Mùa thu năm 2023, Sam Altman, giám đốc điều hành của OpenAI, đã hỏi người đồng cấp tại Microsoft, Satya Nadella về liệu gã khổng lồ công nghệ này có muốn đầu tư hàng tỷ USD vào startup còn non trẻ này hay không.
Microsoft sau đó bơm 13 tỷ USD vào OpenAI và sau thành công rực rỡ với ChatGPT, ông Nadella đã sẵn sàng tiếp tục rót thêm tiền.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của New York Times, sau khi hội đồng quản trị của OpenAI tạm thời loại Altman vào tháng 11/2023, Nadella và Microsoft đã bất ngờ "quay xe".
Trong vài tháng tiếp theo, Microsoft không có động thái nào mới, trong khi OpenAI, công ty dự kiến sẽ lỗ 5 tỷ USD trong năm 2024, vẫn tiếp tục yêu cầu đối tác rót thêm tiền và sức mạnh tính toán để xây dựng cũng như vận hành các hệ thống AI của mình.
"Tình anh em" rạn nứt
Altman từng gọi mối quan hệ hợp tác giữa OpenAI và Microsoft là “tình anh em tốt nhất trong công nghệ". Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai bên đã bắt đầu rạn nứt.
New York Times tiết trong cuộc phỏng vấn với 19 người trong cuộc, áp lực tài chính đối với OpenAI, mối quan tâm về sự ổn định và những bất đồng giữa các nhân viên hai công ty đã gây căng thẳng cho mối quan hệ hợp tác kéo dài 5 năm này.
Sự căng thẳng đó một lần nữa cho thấy thách thức quan trọng đối với các startup về AI: Họ đang phụ thuộc quá lớn các gã khổng lồ công nghệ thế giới về tiền bạc và sức mạnh tính toán.
Không cặp đôi nào thể hiện động lực này tốt hơn Microsoft và OpenAI, công ty đứng sau siêu chatbot ChatGPT.
Cụ thể, để tạo ra trải nghiệm cho người dùng, siêu trí tuệ nhân tạo ChatGPT của OpenAI cần phải xử lý khối lượng công việc khổng lồ. Nó cần nhiều sức mạnh tính toán hơn nhiều so với trình duyệt tìm kiếm của Google, theo Bloomberg.
Điều này khiến OpenAI vẫn phụ thuộc vào các trung tâm dữ liệu của Microsoft - đối tác đầu tư chiến lược của họ.
Thậm chí, cha đẻ ChatGPT còn sẵn sàng cho Microsoft nhận gần một nửa lợi nhuận chỉ để đổi lấy việc cấp cho công ty này quyền truy cập vào hệ thống mạng đám mây Azure.
“Chúng tôi biết ơn vì sự hợp tác với Microsoft. Khoản cược lớn ban đầu mà họ dành cho chúng tôi và các nguồn tài nguyên điện toán khổng lồ mà họ cung cấp là rất cần thiết cho những đột phá trong nghiên cứu của OepnAI, mang lại lợi ích to lớn cho cả hai công ty”, Altman cho biết trong tuyên bố mới nhất.
Trong năm qua, OpenAI đã cố gắng đàm phán lại thỏa thuận để giúp công ty được đảm bảo cung cấp nhiều sức mạnh tính toán hơn và giảm chi phí khổng lồ.
Mâu thuẫn lợi ích
Tuy nhiên, các giám đốc cấp cao của Microsoft lại lo ngại rằng mảng AI của họ phụ thuộc quá nhiều vào OpenAI. Đây cũng là lúc mà gã khổng lồ này bắt đầu hành động.
Vào tháng 3/2024, Microsoft đã trả ít nhất 650 triệu USD để thuê hầu hết nhân viên từ Inflection, một đối thủ cạnh tranh trực tiếp vớiOpenAI.
Cựu giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Inflection, Mustafa Suleyman đang là người giám sát một nhóm mới trong Microsoft với nỗ lực xây dựng các công nghệ AI cho người tiêu dùng dựa trên phần mềm OpenAI.
Ông cũng là người chỉ đạo cho nỗ lực dài hạn của Microsoft nhằm xây dựng các công nghệ có thể thay thế những gì công ty đang nhận được từ OpenAI, theo hai người quen thuộc với các kế hoạch của Microsoft.
