Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Miền đông nam Ukraina trong những ngày căng thẳng

Những cuộc đụng độ giữa quân đội Ukraina và người ủng hộ chính phủ Kiev với lực lượng tự vệ thân Nga khiến khu vực phía đông nam Ukraina trở thành điểm nóng.

Các cuộc đụng độ đẫm máu trong những ngày đầu tháng 5 giết hàng chục người ở khu vực phía đông và phía nam Ukraina. Nó một lần nữa đẩy Ukraina vào tình cảnh bế tắc, vốn chưa được khai thông sau cuộc bạo loạn, lật đổ chính phủ thân Nga ở thủ đô Kiev. Nhiều quốc gia lo ngại nội chiến sẽ xảy ra ở Ukraina nếu căng thẳng tiếp tục leo thang.

Quân đội Ukraina tại một chốt gác ở Slaviansk. Ảnh: Getty

Ngày 1/5: Quyền Tổng thống Ukraina Olexander Turchynov ký lệnh yêu cầu thanh niên Ukraina thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc, một ngày sau khi ông thừa nhận lực lượng an ninh mất kiểm soát ở khu vực miền đông đất nước. Cùng ngày, những người ủng hộ Nga chiếm văn phòng công tố ở Donetsk. 

Ngày 2/5: Đụng độ giữa người ủng hộ và phản đối chính phủ Ukraina nổ ra ở thành phố Odessa làm hơn 40 người thiệt mạng. Truyền thông Nga cáo buộc, những người ủng hộ chính quyền Kiev gây ra vụ hỏa hoạn tại tòa nhà công đoàn khiến ít nhất 39 người chết. Nhóm người này còn bao vây tòa nhà, đánh đập những người nhảy khỏi công trình đang cháy.

Đám tang một nạn nhân thiệt mạng trong cuộc đụng độ ngày 2/5 ở Odessa. Ảnh: AP

Cùng ngày, các tay súng thân Nga bắn rơi hai trực thăng của quân đội Ukraina ở Slaviansk, khiến một phi công thiệt mạng và một người khác bị bắt sống. Vladislav, phát ngôn phe nổi dậy, cho biết quân đội Ukraina sử dụng xe bọc thép tấn công các tay súng thân Nga khi xung đột nổ ra ở một vài địa điểm xung quanh thành phố Slaviansk.

Ngày 3/5: Lực lượng tự vệ thân Nga ở Slaviansk trả tự do cho 7 quan sát viên quân sự của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) cùng 5 quan chức Ukraina bị bắt giữ cuối tháng 4. Các quan sát viên được phóng thích đúng thời điểm chính phủ lâm thời Ukraina tái khởi động chiến dịch quân sự nhằm trấn áp người biểu tình.

Ngày 4/5: Cảnh sát Odessa buộc phải trả tự do cho 67 người biểu tình sau khi hàng trăm người dân địa phương bao vây tòa nhà của Sở Nội vụ. Họ là những người sống sót sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng ở tòa nhà công đoàn, bị cảnh sát bắt giữ sau khi ngọn lửa được khống chế ngày 2/5. Giới chức Ukraina cáo buộc họ khởi xướng vụ bạo loạn và gây ra vụ hỏa hoạn làm 39 người thiệt mạng.

Cùng ngày, Kiev vẫn thông báo tiếp tục triển khai các hoạt động quân sự ở miền đông đất nước, bất chấp cuộc đụng độ đẫm máu ở Odessa. Quân đội Ukraina tấn công một trạm kiểm soát tại thị trấn Konstantinovka, miền đông đất nước. Theo quyền Bộ trưởng Nội vụ Ukraina Arsen Avakov xác nhận, nhiều binh sĩ bị thương trong chiến dịch đặc biệt ở Konstantinovka.

Người biểu tình phản đối chính phủ Kiev được trả tự do. Ảnh: Getty

Ngày 5/5: Tờ Guardian của Anh trích tuyên bố trên Facebook của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraina, ông Arsen Avakov, cho biết: “Chúng tôi ước tính hơn 30 người ủng hộ Nga đã chết”. Các cuộc đọ súng tiếp tục nổ ra ở ngoại ô Slaviansk do quân đội đẩy mạnh hoạt động trấn áp người biểu tình. Lực lượng tự vệ thân Nga phục kích và sát hại 4 binh sĩ Ukraina.

Cùng ngày, người biểu tình chiếm Ủy ban hành pháp quận Leninsky tại Donetsk. Những người biểu tình chiếm tòa nhà công tố, yêu cầu điều tra tội ác của lực lượng Vệ binh Quốc gia và Cơ quan An ninh Ukraina vì cáo buộc xả súng vào dân thường trong các cuộc trấn áp.

Ngày 6/5: Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga dẫn lời một quan chức hành pháp Ukraina cáo buộc Cơ quan An ninh Ukraina (SBU) âm mưu cho người mặc quân phục và đeo thẻ căn cước giả của binh sĩ Nga để tấn công lực lượng biên phòng nước này ở Donetsk. Họ lên kế hoạch ghi hình toàn bộ cuộc tấn công để thế giới hiểu lầm Nga can thiệp quân sự vào quốc gia láng giềng”.

Bất chấp các hoạt động quân sự ráo riết của quân đội Ukraina ở khu vực phía đông và phía nam đất nước, lực lượng thân Nga vẫn tuyên bố tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để giành quyền tự quyết cho khu vực trong ngày 11/5. Tuy nhiên, phương Tây ngay lập tức lên tiếng bác bỏ tính hợp pháp của cuộc bỏ phiếu và cáo buộc nó là hành động “giả tạo và có tính toán trước”.

Quân đội Ukraina tấn công lực lượng tự vệ thân Nga. Ảnh: Getty

Ngày 7/5: Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rút quân đội khỏi khu vực biên giới với Ukraina trong bối cảnh phương Tây lo ngại Moscow can thiệp vào quốc gia láng giềng. Ông chủ Điện Kremlin cũng đề nghị những người biểu tình hoãn tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định tương lai khu vực.

Ngày 8/5: Lãnh đạo khu vực Donetsk và Luhansk không đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Nga, quyết định tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 11/5 theo kế hoạch.

Ngày 9/5: Bạo lực nổ ra giữa người ủng hộ liên bang hóa và quân đội Ukraina ở phía đông đất nước. Hãng thông tấn RT đăng đoạn clip một chiếc xe tăng của quân đội bị đốt cháy ở thành phố Mariupol, sau khi 20 đến 49 người chết vì bạo lực. Theo các nguồn tin, đây là ngày thứ 6 đẫm máu thứ hai ở miền đông Ukraina kể từ khi những người thân phương Tây nắm chính quyền.

Những người thân Nga ở thành phố Mariupol chiếm chiếc xe thiết giáp của quân đội chính phủ Ukraina. Ảnh: Reuters

Ngày 11/5: Hai tỉnh miền đông Ukraina tổ chức trưng cầu dân ý. Vào lúc 8h sáng theo giờ địa phương (13h cùng ngày theo giờ Việt Nam), các điểm lấy phiếu ở Donetsk và Luhansk mở cửa đón người bỏ phiếu. Những người tham gia trưng cầu dân ý sẽ lựa chọn quyền tự chủ cho Cộng hòa Donetsk và Lugansk.

Ngày 12/5: Kết quả trưng cầu dân ý cho thấy 89% người dân Donetsk ủng hộ ly khai khỏi Ukraina. Trong khi đó, số người ủng hộ Lugansk trở thành quốc gia độc lập đạt tới 96,2%. Tỷ lệ người dân đi bỏ phiếu đạt 75% ở Donetsk và 80% ở Lugansk. Cùng ngày, Nga kêu gọi chính phủ Ukraina đối thoại với khu vực vừa tổ chức trưng cầu dân ý.

Ngày 13/5: “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” muốn sáp nhập vào Nga. Lãnh đạo những người ủng hộ Liên bang hóa muốn khu vực này trở thành một phần của Nga. Một số quan chức cho biết, Donetsk và Luhansk có thể tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ hai nhằm lấy ý kiến người dân về kế hoạch gia nhập Liên bang Nga.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm