thực hiện chuyển tải 21 đoàn tàu với tổng số 5.207 hành khách đoạn qua Biên Hòa an toàn.
"Đặc biệt, hành khách có nhu cầu đổi, trả vé liên quan đến việc chuyển tải khách, thay đổi lịch trình sẽ không phải thanh toán phí đổi, trả", Tổng công ty Đường sắt cho hay.
Ngành đường sắt đã vận chuyển hơn 5.200 hành khách qua Biên Hòa an toàn. Ảnh: Phước Tuần. |
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt khẳng định: "Trong thời gian khắc phục sự cố, ngành đường sắt sẽ phải thực hiện việc chuyển tải đoạn từ Sài Gòn - Biên Hòa và ngược lại nhưng hành khách vẫn lựa chọn đi lại bằng tàu hỏa vì sự an toàn và thái độ phục vụ tích cực của nhân viên khi xảy ra sự cố".
Về vận tải hàng hóa, Tổng công ty đường sắt tiếp tục tổ chức vận chuyển hành hóa từ các ga phía Bắc vào đến ga Bình Thuận và ngược lại. Hàng hóa tại khu vực phía Nam được tổ chức xếp dỡ tại các ga Long Khánh, Trảng Bom, Hố Nai.
Trước đó, trưa 20/3, tàu kéo sà lan lưu thông theo hướng từ hạ nguồn lên thượng nguồn sông Đồng Nai đã đâm vào trụ cầu Ghềnh (tại km 1699+860, thuộc khu gian đường sắt Biên Hòa - Dĩ An). Vụ va chạm làm gãy trụ cầu và làm sập nhịp 2 và 3 của cầu.
Tai nạn xảy ra làm nhịp 3 bị rơi và nhịp 2 đầu Nam rơi xuống sông. Đầu cầu Bắc rơi gác lên trụ số 1.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường tại cuộc họp với đơn vị liên quan bàn kế hoạch khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh đã kết luận sẽ thông tuyến đường sắt qua cầu Ghềnh vào ngày 15/7.
Kết luận cuộc họp, thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu các đơn vị thực hiện theo phương án 3 là xây hai trụ mới, và dầm mới (gần như xây mới), đồng thời nâng cao độ tĩnh không lên 6 m.