Theo WSJ, động thái mới của Microsoft cho thấy chiến lược phát triển AI và cấu trúc nội bộ phòng ban của hãng. Suleyman sẽ là người quản lý các công cụ AI tích hợp các sản phẩm tiêu dùng phổ thông như Bing và Windows.
"Microsoft có thể bị tụt hậu nếu chỉ sử dụng công nghệ OpenAI. Đây là một cuộc đua thực sự và OpenAI có thể không phải là người giành chiến thắng", Gil Luria, một nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư DA Davidson cho biết.
Những nguồn tin nội bộ tiết lộ với New York Times việc bổ sung một nhân sự cấp cao từ đối thủ đã khiến một số giám đốc điều hành và nhân viên của OpenAI, bao gồm cả Altman tức giận.
Thậm chí, mâu thuẫn này càng bị đẩy lên cao hơn khi một số nhân viên của OpenAI gần đây phàn nàn rằng Suleyman từng quát mắng một nhân viên của OpenAI trong cuộc họp qua video vì cho rằng startup này không cung cấp công nghệ mới cho Microsoft nhanh như mong đợi.
New York Times cũng dẫn một số nguồn tin nội bộ khác khẳng định nhân viên OpenAI cũng tỏ ra tức giận sau khi các kỹ sư của Microsoft tải xuống phần mềm quan trọng của công ty họ mà không tuân theo các giao thức mà hai bên đã thỏa thuận.
Bên cạnh đó, một dấu hiệu quan trọng khác chứng minh mối quan hệ giữa hai bên đang rạn nứt lớn đó là việc Microsoft rút lui khỏi các cuộc thảo luận về nguồn tài trợ bổ sung.
Điều này lập tức khiến OpenAI rơi vào thế khó do đang cần rất nhiều tiền để duy trì hoạt động và phát triển mô hình AI mới.
Theo những người trong cuộc, xuyên suốt năm 2024, cha đẻ ChatGPT đã nhiều lần cố gắng đàm phán với Microsoft để giảm chi phí vốn và cho phép công ty mua sức mạnh tính toán từ các công ty khác.
Đến tháng 6, Microsoft cuối cùng đã đồng ý với một ngoại lệ trong hợp đồng, cho phép OpenAI ký thỏa thuận điện toán trị giá khoảng 10 tỷ USD với Oracle để có thêm tài nguyên.
Theo đó, Oracle sẽ cung cấp máy tính được tích hợp chip phù hợp để xây dựng AI, trong khi Microsoft cung cấp phần mềm điều khiển phần cứng.
New York Times cho rằng có một chìa khóa kỳ lạ có thể giúp OpenAI thoát khỏi hợp đồng với Microsoft. Cụ thể, hợp đồng giữa hai bên có một điều khoản nói rằng nếu OpenAI xây dựng trí tuệ nhân tạo tổng hợp (Artificial General Intelligence - AGI), Microsoft sẽ mất quyền truy cập vào các công nghệ của công ty này.
Đây cũng là lý do chính khiến OpenAI bước vào vòng gọi vốn lịch sử vào ngày 2/10 vừa qua, thu về khoản đầu tư 6,6 tỷ USD với mức định giá 157 tỷ USD để tiếp tục theo đuổi sứ mệnh xây dựng AGI.
Theo các điều khoản của hợp đồng, hội đồng quản trị OpenAI có thể quyết định khi nào AGI xuất hiện. Điều khoản này nhằm đảm bảo rằng một công ty như Microsoft không sử dụng sai mục đích cỗ máy tương lai này, nhưng hiện nay, OpenAI lại coi đây là con đường dẫn đến một hợp đồng tốt hơn.
Dùng ChatGPT thế nào để không tạo ra nội dung vô tri
Sự phát triển của AI mở ra nhiều tiềm năng nhưng cũng có không ít mối lo đối với ngành xuất bản, đặc biệt là nhóm tác giả viết sách.
Các tác giả sách cần phải chấp nhận sự vươn lên của AI, sử dụng chúng như một "siêu trợ lý" thay vì chối bỏ trào lưu. Chia sẻ với Tri thức - Znews, nhiều cây viết cho rằng người làm sách vẫn có thể đứng vững trong thời đại AI nếu biết cách tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo.